Doanh nghiệp có thiếu vốn mua nông sản?

29/02/2012 08:23

Hiện tại, ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, các tỉnh miền Đông Nam bộ đang vào vụ thu hoạch điều. Giá những mặt hàng này đang ở mức thấp. Và, doanh nghiệp đang kêu thiếu vốn...

Doanh nghiệp có thiếu vốn mua nông sản?

Hiện tại, ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, các tỉnh miền Đông Nam bộ đang vào vụ thu hoạch điều. Giá những mặt hàng này đang ở mức thấp. Và, doanh nghiệp đang kêu thiếu vốn...

Tuy nhiên, mỗi năm ngành nông sản Việt Nam đều mang về một lượng ngoại tệ lớn. Số tiền này đi đâu mà cứ đầu vụ doanh nghiệp đều muốn chính phủ hỗ trợ vốn, lãi suất để mua nông sản? Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp về vấn đề này.

* Lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam thu về một lượng tiền khá lớn từ các hợp đồng xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, cứ đến đầu vụ thu hoạch, doanh nghiệp thường kêu là thiếu vốn và yêu cầu chính phủ hỗ trợ như vay với lãi suất ưu đãi. Vậy, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

TS Lê Văn Bảnh

- Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL:

Vụ đông xuân năm nay, ĐBSCL có khoảng 1,5 triệu héc ta, thu về khoảng 11 triệu tấn lúa, tương đương 6 triệu tấn gạo, trong đó, có khoảng 3-4 triệu tấn gạo hàng hóa.

Với lượng lúa gạo lớn như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn giá sẽ xuống thấp, đặc biệt, trong bối cảnh người dân không có nhiều phương tiện để dự trữ.

Doanh nghiệp biết điều này, nên thay vì mua ngay từ đầu vụ, đã chần chừ mua vào để ép giá xuống. Khi nông dân than thì buộc Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ. Lúc này chính là cơ hội để doanh nghiệp xin hỗ trợ từ Chính phủ để có tiền mua tạm trữ.

Sau khi kết thúc năm 2011, tôi có nghe nhiều nguồn thông tin cho biết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn có lợi nhuận từ 1.000- 3.000 tỉ đồng.

Điều đó chứng tỏ nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành nông sản không thiếu vốn. Không biết tin này có mức độ chính xác đến đâu nhưng "không có lửa sao lại có khói".

Doanh nghiệp liên quan đến ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay như đứa trẻ vậy, mỗi lần khóc thì được mẹ cho bú. Nếu mỗi lần con khóc thì được mẹ cho bú, thì dại gì đứa trẻ đó lại không khóc cơ chứ! 

GS Võ Tòng Xuân

- Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp:

Thực chất của chuyện doanh nghiệp cứ đầu mỗi mùa vụ lại xin hỗ trợ từ Chính phủ là phần lớn do độc quyền của những doanh nghiệp này.

Do độc quyền nên doanh nghiệp thường tìm cách im lặng trong khoảng thời gian đầu để ép giá xuống thấp. Chúng ta biết nhưng không làm gì được?

Một phần là do doanh nghiệp đã xây dựng được một hệ thống liên kết lợi ích với nhau nên không ai bắt tội lẫn nhau. Cuối cùng thì người nông dân là chịu thiệt nhất.

- Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và phát triển nông thôn (Ipsard):

Mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu một số lượng lớn nông sản, thu về một lượng tiền không nhỏ nhưng cứ vào mỗi vụ thu hoạch thì doanh nghiệp kêu thiếu vốn, cần hỗ trợ.

Việc này đã tồn tại khá lâu, chứng tỏ hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản đang có cái gì đó bất ổn. Những bất ổn này có thể nằm ở doanh nghiệp, hiệp hội hoặc là do cơ chế chính sách điều hành của chính phủ.

Để người nông dân không bị thiệt, cần phải tìm được câu trả lời cho vấn đề này càng sớm càng tốt. Ipard đang có kế hoạch sẽ triển khai một đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Hy vọng, chúng tôi sẽ sớm tìm được câu trả lời.

Khi hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, theo lý giải của những cơ quan có thẩm quyền là hỗ trợ nông dân. Thực tế có phải như những gì Chính phủ mong muốn không, thưa ông?

TS Đặng Kim Sơn

- Tiến sĩ Lê Văn Bảnh:

Do người nông dân không có phương tiện để dự trữ lúa, nên khi thu hoạch xong là bán lúa tươi cho thương lái. Trong khi doanh nghiệp nằm trong danh sách mua lúa gạo tạm trữ thì cứ chần chừ mua vào.

Thực tế mấy năm qua, khi doanh nghiệp bắt đầu mua tạm trữ là thường gần cuối vụ, nông dân đã bán gần hết lúa. Lúc này, giá lúa lên và lợi ích rơi vào tay người khác chứ không phải nông dân.

- Giáo sư Võ Tòng Xuân:

Để nông dân được hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ thì phải tổ chức lại liên kết bốn nhà. Nông dân phải được xem là một phần của doanh nghiệp bằng việc dùng một phần lúa gạo bán cho doanh nghiệp để mua cổ phần của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải xem người nông dân là "vùng nguyên liệu" để đầu tư đầu vào như giống, phân đạm... để trồng những giống lúa có chất lượng cao, tránh phải cạnh tranh trực tiếp từ Ấn Độ, Pakistan - những nước có thế mạnh về gạo chất lượng thấp như hiện nay.

* Xin cảm ơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp có thiếu vốn mua nông sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO