Diễn đàn “Cha mẹ - Con cái: Đối thoại - chuyện không dễ?”

LÊ MINH TIẾN (Giảng viên Xã hội học, ĐH Mở TP.HCM)| 20/01/2009 00:08

Lts: Sau gần hai tháng mở Diễn đàn “Cha mẹ và con cái: Đối thoại - chuyện không dễ?”, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của quý bạn đọc xa gần. Để khép lại diễn đàn này, Tòa soạn giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Xã hội học truyền thông Lê Minh Tiến. Hy vọng qua diễn đàn, mỗi người chúng ta có thêm được những kinh nghiệm hữu ích về việc ứng xử trong gia đình, dù ở vai trò là cha mẹ hay là con cái. Tòa soạn Báo DNSG trân trọng cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của quý vị độc giả.

Diễn đàn “Cha mẹ - Con cái: Đối thoại - chuyện không dễ?”

Lts: Sau gần hai tháng mở Diễn đàn “Cha mẹ và con cái: Đối thoại - chuyện không dễ?”, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của quý bạn đọc xa gần. Để khép lại diễn đàn này, Tòa soạn giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Xã hội học truyền thông Lê Minh Tiến. Hy vọng qua diễn đàn, mỗi người chúng ta có thêm được những kinh nghiệm hữu ích về việc ứng xử trong gia đình, dù ở vai trò là cha mẹ hay là con cái. Tòa soạn Báo DNSG trân trọng cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của quý vị độc giả.

Có thể nói một trong những khía cạnh quan trọng của thiết chế gia đình là sự truyền thông trong gia đình, tức là sự truyền thông hay đối thoại giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Trong lĩnh vực này, sự truyền thông giữa cha - mẹ là khá thường xuyên và dễ dàng, nhưng sự truyền thông giữa cha mẹ - con cái là điều hết sức khó khăn, nhất là trong bối cảnh của nền văn hóa Việt Nam.

Tại sao đối thoại khó diễn ra?

Trong văn hóa truyền thống của chúng ta, có sự phân biệt rất rõ ràng giữa các thế hệ mà trong đó con cái gần như không được tham gia vào bất cứ vấn đề gì vì luôn bị xem là “con nít”. Vì bị xem là con nít “vắt mũi chưa sạch” nên phần lớn cha mẹ đều giành quyền quyết định tất tần tật mọi chuyện của con cái, từ chuyện ăn mặc, học hành, chơi với bạn...

Ngày xưa con cái được “công nhận” là trưởng thành sớm hơn bây giờ vì “nữ thập tam, nam thập lục” đã được xem là “lớn” nên có thể bắt đầu được làm những chuyện “người lớn”. Ngày nay thời gian con cái bị xem là chưa trưởng thành lại kéo dài hơn, bởi chỉ khi nào có công ăn việc làm, lập được gia đình thì con cái mới có thể được xem như đã thành người lớn.

Chính vì luôn xem con cái mình là chưa trưởng thành nên cha mẹ gần như không cho con cái có cái “quyền được đối thoại”. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên khiến cho sự đối thoại giữa cha mẹ - con cái rất hiếm khi xảy ra.

Lý do thứ hai là sự khác biệt về thế hệ. Giữa cha mẹ và con cái thường có khoảng cách từ hai đến ba thế hệ nên những nền tảng giá trị, khuôn mẫu suy nghĩ và ứng xử thường rất khác biệt do được giáo dục trong những bối cảnh và thời gian không giống nhau. Khi không có sự tương đồng về thế giới quan cũng như nhân sinh quan như vậy thì khó lòng có sự đối thoại, vì một trong những điều kiện tiên quyết để cho sự đối thoại có thể diễn ra là các “đối tác” phải có những nền tảng cơ bản chung nhất định.

Khi không có những nền tảng chung thì trong đối thoại “ai mạnh thì kẻ đó thắng”, mà trong quan hệ cha mẹ - con cái thì cha mẹ luôn luôn là “kẻ mạnh” nên thường tìm cách áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình lên con cái và quyết định thay cho con cái về mọi sự. Như vậy thì làm sao có sự đối thoại được khi một bên luôn luôn thắng còn một bên luôn luôn thua, trong khi thành quả của đối thoại phải là “cùng thắng”?


Lý do thứ ba là khi sống trong bối cảnh xã hội công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì gần như sự đối thoại hay truyền thông trong gia đình sẽ giảm sút vì thời gian lao động, cường độ làm việc căng thẳng hơn rất nhiều so với xã hội nông nghiệp. Đối thoại là một việc cần rất nhiều thời gian vì đối thoại là một quá trình đi từ bất đồng đến tranh luận rồi mới đến đồng thuận. Khi không có đủ thời gian thì tốt hơn hết là “ai ở trong thế giới của người nấy”, còn việc đối thoại là điều quá xa xỉ.

Làm thế nào để có sự đối thoại?

Để có thể có được sự đối thoại, người có vai trò quan trọng đầu tiên phải chính là cha mẹ. Chính cha mẹ phải là những người thấy cần thiết phải đối thoại với con cái, bởi chẳng có cách nào để hiểu con cái tốt hơn là trò chuyện với chúng, đối thoại với chúng. Khi cha mẹ thấy cần thiết thì cha mẹ cũng phải là người “bước tới trước” và thiết lập “chiếc cầu đối thoại” vì con cái không phải là “đối tác chủ động” trong vấn đề này.

Điều kiện thứ hai là cha mẹ phải thật sự tôn trọng con cái của mình. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau rằng trẻ con thời hiện đại “khôn” nhanh hơn rất nhiều so với thế hệ cha anh của chúng. Nhận thức được như vậy thì cha mẹ mới không có thái độ xem con cái là “con nít biết gì mà nói” như lâu nay.

Quả thật tuổi trẻ hôm nay có rất nhiều điều kiện để học hỏi, để biết một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn so với trước đây rất nhiều và từ đó cũng có những nhận thức riêng của mình. Chính vì vậy mà những người lớn cũng như cha mẹ cần phải tôn trọng họ, bởi chỉ có tôn trọng con cái thì mới có thể đối thoại với con cái được.

Điều kiện thứ ba là phải biết cách đối thoại. Tuổi trẻ, nhất là tuổi vị thành niên là một giai đoạn có rất nhiều biến động về mặt tâm - sinh lý nên việc đối thoại với các em là điều hết sức khó khăn và đòi hỏi cha mẹ phải có nghệ thuật đối thoại. Thông thường cách tốt nhất là đối thoại “gián tiếp” với chúng, tức là cha mẹ nên đối thoại với con cái thông qua một bộ phim, một bài báo, một hình ảnh liên quan đến một chủ đề mà cha mẹ muốn “truyền tải” cho con cái như chuyện học hành, chuyện tình cảm...

Thông qua phương tiện thứ ba đó mà cha mẹ-con cái cùng bàn luận, tranh luận với nhau thì con cái sẽ dễ dàng tiếp nhận “thông điệp” từ cha mẹ hơn là lối đối thoại trực tiếp. Đồng thời cha mẹ cũng phải tránh tìm cách ra lệnh hay áp đặt trực tiếp mong muốn của mình lên con cái, mà hãy tranh luận và đề xuất mọi khả năng có thể xảy ra để cho con cái “tự quyết định” về chọn lựa của mình. Tập cho con cái tự ra quyết định cũng là cách giúp chúng có thể sống một cuộc sống tự lập sau này bởi cha mẹ không thể sống mãi với con cái để mà quyết định thay cho chúng được.

Tóm lại, “công cuộc” đối thoại với con cái là một việc đầy nhọc nhằn, đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng và sự kiên nhẫn nơi cha mẹ. Nhưng không có cha mẹ nào lại không sống vì con cái cả nên chắc chắn cha mẹ cũng sẽ làm được điều này. Đừng chọn giải pháp dễ dàng rồi than trách người mà mình đã mang nặng đẻ đau.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diễn đàn “Cha mẹ - Con cái: Đối thoại - chuyện không dễ?”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO