Để doanh nhân trở thành lực lượng chủ lực của nền kinh tế

HUỲNH VĂN MINH Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM| 26/08/2010 04:59

Trên thương trường quốc tế hiện nay, nếu chỉ đến “hội” thì ai cũng đi được, nhưng để “nhập” (hợp tác, liên kết, liên doanh làm kinh tế) với các nước, các doanh nghiệp nước ngoài thì chỉ có thể là doanh nghiệp, doanh nhân.

Để doanh nhân trở thành lực lượng chủ lực của nền kinh tế

LTS - Bắt đầu từ số báo này, Doanh Nhân Sài Gòn mở chuyên mục Doanh nhân với Đại hội Đảng lần thứ XI, chủ yếu đăng tải ý kiến đóng góp xây dựng Đảng và kiến nghị các giải pháp xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của doanh giới. Tòa soạn rất mong nhận được nhiều bài viết tâm huyết của các doanh nhân.

Trên thương trường quốc tế hiện nay, nếu chỉ đến “hội” thì ai cũng đi được, nhưng để “nhập” (hợp tác, liên kết, liên doanh làm kinh tế) với các nước, các doanh nghiệp nước ngoài thì chỉ có thể là doanh nghiệp, doanh nhân.

Vai trò và vị thế của doanh nhân

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới cho xã hội, là tác nhân thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế nước nhà.

Doanh nhân là lực lượng chủ yếu tạo lập mô hình doanh nghiệp hiện đại, đại biểu cho lực lượng sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; là đội quân chủ lực thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước một cách toàn diện.

Doanh nhân là lực lượng chủ lực trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động; làm nòng cốt trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Doanh nhân Việt Nam thông qua các cơ quan lập pháp của Nhà nước và tổ chức đại diện của mình đã đóng vai trò là một kênh tham mưu quan trọng trong quá trình xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cách đây hơn 65 năm, sau khi nước nhà giành lại nền độc lập, bắt tay vào sự nghiệp kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giới công thương phải hoạt động để xây dựng nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

Sự chấn hưng nền kinh tế dân tộc, doanh nhân phải là đầu tàu, là đội quân chủ lực: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương thịnh vượng”.

Như người ta nói, trên thương trường quốc tế hiện nay, nếu chỉ đến “hội” thì ai cũng đi được, nhưng để “nhập” (hợp tác, liên kết, liên doanh làm kinh tế) với các nước, các doanh nghiệp nước ngoài thì chỉ có thể là doanh nghiệp, doanh nhân mà thôi.

Một số kiến nghị

Tuy nhiên, giới doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, như thiếu thông tin, năng lực còn hạn chế, khó khăn về vốn - lãi suất... Đặc biệt, trong hệ thống chính trị của Đảng vẫn còn khoảng cách về nhìn nhận vai trò, vị thế của doanh nhân.

Từ thực tiễn ấy, thể theo nguyện vọng doanh giới thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị với Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX và Đại hội Đảng toàn quốc lần XI mấy vấn đề sau đây.

Thứ nhất là xác định vai trò, vị thế của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là một tổ chức chính trị - xã hội hay tổ chức xã hội nghề nghiệp, từ đó, xác định doanh nhân là một “tầng lớp”, một “giới”, hay “đội ngũ” nằm trong hệ thống chính trị của Đảng và được thể hiện trong cương lĩnh của Đại hội Đảng lần thứ XI sắp tới.

Thứ hai là từ Đại hội X, Đảng ta đã cho phép đảng viên được làm kinh tế, thì Đại hội lần này cần xác định rõ cho phép các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ) được phép phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở các doanh nghiệp ngoài hệ thống Nhà nước để vừa tạo thêm sức mạnh cho Đảng, vừa làm nòng cốt trong vận động quần chúng tích cực tham gia biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước thành hiện thực cuộc sống, góp phần đưa nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.

Theo đó, kiến nghị Thành ủy TP.HCM cho phép thành lập Đảng ủy cấp trên cơ sở khối doanh nghiệp của thành phố (bao gồm các tổ chức cơ sở Đảng ở các thành phần kinh tế là thành viên) để tổ chức Đảng này đóng vai trò lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.

Thứ ba là đề nghị đưa công tác thi đua khen thưởng của Nhà nước vào áp dụng cho các tổ chức Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ và các doanh nghiệp, doanh nhân ngoài hệ thống Nhà nước để qua đó xây dựng phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Thứ tư là khuyến khích và ưu tiên doanh nhân tiêu biểu, hội đủ các điều kiện được tham gia vào các hệ thống chính trị quan trọng của quốc gia, cũng như từng địa phương, ngành...

Thứ năm là công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, các chính sách hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính để doanh nhân yên tâm định hướng chiến lược kinh doanh; tạo điều kiện để các doanh nghiệp của tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của Nhà nước như vốn, đất đai, thông tin, thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để doanh nhân trở thành lực lượng chủ lực của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO