Đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT đang bế tắc

11/04/2012 01:24

Ngày 14/4, cầu Sài Gòn 2 sẽ được khởi công sau gần 2 năm nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư. Việc chuyển từ hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) sang hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) đã cho thấy hình thức đầu tư BOT tại các dự án giao thông hiện đang gặp bế tắc.

Đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT đang bế tắc

Ngày 14/4, cầu Sài Gòn 2 sẽ được khởi công sau gần 2 năm nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư. Việc chuyển từ hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) sang hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) đã cho thấy hình thức đầu tư BOT tại các dự án giao thông hiện đang gặp bế tắc.

BOT tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dự án BOT cầu Phú Mỹ mặc dù đã đưa vào sử dụng hơn 3 năm nhưng vẫn phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc tăng vốn đầu tư

Khi nguồn vốn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp nhu cầu xây dựng hạ tầng thì các hình thức đầu tư như BOT, BT, PPP được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông.

Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải, những năm trước hình thức đầu tư BOT rất hiệu quả, nhưng hiện nay hàng loạt dự án BOT đang gặp bế tắc.

Một ví dụ điển hình là dự án cầu Sài Gòn 2 tại TP.HCM (sẽ khởi công vào ngày 14/4), do thiếu quy hoạch vị trí các trạm thu phí trước khi quyết định cho đầu tư BOT, nên khi tiến hành triển khai thì mới nhận ra nếu đầu tư theo hình thức BOT thì không thể xây thêm trạm thu phí chồng lấn trên xa lộ Hà Nội. Vì thế, dự án bị chậm lại gần 2 năm để chuyển đổi sang phương thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao).

Một dự án BOT khác là cầu Phú Mỹ cũng đang phát sinh nhiều vấn đề sau khi đưa vào sử dụng. Do lượng xe qua cầu quá ít nên việc thu phí không đủ trả nợ, mới đây chủ đầu tư đã đề nghị trả lại cầu cho chính quyền TP.HCM.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai 26 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư trên 128.000 tỉ đồng. Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, qua quá trình triển khai thực tế những dự án có quy mô vốn dưới 1.500 tỉ đồng là tương đối thành công. Còn những dự án có tổng mức đầu tư lớn hơn 1.500 tỉ đồng hầu như không thể hoàn vốn nếu chỉ dựa vào việc thu phí.

Một cán bộ của Vụ Kế hoạch Đầu tư Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong bối cảnh lãi suất vay ngân hàng vẫn ở mức cao, cộng với sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, nếu dự án bị chậm tiến độ thì chi phí tăng lên rất lớn.

Vì thế, để đầu tư các dự án BOT, trước hết nhà đầu tư phải có tiềm lực về tài chính. Đối với nhà đầu tư đi vay, trong tình hình lãi suất ngân hàng còn cao và nguồn thu duy nhất từ công trình BOT là thu phí thì kéo dài nên việc đi vay để đầu tư sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất với Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn về các chỉ tiêu tài chính cho các dự án BOT, BTO và BT, trong đó cần đưa ra mức phí mới, phù hợp với tình hình biến động giá trong điều kiện hiện nay.

Nhà đầu tư cân nhắc

Trước đây, rất nhiều dự án giao thông ban đầu được nhà đầu tư đề xuất xây dựng theo hình thức BOT. Tuy nhiên, sau khi bắt tay vào triển khai dự án bị bế tắc, nhà đầu tư xin ngừng triển khai hoặc xin chuyển hình thức đầu tư.

Đơn cử như dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cuối năm 2011, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV (BEDC) đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép không tiếp tục thực hiện dự án này.

Nguyên nhân được BEDC đưa ra là việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng rất khó khăn, hơn nữa việc góp vốn của các cổ đông vào BEDC không đủ cho quá trình đầu tư nên BEDC xin ngừng dự án.

Trong danh mục các công trình mời gọi đầu tư từ nay đến năm 2020, TP.HCM cũng đưa ra hàng loạt dự án BOT như đường vành số 2, 3, 4, các đường trên cao số 1, số 3, mở rộng tỉnh lộ 15...

Về phía nhà đầu tư, ông Lê Vũ Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng thừa nhận việc đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT tại TP.HCM đang gặp nhiều bế tắc, đặc biệt là vấn đề đặt trạm thu phí.

Ông Hoàng cho biết, CII cũng đang quan tâm đến các dự án đường vành đai số 2 và 3, tuy nhiên trong bối cảnh các dự án BOT đang gặp bế tắc thì công ty sẽ cân nhắc có đầu tư theo hình thức BOT hay không.

Theo ông Hoàng, nếu thành phố muốn thu hút các nhà đầu theo hình thức BOT thì trước tiên cần phải quy hoạch vị trí các trạm thu phí cho hợp lý, tránh tình trạng trạm thu phí chồng lấn trên một bán kính hẹp như như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT đang bế tắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO