Đau đầu vì nợ công

SƠN NGUYỄN| 28/10/2014 04:45

Giải quyết bài toán nợ công là nỗi đau đầu đối với các nhà điều hành chính sách.

Đau đầu vì nợ công

Tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam sẽ tiệm cận trần 65% vào năm sau. Trần nợ công liệu sẽ được nâng?

"Chạy với tốc độ của thỏ", câu nói này có thể dùng để mô tả tốc độ gia tăng nợ công Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Nếu như trước năm 2012, tỉ lệ nợ công/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn ở mức khá khiêm tốn thì đến cuối năm 2013, con số này đã tăng lên mức 54%. Đến cuối năm nay, theo báo cáo mới đây của Chính phủ, tỉ lệ nợ công/GDP nhiều khả năng sẽ tăng lên 60% và có thể sẽ tiệm cận mức trần giới hạn nợ 65% GDP vào năm sau.

Đây cũng không phải là điều gì quá bất ngờ. Sau quãng thời gian tạm dừng nhiều dự án đầu tư công để thực hiện ổn định vĩ mô, từ năm ngoái đến nay, không ít dự án đầu tư công mà đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã được khởi động trở lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ phải đầu tư một lượng vốn lớn vào nền kinh tế và kèm theo đó là phải tăng đi vay nợ. Lượng trái phiếu chính phủ phát hành trong năm nay dự kiến sẽ vào khoảng 232.000 tỉ đồng, tiếp tục tăng mạnh so với các năm trước và có lẽ sẽ còn tăng mạnh hơn vào năm sau.

Lượng trái phiếu chính phủ phát hành các năm gần đây

Thực ra, mức trần giới hạn nợ 65% GDP của Việt Nam vẫn chưa có nhiều cơ sở khoa học để chứng tỏ đây là ngưỡng an toàn. Chỉ thấy là hiện nay, dù tỉ lệ nợ công chưa chạm tới ngưỡng đó, nhưng Việt Nam đã bắt đầu đi vay mới để chi trả món vay cũ.

Điều này cho thấy nguồn thu ngân sách khá khó khăn và sức ép vẫn đang đè nặng lên túi tiền Chính phủ. Nếu năm 2014 Chính phủ phải vay hơn 70.000 tỉ đồng để đảo nợ thì sang năm 2015, con số này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, đạt mức 130.000 tỉ đồng.

Được biết, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 ước đạt 25,9% và sang năm 2015 dự kiến sẽ tăng mạnh lên mức 31,9%. Điều này hàm ý rằng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã vượt mức quy định 25%.

Cũng nên nhắc lại rằng gánh nặng nợ công còn tùy thuộc vào cơ cấu nợ. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm. 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm, tức kỳ hạn ngắn. Và điều đáng lo ngại là dường như các món nợ có kỳ hạn ngắn như thế chiếm tỉ trọng ngày càng nhiều.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu nợ công tới ngưỡng gần 65% GDP? Đây là câu hỏi khó trả lời, nhưng có một vài thứ quan trọng mà chúng ta có thể nhìn thấy trước. Theo quy định hiện nay, nếu nợ công chạm mức trần quy định, Chính phủ sẽ không được vay mới nữa.

Trong trường hợp muốn vay mới, Bộ Tài chính có lẽ chỉ trông chờ vào việc GDP của nền kinh tế được cải thiện đáng kể để tỉ lệ nợ này vẫn được kiểm soát dưới ngưỡng. Nhưng liệu tăng trưởng của nền kinh tế có đủ nhanh trong các năm tới để đáp ứng được yêu cầu này?

Tỉ lệ nợ công sẽ là một trong những yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư bên ngoài nhìn vào. Hiện phần lớn nợ công của Việt Nam là dành để đầu tư phát triển, tức đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống hay sân bay. Hầu hết đều là các dự án “khủng” trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỉ USD. Nếu Chính phủ không thể đi vay để đầu tư, liệu các dự án đầu tư công này sẽ trôi về đâu và nền kinh tế sẽ chịu tác động như thế nào trong dài hạn?

Hơn thế nữa, nếu Chính phủ không còn đủ nguồn lực để cung cấp vốn đối ứng trong các kế hoạch hợp tác với Ngân hàng Thế giới hay trong mô hình hợp tác công - tư (PPP) với các doanh nghiệp tư nhân, khi đó viễn cảnh thoái lui của các đối tác này hoàn toàn có cơ sở xảy ra. Lúc ấy, chắc chắn các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, các dự án Metro hay các tuyến đường cao tốc sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu muốn tránh kịch bản này xảy ra, có lẽ chỉ còn cách Quốc hội sẽ đồng ý nâng trần nợ công. Nhưng nếu thông qua việc nâng trần nợ, cũng cần phải cân nhắc một số hệ lụy. Thứ nhất, nợ xấu của chính quyền địa phương sẽ tăng lên và tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp cũng như khu vực ngân hàng.

Ngoài ra, việc gánh nặng nợ ngày một lớn của Chính phủ cũng dẫn đến rủi ro thanh toán khi lãi suất trên thị trường biến động. Ví dụ, theo Giáo sư Kinh tế Thomas J. Sargent, người được trao giải Nobel Kinh tế năm 2011 cùng với nhà kinh tế Christopher Sims, khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt (chẳng hạn như việc gia tăng lãi suất) sẽ làm gia tăng các khoản nợ công do Chính phủ phải gánh thêm các khoản nợ lãi rất lớn.

Thêm vào đó, khi nợ tăng lên đến mức nhất định, người dân sẽ không còn muốn nắm giữ thêm trái phiếu do Chính phủ phát hành hoặc họ sẽ đòi hỏi một mức lãi suất cao hơn nhằm bù đắp rủi ro mang lại. Điều này hàm ý rằng, một khi nợ công tăng lên thì các chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ không còn nhiều dư địa để thực hiện dễ dàng như trước.

Nhưng câu chuyện nợ công này không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của cả thế giới, từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật hay các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc. Tất cả đều đang vật lộn đối phó với việc các khoản nợ công không ngừng tăng lên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang tăng trưởng ì ạch.

>Nợ công trong nước sẽ chạm đỉnh vào năm 2016
>Nợ công và vấn đề dùng người
>Áp lực nợ công rất đáng lo ngại
>Nỗi lo trả nợ công

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đau đầu vì nợ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO