Đào tạo đại học theo hệ thống tín chỉ: Chưa dễ thực hiện

LỮ Ý NHI| 04/11/2008 01:09

Quy chế chuyển đổi đại học từ đào tạo niên chế sang hệ thống tín chỉ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hơn một năm. Đây là một trong bảy bước quan trọng của lộ trình đổi mới nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức đào tạo này cho đến nay vẫn chưa được giảng viên và sinh viên hưởng ứng.

Đào tạo đại học theo hệ thống tín chỉ: Chưa dễ thực hiện

Quy chế chuyển đổi đại học từ đào tạo niên chế sang hệ thống tín chỉ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hơn một năm. Đây là một trong bảy bước quan trọng của lộ trình đổi mới nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức đào tạo này cho đến nay vẫn chưa được giảng viên và sinh viên hưởng ứng.

Đào tạo theo hệ tín chỉ: hay thì có hay...

Học theo tín chỉ, liệu sinh viên có tự giác học?

Khác với đào tạo niên chế (đang áp dụng rộng rãi hiện nay), đào tạo tín chỉ là hình thức đào tạo phổ biến ở các đại học trên thế giới. Đây là quy trình đào tạo linh động, không giới hạn thời gian học tập, lấy người học làm trung tâm. Người học có quyền lựa chọn: Học cái gì? Học lúc nào? Học ở đâu? Học với ai? Ưu điểm đặc trưng của hệ thống tín chỉ là kiến thức được cấu trúc thành các học phần. Do đó, lớp học được tổ chức theo từng học phần, sinh viên được chọn những môn học phù hợp với khả năng, hoàn cảnh của họ cũng như có thể học các môn liên ngành. Kết quả học tập của sinh viên được tính theo từng học phần chứ không theo năm học. Vì vậy, nếu không đạt học phần nào, sinh viên chỉ phải học lại học phần đó chứ không phải học lại từ đầu. Chính vì thế mà học phí đào tạo tín chỉ thấp hơn đào tạo niên chế.

Đào tạo theo tín chỉ còn tạo cho sinh viên tính chủ động cao trong việc chọn kiến thức, chủ động về mặt thời gian. Nếu học tốt có thể rút ngắn thời gian học, có thể vừa học, vừa làm hoặc nghỉ học vài năm rồi học tiếp. Vì không thi tốt nghiệp, không bảo vệ luận văn khi tốt nghiệp nên không có tình trạng sao chép luận văn. Ngoài ra, mô hình tuyển sinh theo học kỳ sẽ không gây quá tải do việc tuyển sinh ồ ạt cùng lúc như đào tạo niên chế hiện nay. Về hiệu quả đào tạo, tích lũy tín chỉ giúp người học có thể chuyển đổi ngành học, chuyển đổi hình thức đào tạo khi có nhu cầu. Sinh viên không chỉ học các môn chuyên ngành của mình mà còn học các môn thuộc các lĩnh vực khác, có thể kết hợp học để lấy bằng hai, ba chuyên ngành khác nhau. Chẳng hạn sinh viên các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật vẫn cần học các môn khoa học xã hội và ngược lại.

Nhưng... chưa dễ thực hiện

Trong bản tham luận tại hội thảo “Quản lý sinh viên trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ” vừa được tổ chức tại TP.HCM, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, TS Lê Đình Viên cho biết: “Qua thực tế các trường đã áp dụng học chế tín chỉ, một vấn đề đáng lưu tâm là tính chủ động của sinh viên rất thấp, chưa quen làm việc độc lập, vẫn giữ tư duy dựa vào giáo viên chủ nhiệm và cán bộ lớp để biết thông tin của nhà trường. Vì vậy, nhiều sinh viên than phiền không biết trường sẽ tổ chức những môn học nào, kế hoạch học tập ra sao...”.

Nói về khó khăn, bất cập trong việc quản lý sinh viên, Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, ông Trần Ngọc Lợi cho biết: “Đào tạo tín chỉ sẽ không có giáo viên chủ nhiệm, thay vào đó là cố vấn học tập, là người am hiểu quá trình đào tạo, giúp đỡ sinh viên trong suốt quá trình học tập ở trường như: đăng ký học, chọn môn học... Mỗi cố vấn chỉ phụ trách 15-20 sinh viên. Nếu theo đúng tiêu chuẩn này thì số lượng cố vấn học tập sẽ rất lớn, cộng với đội ngũ giảng viên, đội ngũ quản lý sinh viên thì bộ máy sẽ quá cồng kềnh và một người kiêm nhiều nhiệm vụ thì sẽ không chuyên môn hóa, chất lượng công việc sẽ giảm.

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay, việc xây dựng chương trình học, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, huấn luyện nhân viên và giảng viên về hệ thống tín chỉ, cố vấn cho sinh viên, sắp xếp thời khóa biểu... vẫn chưa chuyên nghiệp, lịch giảng dạy đôi khi còn chồng chéo và vẫn thiếu giáo viên giảng dạy. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học chế tín chỉ, các trường phải được chủ động trong tuyển sinh đầu vào, tuyển sinh theo từng học kỳ để các môn học có điều kiện được tổ chức liên tục. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn khẳng định nếu học theo tín chỉ, các trường sẽ được tổ chức tuyển sinh theo từng học kỳ, thế nhưng hiện nay, các trường vẫn phải áp dụng hình thức tuyển sinh theo niên chế bởi vẫn chưa có một văn bản pháp qui nào cho phép trường được chủ động tuyển sinh. Mặt khác, tuyển sinh theo từng học kỳ thì sẽ có học sinh phổ thông bị “lỗi nhịp” nếu như mùa tuyển sinh không vào đúng mùa thi tốt nghiệp. Vậy các đại học, cao đẳng có nên cho các em đăng ký học một số tín chỉ trước khi tốt nghiệp phổ thông trung học hay không, nếu có thì phải có điều kiện gì?”.

Song, lúng túng lớn nhất là việc quản lý quá trình học tập và tốt nghiệp của sinh viên do đào tạo tín chỉ bỏ hẳn điều kiện dự thi, có nghĩa sinh viên không cần đến lớp. PGS.TS Võ Xuân Đàn - Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM lo ngại: “Khi chuyển sang đào tạo theo hệ tín chỉ, với 2/3 thời gian được thả nổi thì sinh viên sẽ làm gì khi chưa có ý thức tự giác học tập như hiện nay? Liệu sinh viên có nghiêm túc tự học khi thư viện, phòng thí nghiệm, tài liệu học... chưa phong phú? Và giáo trình áp dụng cho học chế tín chỉ vẫn là giáo trình cũ của chương trình niên chế. Mặt khác, một đơn vị tín chỉ được tính bằng 15 tiết lên lớp và 30 tiết chuẩn bị cá nhân, nếu sinh viên có thắc mắc thì biết gặp thầy ở đâu khi giảng viên chưa có phòng làm việc riêng để tiếp sinh viên. Nếu mỗi giảng viên phải giải đáp thắc mắc cho khoảng 50 sinh viên thì họ sẽ sắp xếp thời gian thế nào để vừa phù hợp với thầy, vừa phù hợp với trò?”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đào tạo đại học theo hệ thống tín chỉ: Chưa dễ thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO