Đàm phán FTA Việt Nam - EU: Vòng quyết định

Nghị sĩ WERNER LARGEN - Chủ tịch Liên minh Nghị viện Châu Âu - TRÌNH TIÊU ghi| 06/11/2013 08:36

Vòng đàm phán thứ 5 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) sẽ diễn ra tại Việt Nam tuần này với bốn vấn đề quan trọng sẽ được đưa ra đàm phán.

Đàm phán FTA Việt Nam - EU: Vòng quyết định

Vòng đàm phán thứ 5 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) sẽ diễn ra tại Việt Nam tuần này với bốn vấn đề quan trọng sẽ được đưa ra đàm phán.

Đọc E-paper

Thứ nhất, xây dựng một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và DN tư nhân. EU không phản đối hoạt động của các DNNN, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cả DNNN và các thành phần khác trong nền kinh tế.

Thứ hai, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, liên quan đến bản quyền và quyền tác giả. Thứ 3, xác định về địa lý. Thứ tư, phát triển bền vững. Rất khó để có thể xác định đâu là nội dung hóc búa nhất trong vòng đàm phán lần này, bởi đàm phán FTA là vấn đề rất khó.

Với những nội dung trên, EU hy vọng Việt Nam sẽ đi đúng hướng để có kết quả tốt. Năm 2014 dự kiến sẽ kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - EU, hiện nay hai bên đang nỗ lực vì mục tiêu đó.

Cuối chương trình đàm phán, một ủy ban thuộc Nghị viện Châu Âu sẽ xem xét và cân nhắc việc phê chuẩn FTA Việt Nam - EU. Ủy ban này sẽ nhóm họp trong tháng 11, sau đó, Nghị viện EU sẽ ra một nghị quyết về những mong đợi của EU đối với FTA EU-Việt Nam. FTA sẽ đem lại lợi ích cho cả hai phía Việt Nam và EU, nhưng Nghị viện Châu Âu sẽ phải cân nhắc những lợi ích của EU.

Thời gian này là mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU. Bên cạnh đàm phán FTA, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Hợp tác và Đối tác (PCA), thể hiện cam kết của EU trong việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác sâu rộng mang lại lợi ích cho cả hai bên.

PCA cũng giúp gắn kết EU và tất cả các thành viên, do đó tạo cơ hội tăng cường liên kết và hài hòa chính sách của EU và các thành viên. Chính phủ Việt Nam và EU đã xác định, thống nhất một số ưu tiên.

Nhưng hiện nay, Hiệp định PCA Việt Nam - EU chưa được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, hy vọng, từ nay đến tháng 5/2014, PCA có thể được hoàn tất.

Bầu cử nghị viện mới của EU sẽ diễn ra vào tháng 5/2014. Sẽ không có ảnh hưởng nào trong quyết định phê duyệt FTA Việt Nam - EU giữa nghị viện mới và cũ, bởi nghị viện mới cũng có trách nhiệm xem xét FTA Việt Nam - EU.

Nghị viện Châu Âu không đặt ra điều kiện ủng hộ hay không ủng hộ mà dựa trên quy trình ra quyết định và mỗi nghị sĩ đều có trách nhiệm trước quyết định của mình. Khi quyết định cuối cùng được đưa ra đó là quyết định của Nghị viện Châu Âu.

Trước đây, việc bỏ phiếu quyết định FTA với Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn do đã có nghị sĩ nói về những vấn đề liên quan đến tranh chấp, cạnh tranh về ô tô của Hàn Quốc, nhưng cuối cùng FTA EU - Hàn Quốc vẫn được Nghị viện Châu Âu thông qua với đa số ủng hộ.

Nếu FTA Việt Nam - EU kết thúc vào cuối năm 2014 như dự kiến, chắc chắn FTA này sẽ được phê chuẩn bởi nghị viện mới. Như vậy, nghị viện mới sẽ xem xét hiệp định này vào tháng 9/2014, ngay sau kỳ nghỉ Hè.

EU đang trong quá trình đàm phán FTA với một số nước ASEAN và đã kết thúc đàm phán với Singapore, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam là đối tác quan trọng về chính trị, kinh tế và thương mại của EU. Khi FTA Việt Nam - EU được hoàn tất, thương mại hai chiều sẽ gia tăng mạnh, mang lại lợi ích cho cả EU và Việt Nam, đáp ứng được kỳ vọng của cả hai bên.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư của Việt Nam cần được cải thiện hơn để làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư đến từ EU.

Nửa đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch thương mại Việt Nam -EU đã phát triển mạnh mẽ. Xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đã tăng 25% và ở chiều ngược lại, xuất khẩu của EU sang Việt Nam cũng tăng 20%.

Cho đến nay, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, EU cũng là đối tác thương mại song phương lớn thứ hai của Việt Nam. Vòng đàm phán thứ 5 FTA Việt Nam - EU là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn nữa đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đặc biệt là đầu tư đến từ EU.

Đây cũng là cơ hội tốt để thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường cạnh tranh, tạo ra các ngành nghề và nền công nghiệp năng động hơn, sử dụng nguồn lực trong nước một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kinh tế của EU và Việt Nam là hai mô hình khác nhau.

Ý chí, định hướng của các nhà lãnh đạo cũng rất khác trong việc đàm phán Hiệp định FTA. Hiện nay, EU đã hiểu rõ về nền kinh tế Việt Nam và hiểu Việt Nam có thể làm được gì. EU không kỳ vọng Việt Nam có thể làm được hơn những gì nền kinh tế có thể làm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đàm phán FTA Việt Nam - EU: Vòng quyết định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO