Cuộc đua mở rộng mạng lưới: Lấy dài... nuôi ngắn

Nguồn Đầu tư Chứng khoán| 23/08/2009 07:58

Trước sức ép cạnh tranh trên thị trường tài chính - ngân hàng ngày một gay gắt, buộc nhiều nhà băng trong nước phải nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động.

Cuộc đua mở rộng mạng lưới: Lấy dài... nuôi ngắn

Trước sức ép cạnh tranh trên thị trường tài chính - ngân hàng ngày một gay gắt, nhất là khi có sự tham gia của ngân hàng con 100% vốn ngoại, buộc nhiều nhà băng trong nước phải nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động. Có thể nói, so với năm 2007, việc mở rộng mạng lưới hoạt động của các ngân hàng năm nay chưa bằng, nhưng được đẩy mạnh hơn năm 2008 khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu phần nào lắng xuống.

Ngân hàng trong và ngoài nước đã lao vào cuộc đua mở rộng mạng lưới hoạt động ngay từ những ngày đầu năm 2009 và dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm nay.

Ngân hàng trong và ngoài nước đã lao vào cuộc đua mở rộng mạng lưới hoạt động ngay từ những ngày đầu năm 2009 và dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm nay. Chỉ trong thời gian ngắn, có ngân hàng mở liên tục hàng loạt điểm giao dịch. Chẳng hạn, HDBank đồng loạt đưa vào hoạt động 8 chi nhánh/phòng giao dịch tại TP. HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương trong thời gian từ ngày 14 đến 19/8/2009, nâng tổng số điểm hoạt động của HDBank lên 42 điểm trên toàn quốc tính đến giữa tháng 8. Đến cuối năm nay, HDBank dự kiến phát triển mạng lưới lên 70 điểm hoạt động trên cả nước, nhằm tiếp cận gần hơn khách hàng.

Tương tự, VietBank tiếp tục khai trương 5 phòng giao dịch tại Hà Nội và TP. HCM kể từ ngày 14 đến 19/8. Hiện nay, VietBank có 18 điểm giao dịch hoạt động tại 6 tỉnh, thành phố lớn như: TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Sóc Trăng. Theo kế hoạch phát triển mạng lưới đến cuối năm 2009, VietBank sẽ có 43 điểm hoạt động tại 6 tỉnh, thành nói trên, tức thêm 25 điểm mới. VietBank là một trong những ngân hàng có tốc độ phát triển mạng lưới nhanh kể từ đầu năm 2009 đến nay.

Sacombank hiện có 274 điểm giao dịch tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước và từ nay đến cuối năm 2009, Ngân hàng sẽ mở thêm 26 điểm giao dịch mới. Trong tổng số điểm giao dịch, Sacombank có văn phòng đại diện tại Trung Quốc, chi nhánh tại Lào, Campuchia. Từ đầu năm đến giữa tháng 5/2009, ACB mở thêm 8 chi nhánh/phòng giao dịch và dự kiến khai trương thêm 40 chi nhánh/phòng giao dịch trong năm 2009, nhưng Ngân hàng chỉ tuyển thêm 600 nhân viên để tiết kiệm chi phí.

Cũng trong 7 tháng đầu năm 2009, ANZ và HSBC, 2 ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, đã nhanh chóng mở rộng thị phần.

Song trên thực tế, hiện không phải điểm giao dịch mở mới nào của các ngân hàng cũng thu được kết quả. Một phần, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu và việc thắt chặt hoạt động tín dụng của Ngân hàng Nhà nước gần đây.

Thông thường, với một điểm giao dịch mới, Sacombank cho biết, sau 6 tháng hoạt động kể từ thời điểm khai trương sẽ đóng góp vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào địa điểm và khu vực hoạt động. Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường hiện nay, với khoảng thời gian trên, hoàn toàn không dễ cho các ngân hàng nói chung và Sacombank nói riêng. Trên thực tế, năm 2008 và kể cả 7 tháng đầu năm 2009, nhiều điểm giao dịch mới của ngân hàng không có “thượng đế” ghé thăm, nên phải sau 1 năm mở cửa mới mong có lợi nhuận.

Phó tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân cho biết, trong tình hình thị trường hiện nay, đối với phòng giao dịch/chi nhánh mở mới sau 1 năm hoạt động mới đóng góp được lợi nhuận cho Ngân hàng.

Ông Phạm Ngọc Đệ, Phó tổng giám đốc VietA Bank cũng cho hay, diễn biến thị trường hiện tại không thể mong có nguồn thu sớm từ điểm giao dịch mới, trong khi chi phí đầu tư mặt bằng, nhân sự, quản lý cho một điểm giao dịch mới là không nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Đệ, cũng có điểm giao dịch chỉ sau 7 tháng hoạt động đã hòa vốn hoặc có lãi.

Song khác với trước, hiện chiến lược của nhiều ngân hàng là giao khoán chỉ tiêu cho từng điểm giao dịch/chi nhánh, nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động cũng như khai thác hết tiềm năng của từng đơn vị. Cá biệt, có nhà băng còn sử dụng biện pháp thay người quản lý sau 1 năm, nếu điểm giao dịch đó hoạt động không hiệu quả. Chính vì vậy, cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần của các ngân hàng ngày một khốc liệt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đua mở rộng mạng lưới: Lấy dài... nuôi ngắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO