Cùng đi, chúng ta sẽ tiến xa

TS. Đoàn Duy Khương (*)| 13/10/2020 08:00

LTS - Mùa Thu 2020, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cùng chào mừng 16 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2020). Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu đôi nét những thành quả của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) từ ngày trở thành tổ chức độc lập đến nay.

Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, VCCI đã góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thể chế kinh tế thị trường, xây dựng lực lượng DN, đội ngũ doanh nhân, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và DN cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Tiến bước cùng đất nước 

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có gần 760.000 DN, trong đó DN dịch vụ chiếm 67,1%, công nghiệp và xây dựng chiếm 31,6%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,3%. Mặc dù khu vực DN nhỏ và vừa chiếm trên 95% tổng số DN đăng ký nhưng tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động. Điều này khẳng định DN nhỏ và vừa đang là trụ cột chính trong nền kinh tế đất nước. 

Có thể nói, lực lượng DN, đội ngũ doanh nhân ngày nay vững mạnh hơn bao giờ hết và là chỗ dựa cơ bản cho các chính sách phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước.

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, càng thấy rõ VCCI là một tổ chức đại diện cộng đồng DN uy tín bậc nhất ở trong và ngoài nước.

Ngày 14/3/1963, đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội với sự hội tụ của 93 tổ chức hội viên. Kết quả đại hội và bản điều lệ đã được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn bằng Quyết định số 58-CP ngày 27/4/1963 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Và ngày 27/4/1963 đã đi vào lịch sử là ngày thành lập VCCI, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Trong những năm từ 1963-1975, VCCI xây dựng tổ chức và hoạt động trong điều kiện chiến tranh, chủ yếu đảm đương hai nhiệm vụ là xúc tiến thương mại, thúc đẩy quan hệ của DN và nền kinh tế Việt Nam với các nước và tham gia đấu tranh pháp lý và chính trị chống bao vây, phong tỏa kinh tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Mỹ.

Từ năm 1975-1982, VCCI tiếp thu cơ sở của Phòng Thương mại - Công Kỹ nghệ Sài Gòn, xây dựng Chi nhánh Phòng Thương mại tại TP.HCM, sau đó mở rộng hoạt động trên phạm vi cả nước. VCCI tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước để phục vụ công cuộc xây dựng nền kinh tế sau chiến tranh, đồng thời thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng miền trong nước.

TS. ĐOÀN DUY KHƯƠNG - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN

TS. Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN

Nhờ những bước đột phá từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IV (tháng 8/1979) với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất và thành phần kinh tế đến Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13/1/1981 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã tạo ra bước phát triển to lớn trong sản xuất nông nghiệp. Sự đột phá và thành công của mặt trận nông nghiệp đã kích thích và lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1981-1985), nhiều nghị quyết và quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ được ban hành nhằm từng bước sửa đổi cơ chế quản lý đối với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân và xóa bỏ quan liêu bao cấp. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982), bước đầu có cách nhìn mới về nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận miền Bắc tồn tại ba thành phần kinh tế là quốc doanh, tập thể và cá thể; miền Nam tồn tại năm thành phần kinh tế là quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, tư bản tư nhân và cá thể. Đó là bước khởi đầu thay đổi cơ cấu các chủ thể sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề cơ bản cho sự phát triển kinh tế thị trường.

Cùng với sự đột phá tích cực đó của đất nước, từ năm 1983-1992, VCCI thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, mở ra nhiều dịch vụ phục vụ DN. Khi đất nước đổi mới, VCCI hoạt động trong điều kiện nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường. Trong thời kỳ này, VCCI tập trung đóng góp vào việc tạo lập những nền tảng ban đầu của môi trường kinh doanh mới, phát triển DN vừa và nhỏ. DN thuộc khu vực tư nhân đồng thời tham gia tích cực vào nỗ lực mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Năm 1992, Mỹ chấm dứt các hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO) của nước này làm việc tại Việt Nam và năm 1993 rút lại sự phản đối cho vay từ các tổ chức tài chính quốc tế cho Việt Nam. Đây chính là thời khắc quan trọng nhất trong quá trình phát triển của VCCI. Năm 1993, sau Đại hội lần thứ II, VCCI trở thành tổ chức độc lập và phát triển vượt bậc. Từ một tổ chức chịu sự quản lý của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (theo sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ), VCCI đã tách ra thành một tổ chức độc lập với hai chức năng cơ bản là đại diện cho cộng đồng DN, tham mưu cho Nhà nước và chức năng xúc tiến thương mại, đầu tư. 

Tháng 9/1994, đoàn 150 DN Việt Nam do Chủ tịch VCCI dẫn đầu sang thăm Mỹ và tổ chức triển lãm hàng hóa tại thành phố San Francisco. Hàng hóa Việt Nam đến ngày thứ ba đã bán hết, cuộc triển lãm thành công ngoài mong đợi. Có thể nói chuyến thăm của đoàn DN Việt Nam tại Mỹ năm 1994 mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ kinh tế giữa hai cộng đồng DN Việt Nam và Mỹ.

Từ năm 1993 đến nay, VCCI trở thành tổ chức quốc gia có chức năng đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng DN trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. VCCI đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 tổ chức đối tác quốc tế, là thành viên tích cực của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tổ chức Giới chủ Quốc tế (IOE), Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (CACCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước ASEAN (ASEAN CCI)...

Khi mới trở thành tổ chức độc lập, cơ quan VCCI có 130 cán bộ  - công nhân viên, đến nay đã có trên 1.000 cán bộ - công nhân viên, hầu hết tuổi đời còn trẻ, 85% tốt nghiệp đại học và trên đại học. VCCI đã xây dựng trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư với tổng diện tích trên 40.000m2, xây dựng hệ thống văn phòng đại diện, chi nhánh trải đều các vùng miền. Đặc biệt, VCCI đã tham gia tích cực vào xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Doanh nghiệp đầu tiên năm 1999. 

"Sánh vai với các cường quốc năm châu"

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế. 

Ngày 13/10/1945, trong thư gửi giới công - thương Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và kêu gọi: "...Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới công - thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào "Công - Thương Cứu quốc đoàn" cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân". 

Chắc chắn, khi chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và 100 năm Ngày Thành lập nước, DN, doanh nhân vẫn là động lực chính để phát triển kinh tế đất nước. Chúng ta sẽ nhìn thấy sự phát triển của các hiệp hội ngành nghề cốt lõi của Việt Nam dưới ngọn cờ của VCCI, những sản phẩm "made in Vietnam" sẽ song hành cùng với sự hiện diện của các VietCham trên các thị trường quốc tế. Với mục đích chung, DN, doanh nhân luôn đặt "quyền lợi đất nước lên hàng đầu" sẽ đảm bảo chúng ta cùng tiến rất xa để Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu". 

(*) Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cùng đi, chúng ta sẽ tiến xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO