Cửa hàng tiện lợi kiểu... Việt

HỒNG NGA| 31/12/2008 08:29

Cách đây 10 năm, các cửa hàng tiện ích mang thương hiệu nước ngoài xuất hiện ồ ạt ở TP.HCM nhưng rồi biến mất không lâu sau đó vì kinh doanh không hiệu quả. Năm 2006, hàng loạt cửa hàng tiện ích khác ra đời, tuy “sống được” nhưng hiệu quả cũng không cao. Rút kinh nghiệm từ các “đàn anh” đi trước, đầu năm 2007 đến nay, một số doanh nghiệp trong nước (mới đây nhất là Saigon Co.op) đã cho ra đời các cửa hàng

Cửa hàng tiện lợi kiểu... Việt

Cách đây 10 năm, các cửa hàng tiện ích mang thương hiệu nước ngoài xuất hiện ồ ạt ở TP.HCM nhưng rồi biến mất không lâu sau đó vì kinh doanh không hiệu quả. Năm 2006, hàng loạt cửa hàng tiện ích khác ra đời, tuy “sống được” nhưng hiệu quả cũng không cao. Rút kinh nghiệm từ các “đàn anh” đi trước, đầu năm 2007 đến nay, một số doanh nghiệp trong nước (mới đây nhất là Saigon Co.op) đã cho ra đời các cửa hàng tiện ích kiểu… Việt.

Sạch trước tiện sau

Không như các cửa hàng tiện ích của nước ngoài mở cửa phục vụ khách 24/24 giờ mỗi ngày với các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, hóa mỹ phẩm và thức ăn nhanh, các cửa hàng tiện ích của Việt Nam kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn hàng ngày. Cửa hàng Co.op Food của Saigon Co.op vừa khai trương tại chung cư Phan Văn Trị (đường Phan Văn Trị, P.2, Q.5) là một điển hình. Trong khuôn viên 300m2, Co.op Food Phan Văn Trị bày bán các mặt hàng tươi sống, đã qua sơ chế, chế biến, đã nấu chín; thực phẩm đông lạnh như thịt, cá; trứng, rau, củ, quả tươi; sữa, phô mai, thịt nguội, chả giò, chạo tôm; dầu ăn, bánh, kẹo, trà, cà phê... và một ít hóa phẩm phục vụ các bà nội trợ.

Khách có nhu cầu cho bữa ăn sáng cũng được phục vụ với thực đơn là các loại bánh tươi và bánh mới nướng. Điểm hay của cửa hàng là sơ chế thịt, cá cho khách miễn phí; khách được tư vấn món ăn hằng ngày, món ngon cuối tuần và cũng có thể đổi, trả hàng khi không vừa ý. Những bà nội trợ bận rộn còn có thể điện thoại đặt hàng và hẹn giờ đến lấy. Do chủ yếu bán hàng thực phẩm nên Co.op Food Phan Văn Trị mở cửa phục vụ từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày.

Có thể nói, hiện nay, người dân thành phố rất quan tâm đến nhu cầu về thực phẩm được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả khảo sát do Saigon Co.op thực hiện với hơn 800 người tại TP.HCM vào tháng 7 và 8/2008 vừa qua cho thấy, nhu cầu về thực phẩm an toàn, tiện ích là rất cấp thiết. Có đến 98% số người được hỏi cho rằng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí quan trọng nhất trong việc chọn lựa thực phẩm, 96% chú ý đến độ tươi ngon và 89% quan tâm đến giá cả. Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Hiện nay, nhu cầu mua sắm thực phẩm vừa tiện lợi vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của những người nội trợ là vô cùng lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn vị nào đáp ứng được nhu cầu này một cách toàn diện, vì thế chúng tôi đưa ra mô hình Co.op Food nhằm mang lại tiện ích cho người phụ nữ bận rộn, phục vụ lối sống quan tâm đến sức khỏe và tiết kiệm thời gian”.

Người Việt tiện kiểu Việt

Không phải đến bây giờ Việt Nam mới chú ý đến việc mở cửa hàng tiện ích, mà từ nhiều năm nay đã có loại hình cửa hàng này. Và hai năm gần đây mô hình kinh doanh này càng nở rộ. Chiếm số lượng nhiều nhất hiện nay là hệ thống G7 Mart với khoảng 30 điểm do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ G7 Mart trực tiếp đầu tư và khoảng 200 điểm dưới dạng liên kết với cửa hàng tư nhân. Kế tiếp là hệ thống cửa hàng Co.op với 67 cửa hàng trong phạm vi TP.HCM. Đứng hàng thứ ba là hệ thống cửa hàng bách hóa thực phẩm của Vissan với 50 điểm bán ở khắp các quận, huyện. Tuy nhiên, do chưa nghiên cứu kỹ, lại chỉ chú ý đến việc phân phối hàng hóa của doanh nghiệp và quảng bá thương hiệu là chính nên hàng hóa tại các cửa hàng này không được phong phú lắm. Thậm chí, ngay như các cửa hàng Co.op của Saigon Co.op cũng chỉ là các hợp tác xã quận, huyện được nâng cấp lên.

Nhận thấy những điểm yếu của các doanh nghiệp đi trước nên các đơn vị đi sau “thiết kế” cửa hàng theo kiểu Việt và cách bán hàng cũng rất... Việt. Chẳng hạn, khách đến cửa hàng được tự tay chọn lựa từng mớ rau, con cá; được nhân viên bán hàng tư vấn món ăn, được chia sẻ bí quyết nấu món ăn ngon... Ngoài ra, tại G7 Mart còn có các dịch vụ tiện ích khác như “thẻ tiện lợi”, “dịch vụ thanh toán tiện lợi” dành cho những khách hàng không có thời gian đi đến nơi thanh toán cước điện thoại, tiền internet, điện, nước, Internet, “bán hàng qua catalogue”... Còn tại cửa hàng Co.op Food, bên cạnh thực phẩm sơ chế, nấu chín, khách hàng còn được phục vụ các món ăn đặc sản của các vùng, miền, được hưởng các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng như tại các siêu thị Co.op Mart: tích lũy điểm với thẻ khách hàng thân thiết, khách hàng thành viên, thanh toán bằng phiếu quà tặng và được giữ xe miễn phí.

Sự tiện ích của mô hình kinh doanh này có vẻ như đang đi đến thành công. Vì vậy, bên cạnh hệ thống cửa hàng của các doanh nghiệp trên, hai hệ thống cửa hàng tiện ích khác cũng chuẩn bị ra mắt là Satramart (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn) và hàng trăm cửa hàng do Tổng công ty Lương thực Miền Nam liên kết với đối tác Canada đầu tư. Không chỉ vậy, cửa hàng Co.op Food đầu tiên mới vừa được khai trương mà Saigon Co.op đã lại ráo riết chuẩn bị để cho ra đời cửa hàng thứ hai. Và “theo kế hoạch, chúng tôi sẽ phát triển chuỗi 20 cửa hàng Co.op Food vào năm 2009 và 120 Co.op Food vào năm 2012”, bà Nguyễn Thị Hạnh - Tổng giám đốc Saigon Co.op, tiết lộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cửa hàng tiện lợi kiểu... Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO