CPI tháng 9 tăng 1,31%: Điểm mặt nguyên nhân

24/09/2010 04:20

Dường như, các nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều chọn tháng 9 làm điểm đột phá.

CPI tháng 9 tăng 1,31%: Điểm mặt nguyên nhân

Dường như, các nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều chọn tháng 9 làm điểm đột phá.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, sau 5 tháng liên tiếp chỉ dao động với biên độ tăng dưới 0,3%, CPI tháng 9 tăng tới 1,31% so với tháng 8, cho thấy sự đột biến của giá cả thị trường, đồng thời cũng khiến nỗ lực kiềm chế lạm phát các tháng cuối năm trở nên khó khăn hơn.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống 0,79% đã đóng góp khoảng 0,31% vào mức tăng chung.

Trước đó, thông tin dự báo CPI tháng 9 có thể tăng trên mức 1% đã được VnEconomy đưa trong một bản tin cách đây 3 ngày.

So với tháng 12/2009, CPI tháng 9 đã tăng 6,46%, chỉ để lại một khoảng hẹp cho 3 tháng còn lại để phấn đấu đưa chỉ số giá về mục tiêu 7-8% của năm nay.

Nhìn trên biểu đồ, CPI tháng 9 tạo thành với tháng 8 một đoạn gập khúc, dốc ngược lên. Xét về cao độ, hai tháng đầu năm vẫn duy trì ở “chiếu trên”. Tuy nhiên, mức biến động tăng hơn 1% so với chỉ số của tháng 8 thì chưa có tháng nào "làm" được, kể từ đầu năm đến nay.

Mặc dù mức tăng 1,31% là nằm ngoài dự tính của nhiều người, song các nguyên nhân tăng chỉ số giá tháng 9 đều đã xuất hiện từ tháng trước. Điểm lại, giá xăng dầu, tỷ giá VND/USD, giá sàn xuất khẩu gạo đều đã được điều chỉnh trong tháng 8.

Bộ ba nguyên nhân này được nhìn nhận như là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Việc tăng giá sữa ở nhiều chủng loại mặt hàng thời gian gần đây, trong khi tồn kho của nhóm sản phẩm này tại thời điểm 1/8 so với cùng kỳ năm trước ở mức khá cao và giá sữa thế giới giảm trong tháng 8, cho thấy có hiện tượng tăng giá tâm lý và “tát nước theo mưa”.


CPI 9 tháng đầu năm 2010

Tiếp cận theo các nguyên nhân vĩ mô, tiêu dùng tăng trong dịp Quốc khánh 2/9, Tết Trung thu và ngày khai trường năm học 2010-2011 tạo thành lực cầu mạnh, tác động đến chỉ số giá các nhóm giáo dục; văn hóa, du lịch, giải trí; giao thông vận tải…

Trong khi đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu từ ngày 9/8 và tỷ giá 2,09% vào ngày 18/8 tiếp tục tăng sức ảnh hưởng, hợp với lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao cho thấy chi phí đẩy tiếp tục tăng lên.

Ngoài ra, việc "nhập khẩu" lạm phát xuất hiện ở việc điều chỉnh giá nhập khẩu các mặt hàng thép, gas, đường… Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu gạo tăng tại châu Phi cũng đẩy giá gạo trong nước tăng cao ở các tỉnh phía Nam…

Trở lại với các chỉ số vừa được công bố, ghi nhận đột biến lớn nhất thuộc về nhóm giáo dục, với mức tăng vượt trội 12,02% so với tháng trước.

Ngoài tác động từ tăng giá đồ dùng, thiết bị học tập trong dịp khai giảng năm học mới, việc các địa phương đồng loạt cho phép tăng học phí lên rất cao, có nơi gấp 3 lần, là những nguyên nhân chính cho sự khác biệt của chỉ số giá tiêu dùng tháng 9.

Với quyền số chỉ 5,72%, nhóm giáo dục chiếm không lớn trong rổ hàng hóa tính CPI chung, nhưng đã đóng góp mức tăng khoảng 0,7%, chiếm quá nửa mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng này.

Tiếp đến là chỉ số CPI nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng tháng này tăng 1,08%, chủ yếu do tác động từ tăng giá thép xây dựng, dầu hỏa, gas… Ước tính, với quyền số khoảng 10%, nhóm này góp phần làm tăng chỉ số chung khoảng 0,1%.

Các nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng dưới 1% đáng chú ý có CPI giao thông tăng khá cao, ở mức 0,91%, nhưng do quyền số chỉ gần 9% nên tác động đến chỉ số chung dưới 0,1%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tuy tăng thấp hơn (0,79%) nhưng quyền số gần 40% nên mức đóng góp lại lớn hơn, khoảng 0,31%....

Chỉ số giá vàng tháng 9 tăng 3,58%; chỉ số giá USD tăng 1,61% so với tháng 8.

Đến lúc này, câu hỏi CPI tháng 9 tăng mạnh có báo hiệu chỉ số này sẽ tăng cao trong các tháng còn lại của năm trở nên không dễ trả lời, bất chấp việc trong hai tháng liên tiếp vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng đều tăng cao hơn tháng trước đó.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ, Giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng, việc tăng học phí chỉ mang tính thời điểm và sẽ không tác động đến chỉ số giá các tháng tới. Như vậy, khả năng CPI tháng 10 hạ nhiệt có thể hiện thực.

Tuy nhiên, lộ trình tăng học phí bậc cao đẳng và đại học từ 20-25% của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nguyên nhân mang tính “đến hẹn lại lên”, có thể sẽ lại tác động đến chỉ số giá vào thời điểm này năm tới. Đồng thời, theo những diễn biến mới nhất trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng lương thực vẫn còn là ẩn số khó xác định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CPI tháng 9 tăng 1,31%: Điểm mặt nguyên nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO