Công nghiệp 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng

21/07/2014 08:30

Nhu cầu sản phẩm công nghiệp có xu hướng tăng trở lại trong khi tồn kho vẫn tiếp tục ở mức cao, giá trị gia tăng thấp là những gam màu chính trong bức tranh sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2014.

Công nghiệp 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng

Nhu cầu sản phẩm công nghiệp có xu hướng tăng trở lại trong khi tồn kho vẫn tiếp tục ở mức cao, giá trị gia tăng thấp là những gam màu chính trong bức tranh sản xuất công nghiệp nửa đầu năm 2014.

Sản xuất, tồn kho đều tăng

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà tăng trưởng và chuyển biến dần qua các tháng; 6 tháng năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013 tăng 5,8%, tăng cao hơn so với mức tăng 5% cùng kỳ năm 2013.

Xét về tăng trưởng của nhóm ngành, so với cùng kỳ năm trước, ngành có mức tăng trưởng cao nhất là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%. Tiếp đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải đứng thứ ba tăng 5,9%, riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,5%.

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 5/2014 tăng 9%, cao hơn mức tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao gồm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; da và các sản phẩm có liên quan; thiết bị điện; xe có động cơ; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị); dệt ...

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm gồm: Sản phẩm thuốc lá, phương tiện vận tải khác... (Chỉ số tồn kho các ngành sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2014) Mặc dù, nửa đầu năm 2014, ghi nhận mức tăng khá về chỉ số sản xuất nhưng điều đáng chú ý là mức tồn kho sản phẩm cũng tăng theo.

Thậm chí, chỉ số tồn kho tính đến thời điểm 1/6 ghi nhận mức tăng ở hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp, một số ngành còn có mức tăng cao gấp nhiều lần so với chỉ số sản xuất.

Cụ thể, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến 1/6/2014 tăng tới 12,8%. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn so với mức tăng chung: Sản xuất chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất thiết bị điện… Trong khi đó, những ngành có chỉ số tồn kho giảm gồm: Sản xuất giường, tủ, bàn ghế, sản xuất xe có động cơ, sản xuất sản phẩm từ khoáng sản phi kim loại.

Tuy nhiên, vẫn còn những ngành có chỉ số tồn kho tăng hơn nhiều so với mức tăng chung như: Sản xuất da và sản phẩm liên quan, thuốc, hoá dược và dược liệu, sản xuất kim loại, phương tiện vận tải, giấy và sản phẩm từ giấy.

Cởi “nút thắt” tăng trưởng

(Chỉ số tồn kho các ngành sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2014)
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh sản xuất công nghiệp Việt Nam trong nửa đầu năm 2014, mặc dù vẫn tăng trưởng dương tuy nhiên những hạn chế của hoạt động này dường như vẫn còn là nút thắt khó cởi trong ngắn hạn.

Theo đó, báo cáo cho thấy, giá tri gia tăng ngành công nghiệp tăng 5,45%, mức tăng trưởng này tuy có cao hơn mức 5,19% cùng kỳ năm 2013, nhưng vẫn ở mức thấp so với mức tăng của các năm 2012 trở về trước. Thêm vào đó, tăng trưởng ở mức cao vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành dệt may, da giày, các ngành lắp ráp ô tô, điện tử... nên giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cải thiện nhiều.

Đồng thời, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chưa đạt yêu cầu phát triển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu. Các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nhiều trong sản xuất khi mà kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức tăng cao.

Hạ tầng ngành điện lực chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, vấn đề thiếu vốn để đầu tư cho các công trình lưới điện đang là vấn đề căng thẳng, khó thu xếp. Tiến độ hoàn thành của một số dự án đầu tư sản xuất còn chậm.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, đầu tư còn dàn trải chưa thể tập trung lớn để thúc đẩy phát triển hạ tầng các ngành công nghiệp mũi nhọn. Việc thiếu vốn vẫn là yếu tố làm hạn chế sự phát triển hạ tầng của ngành công nghiệp, thương mại. Một số dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động nên chưa góp phần gia tăng giá trị sản xuất trong nước.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài, bền vững, nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường nhất là Trung Quốc nên bị động trước những biến động của thị trường, làm giảm hiệu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, những căng thẳng trên biển Đông gần đây nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông cũng phần nào tác động đến yếu tố tâm lý của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO