Con đường thăng tiến của lao động Việt Nam có bằng phẳng?

BÍCH TRÂM| 22/04/2017 08:01

Thời gian trung bình để được thăng chức tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác là 2,75 năm, riêng tại Việt Nam là 2,3 năm.

Con đường thăng tiến của lao động Việt Nam có bằng phẳng?

Theo Báo cáo Thăng tiến 2017 của Tập đoàn cung cấp giải pháp tuyển dụng SEEK Asia được thực hiện trên 10.000 nhân viên và hơn 500 nhà tuyển dụng từ nhiều ngành nghề tại Hong Kong, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand, Philippines và Việt Nam, thời gian trung bình để nhân viên được thăng chức là 2,75 năm, riêng tại Việt Nam là 2,3 năm.

Theo báo cáo, yếu tố hàng đầu để được thăng chức chính là nhận được đánh giá cao về năng lực. Tuy nhiên, người lao động lại chưa ý thức được các yếu tố nào khác sẽ ảnh hưởng đến quyết định thăng chức. Họ nghĩ mạng lưới quan hệ tốt có thể tác động đến sự cân nhắc của lãnh đạo, hay may mắn cũng là một yếu tố góp phần trong việc thăng tiến sự nghiệp.

Khi được yêu cầu đánh giá quy trình thăng tiến của công ty, có đến 80% người lao động tại các nước được khảo sát nói rằng họ được giao thêm nhiều bổn phận hoặc trách nhiệm trong khi chỉ có 40% nhận được bổ nhiệm một cách chính thức. Sự chênh lệch lớn này có thể ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên vì họ có thể coi cách thức này là nhằm tăng thêm trách nhiệm mà không mang lại lợi ích gì cho sự nghiệp của họ.

Thêm nữa, trong khi nhà tuyển dụng xếp yếu tố “đảm đương nhiều trách nhiệm hơn”, “huấn luyện/hướng dẫn”, và “tình nguyện tham gia dự án” như là những tiêu chí chính ảnh hưởng đến quyết định thăng chức thì ngược lại, tiêu chí “tình nguyện tham gia dự án” hay “huấn luyện/hướng dẫn” không nằm trong suy nghĩ của nhân viên.

Việc là quốc gia có thời gian trung bình được thăng chức ngắn nhất trong khu vực cũng đem lại không ít thách thức cho cả doanh nghiệp và người lao động Việt Nam. Người lao động cần có sự kiên trì trong công việc trước khi yêu cầu việc thăng chức hay phúc lợi. Ngược lại, nhà tuyển dụng cũng cần tạo lộ trình rõ ràng, minh bạch cho tất cả những vị trí trong công ty, đặc biệt là các vai trò chiến lược ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh để thu hút những nhân tài phù hợp.

>>5 tố chất cần có để thăng tiến lên vị trí lãnh đạo

Top 3 phúc lợi phổ biến nhất mà người lao động Việt Nam nhận được sau khi thăng chức là những khoản trợ cấp (54%), kế đến là thưởng theo hiệu quả làm việc (31%) và được nâng cấp chương trình chăm sóc y tế (18%). Đối với việc hỗ trợ mua nhà, xe hay cổ phiếu của công ty, chỉ có dưới 6% người lao động được hưởng những phúc lợi cao cấp này.

Theo bà Angie – Tổng giám đốc Công ty JobStreet.com Việt Nam, “Kết quả từ Báo cáo Thăng tiến có thể là nguồn tư liệu tốt để tham khảo cho cả nhà tuyển dụng và người lao động. Nhà tuyển dụng có thể sử dụng báo cáo này để cải thiện chính sách quản lý nguồn lực trong khi người lao động có thể chú ý hơn đến những yếu tố có thể giúp họ được thăng chức, từ đó nâng cao kỹ năng để sẵn sàng cho bước tiến trong sự nghiệp”.

“Được thăng tiến trong công việc” là một trong những yếu tố thu hút người lao động hàng đầu theo một khảo sát về "Top 10 những doanh nghiệp được khao khát nhất Việt Nam” trong quý III/2016. Và đây rõ ràng là yếu tố mà nhà tuyển dụng có thể tận dụng để xây dựng thương hiệu tuyển dụng để thu hút và giữ nhân tài.

Một số điểm nổi bật khác trong kết quả khảo sát:

- Trung bình sau mỗi lần được thăng chức, mức lương của người lao động tăng cao nhất ở 3 nước Việt Nam, Indonesia và Philippines với tỷ lệ 20 - 24%. Mức trung bình ở các nước Hong Kong, Singapore, Malaysia và Thái Lan là 14 - 17%.

- Phần lớn quyết định bổ nhiệm thăng chức ở 7 quốc gia diễn ra vào tháng 1, 6 và 12.

- 55% doanh nghiệp được khảo sát cho biết ngân sách tăng lương không cố định, cơ hội thăng tiến luôn mở rộng cho nhân viên thể hiện tốt.

>>Bí quyết thăng tiến của cựu CEO General Electric

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con đường thăng tiến của lao động Việt Nam có bằng phẳng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO