Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Người đã làm được rất nhiều việc

M.T| 15/11/2022 08:25

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người con ưu tú của Nam bộ Thành đồng Tổ quốc (Vũng Liêm, Vĩnh Long). Người có cái tâm và cái tầm, vững vàng trước mọi hiểm nguy, linh hoạt sáng tạo trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để lại dấu ấn khó phai.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Người đã làm được rất nhiều việc

Nhắc tới cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta nhớ về một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, mạnh dạn cải cách đưa Việt Nam vượt qua khó khăn, tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa, phát triển đất nước trong bối cảnh mới và hội nhập quốc tế.

Đưa Việt Nam thoát nghèo

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng 8/1991), ông Võ Văn Kiệt được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau 3 năm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (từ 1988); và sau đó là Thủ tướng Chính phủ (từ 1992 - 1997). Đó là thời điểm Việt Nam đang thực hiện bước chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hết sức khó khăn khi Liên Xô và khối XHCN không còn nữa. Tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát tăng cao, nông dân và doanh nghiệp thiếu động lực sản xuất; Việt Nam phải nhập khẩu bo bo để chống đói…

Trước tình hình nhiều thách thức đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nhân và các chuyên gia để tìm giải pháp sáng tạo; mạnh dạn cải cách đưa nền kinh tế. Nếu như năm 1990 và năm 1991 còn lạm phát ở mức gần 70% mỗi năm, thì năm 1992 đã kéo xuống còn 15%. Năm 1992 kết thúc với thắng lợi tương đối toàn diện về kinh tế, là năm đầu tiên chúng ta đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đã được Quốc hội thông qua. Nền kinh tế đã tự trang trải được các nhu cầu thiết yếu về vật tư, hàng hóa bằng sức của mình và thông qua trao đổi mậu dịch với bên ngoài...

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát thi công công trình đường dây 500kV. Ảnh: TL

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát thi công công trình đường dây 500KV - Ảnh: TL

Năm 1993, cố Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã có một quyết định chưa có tiền lệ là thành lập Tổ Tư vấn kinh tế bao gồm những chuyên gia ở miền Bắc như Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Trung…, đang ở Nhật Bản như GS. Trần Văn Thọ; ở Mỹ như TS. Vũ Quang Việt; lẫn đã hoạt động ở TP.HCM từ trước 1975 như nguyên Phó Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn Nguyễn Xuân Oánh, Luật sư Trương Thị Hòa… cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành thời gian lắng nghe ý kiến của các thành viên, nêu vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ cũng như đặt hàng về những vấn đề cần góp ý kiến.

Là người luôn tìm tòi để có những quyết định xuất phát từ thực tiễn đất nước, hết sức tránh những biểu hiện rập khuôn, giáo điều, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chân thành học hỏi, đến với kinh tế thị trường một cách rất tự nhiên. Ông ủng hộ quyền tự do kinh doanh của người dân theo pháp luật; ủng hộ thu hút đầu tư nước ngoài.

Link bài viết

Trong vai trò Thủ tướng, ông cương quyết “cởi trói” cho doanh nghiệp từ việc xóa bỏ các rào cản “ngăn sông cấm chợ” đối với hàng hóa trao đổi từ các tỉnh lên thành phố, đến việc kết nối kinh doanh với “thị trường tư bản chủ nghĩa”, tự do hóa xuất - nhập khẩu, xóa bỏ độc quyền nhà nước về xuất - nhập khẩu và kinh doanh ngoại tệ với thị trường tư bản chủ nghĩa, thúc đẩy quá trình hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn là người có công lớn trong việc thúc đẩy quá trình phát huy lực lượng doanh nhân trong nước, giải quyết những rào cản hạn chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh.

Đưa Việt Nam hội nhập quốc tế

Trong 6 năm giữ trọng trách Thủ tướng (từ 8/8/1991 - 25/9/1997), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách chiến lược đúng đắn: xây dựng đường chuyển tải điện 500 kV kết nối Bắc - Nam, hay cương quyết vượt qua tình trạng nền kinh tế bị bao vây, cấm vận, gia nhập ASEAN, mở đầu cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước…

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là người đã quyết định xây dựng đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, cao tốc Láng - Hòa Lạc, xây kè đê Yên Phụ cho thủ đô Hà Nội rồi đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận… Các dự án chương trình lớn, như Chương trình khai thác và phát triển kinh tế - xã hội Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chương trình Thoát lũ ra biển Tây, chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất... đều mang đậm của ông.

Dưới sự điều hành của cố Thủ tướng, nền kinh tế đất nước đã vượt qua cuộc khủng hoảng  kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP đạt 8,2%/năm, tổng sản lượng lương thực 5 năm (1991 - 1995) đạt 125,4 triệu tấn, tăng 27% so với giai đoạn 1986 - 1990. Nông nghiệp khởi sắc, sản lượng lương thực tăng nhanh, bảo đảm tự túc lương thực. Từ chỗ được thế giới biết đến như một đất nước thiếu đói, kiệt quệ do chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, một thị trường nhiều tiềm năng, trở thành một trong số ít nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, góp tiếng nói có trọng lượng trong các diễn đàn quốc tế.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trước Quốc hội sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ ngày 23.9.1992  TTXVN

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trước Quốc hội sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ ngày 23/9/1992 - Ảnh: TTXVN

Làm cho Việt Nam hùng cường

Điều toát lên nhất quán trong sự nghiệp hoạt động đầy sáng tạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là lòng yêu nước, thương dân nhiệt thành, lòng tự hào dân tộc sâu sắc và khát vọng không nguôi muốn chấn hưng dân tộc và làm cho đất nước hùng cường.

Bằng niềm tin vào sức mạnh dân tộc, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những bước đi đột phá về ngoại giao. Nhờ đó Việt Nam đã chuyển hướng mạnh mẽ trong quan hệ đối ngoại (bình thường hóa quan hệ với Mỹ; gia nhập ASEAN; hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật với EU…). Với tầm nhìn chiến lược, ông thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, thuyết phục lãnh đạo các nước trong khu vực ủng hộ quyết tâm của Việt Nam phát triển đất nước trong bối cảnh mới và hội nhập quốc tế.

Trong bức thư gửi Bộ Chính trị ngày 9/8/1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thật sự là một đóng góp tầm chiến lược cho quá trình hình thành những quyết sách quan trọng nhất của Đại hội VIII của Đảng (1996 - 2000). Ngày nay, nhìn lại có thể thấy thực tế cuộc sống đã xác nhận những nhận định và quan điểm được trình bày trong bức thư đó như xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, … là đúng đắn và sáng suốt.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lý Quang Diệu trong một lần gặp gỡ  TƯ LIỆU

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lý Quang Diệu trong một lần gặp gỡ - Ảnh TL

Hoài bão và khát vọng hiến dâng mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân, đã chỉ ra cho chúng ta, rất cần được tiếp nối vì một nước Việt Nam hùng cường.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người giữ trọng trách đứng đầu Chính phủ trong 31 năm, đã thừa nhận cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm được rất nhiều việc trong nhiệm kỳ ngắn hơn rất nhiều so với của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Người đã làm được rất nhiều việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO