Cơ hội hợp tác công nghiệp thực phẩm với Nhật Bản

THU NGÂN/DNSGCT| 08/07/2014 00:49

Trong số các nước nhập khẩu, Nhật Bản nổi tiếng là bạn hàng khó tính và có nhu cầu lớn về các hàng thủy hải sản chế biến và gần đây là các loại trái cây nhiệt đới.

Cơ hội hợp tác công nghiệp thực phẩm với Nhật Bản

Những năm gần đây, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức tăng trưởng khá tốt. Kết quả tổng hợp những ngành hàng chủ yếu năm 2013 có kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 tỉ USD, tăng 3,4 lần. Có nhiều mặt hàng đạt giá trị kim ngạch trên 1 tỉ USD như gạo, cà phê, các mặt hàng thủy sản…

Đọc E-paper

Trong số các nước nhập khẩu, Nhật Bản nổi tiếng là bạn hàng khó tính và có nhu cầu lớn về các hàng thủy hải sản chế biến và gần đây là các loại trái cây nhiệt đới.

Vì thế, tháo gỡ những khó khăn trong việc hợp tác giao thương giữa hai nước sẽ giúp cho các cơ hội làm ăn phát triển. Cuộc hội thảo do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO) trong tuần qua là nhằm mục tiêu này.

Thủy sản Việt Nam được chào đón ở Nhật nếu đảm bảo chất lượng

Thủ tục “hành” doanh nghiệp nước ngoài

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành JETRO cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Họ sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

Nếu được chính phủ Việt Nam hỗ trợ về chính sách, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hợp tác lâu dài, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm với các mặt hàng chủ yếu như cà phê, trà, tôm, rau quả… tại Việt Nam. Sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam hiện nay hầu như đều xuất khẩu ở dạng sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp nên giá trị xuất khẩu chưa cao, khó tiếp cận được những thị trường khó tính.

>DN xuất khẩu thủy sản: Kiến nghị gỡ khó
>Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Vì sao lao dốc?
>"Vua cá" sẽ bước một chân ra ngoài thủy sản?
>Tin xấu hay động lực cho thủy sản Việt Nam?
>Xuất khẩu thủy sản: Cá lớn nuốt trọn cá bé
>Siết trọng tải, doanh nghiệp thủy sản gặp khó

Đó là kế hoạch trong tương lai, còn hiện tại các doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh ngành thực phẩm tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, phần lớn liên quan đến các vấn đề thủ tục. Có doanh nghiệp thắc mắc về việc khai báo, đăng ký nhập khẩu các loại thực phẩm gia công. Theo mục 5 điều 7 (Nghị định 38), sau khi đăng ký sản phẩm, trong trường hợp có thay đổi phương pháp gia công gây ảnh hưởng đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thì cần phải thực hiện lại việc đăng ký.

Tuy nhiên, theo ý kiến doanh nghiệp, trong trường hợp thay đổi tên công ty, thay đổi bao bì, nhãn mác thì không thể gọi là “thay đổi phương pháp gia công sản phẩm” mà là theo một quy định khác. Việc mở rộng phạm vi ứng dụng của luật lệ như vậy là không hợp lý.

Một điểm trừ khác là thủ tục đăng ký khai báo sản phẩm. Doanh nghiệp Nhật cho biết thủ tục này được “linh động” vận dụng theo cách trả phí: nếu đóng mức phí từ 180-250 USD thì chỉ mất một, hai tuần, còn nếu trả phí theo đúng quy định (150.000 đồng) thì mất từ ba tuần đến một năm! (Dù quy định thời gian cần thiết là 15 ngày sau ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký).

Về thời gian để thay đổi thông tin trên nhãn mác cũng bị doanh nghiệp than phiền là không khả thi, làm khó doanh nghiệp vì quy định, sau khi được cấp phép thì buộc doanh nghiệp phải có trên sản phẩm và nhãn mác trong ngày hôm đó!

Một doanh nghiệp phân phối thức uống nhạy cảm là loại có cồn trình bày việc đã được cấp phép “kinh doanh ăn uống” và “nhập khẩu rượu” trong giấy phép đầu tư nên muốn thực hiện để cung cấp cho nhà hàng. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan và Bộ Y tế không đồng ý vì doanh nghiệp này không có giấy phép phân phối.

Nhưng khi xin được các giấy tờ này thì vẫn bị từ chối với lý do “nhà đầu tư nước ngoài không được cấp phép kinh doanh mặt hàng này”. Nhưng, theo Nghị định 94 (điều 20.4) về sản xuất và kinh doanh rượu, các doanh nghiệp muốn nhập khẩu chỉ cần có thêm giấy phép phân phối rượu (điểm mới của Nghị định 94) chứ không loại trừ đối tượng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Lý do bị từ chối không theo luật này đã gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Để ngành công nghiệp thực phẩm là thế mạnh

Các CLB Thực phẩm thuộc Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đưa ra những kiến nghị, giải pháp căn cơ cho việc phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam. Có nhiều thắc mắc được nêu ra, như để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nông dân và nâng cao tính an toàn của nông sản, nông dân cần có nhận thức đúng về các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp và phương pháp sử dụng.

Vậy họ đã được tuyên truyền, tập huấn chưa? Để giảm việc xử lý nông sản trong vận chuyển và nâng cao chất lượng trong chế biến nông phẩm, ở Việt Nam có thực hiện việc hỗ trợ xây dựng vùng gia công chế biến nông sản cạnh vùng canh tác chưa? Việc doanh nghiệp cần thiết xây dựng hệ thống xử lý nước thải có được hỗ trợ vốn và kỹ thuật không? Ở Việt Nam có số liệu thống kê tiêu thụ thực phẩm của từng địa phương giống nhưở Nhật Bản không…?

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản có tầm nhìn đến năm 2030, trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp tin cậy các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm an toàn với chất lượng cao.

Để thực hiện kế hoạch này, Việt Nam phải giải quyết những vấn đề chưa được thực thi nghiêm túc trong thời gian qua. Điều quan trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng là nâng cao tính an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần xây dựng Trung tâm nghiên cứu thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long – vùng cung cấp nguyên liệu thủy sản lớn của cả nước. Cá ngừ tươi Việt Nam rất được ưa chuộng nhưng khâu bảo quản, đông lạnh chưa đảm bảo tiêu chuẩn nên lượng xuất khẩu chưa ổn định.

Theo thống kê giám sát thực phẩm nhập khẩu năm 2011 của Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động Nhật Bản, số lượng mặt hàng thực phẩm của Việt Nam vi phạm Luật An toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản là 166 trường hợp (chiếm 13,2% tổng số vụ vi phạm). Đồng thời doanh nghiệp phải đảm bảo sựổn định về chất lượng và số lượng nguồn nguyên liệu, nên chuyển hướng chế biến sâu, kiểm soát các công đoạn chế biến, bắt đầu từ sơ chế nguyên liệu, quản lý quá trình chế biến, đóng gói, bao bì…

Hiện tại, Việt Nam vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ và đường biển, thiếu các phương tiện vận chuyển chuyên cho hàng đông lạnh và hàng cần bảo quản mát nên chất lượng hàng hóa trong quá trình vận chuyển không được đảm bảo. Vì vậy, vấn đề lưu thông cần được hiện đại hóa, rút ngắn thời gian di chuyển hàng hóa. Cuối cùng là công tác marketing cần được tăng cường hơn.

Chị Lê Vân Mây, người có hơn 20 năm kinh doanh trong ngành thủy hải sản xuất khẩu vào thị trường Nhật cho biết, doanh nghiệp Nhật rất trọng chữ tín. Muốn làm ăn lâu dài phải có sản phẩm chất lượng tốt, bởi cho dù chính phủ hai bên có tạo điều kiện tốt mà doanh nghiệp làm ăn gian dối thì khách hàng cũng thẳng thắn từ chối sản phẩm. Chị cũng nhìn nhận, Việt Nam còn phải cải tổ nhiều về hệ thống luật pháp và các quy định hướng dẫn doanh nghiệp theo đúng luật, tránh các quy định chồng chéo, cứng nhắc nếu muốn trở thành bạn hàng lớn của Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội hợp tác công nghiệp thực phẩm với Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO