Chuyên gia Việt Nam nhìn nhận về khả năng suy thoái kép

31/08/2010 08:11

Triển vọng nền kinh tế thế giới là một nội dung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ đang diễn ra đầu tuần này (trong hai ngày 30 và 31/8).

Chuyên gia Việt Nam nhìn nhận về khả năng suy thoái kép

Triển vọng nền kinh tế thế giới là một nội dung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ đang diễn ra đầu tuần này (trong hai ngày 30 và 31/8).

Biểu tượng sư tử của Singapore phía trước công trường Marina Bay Sands, một tổ hợp casino và resort sắp hoàn thành. Vượt lên sau suy thoái, tăng trưởng kinh tế Singapore đạt hơn 19% trong quý 2 và có thể đạt 13-15% trong cả năm nay.

Theo báo cáo trên, trong thời gian tới, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn một số khó khăn, thách thức có thể đe doạ đến quá trình phục hồi như nguy cơ giá dầu tăng vọt, biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền lớn và diễn biến bất lợi khó lường trong thị trường tài chính thế giới.

Trên sàn chứng khoán, thời gian gần đây khả năng suy thoái kép của kinh tế thế giới là mối quan ngại được nhiều nhà đầu tư và công ty chứng khoán đưa ra, xem đó là một trong những nguyên nhân giải thích diễn biến đi xuống của thị trường.

Về khả năng và lo ngại trên, VnEconomy xin giới thiệu nhận định của một số chuyên gia để bạn đọc tham khảo.

Khoảng lặng cần thiết để nhìn lại

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

“Cho đến thời điểm này, kinh tế thế giới vẫn đang trong đà phục hồi. Trong xu hướng đó, kinh tế Đông Á có sự phục hồi mạnh mẽ hơn do nó chỉ chịu ảnh hưởng chủ yếu là vấn đề xuất khẩu, không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến cuộc khủng hoảng tài chính.

TS. Võ Trí Thành

Tuy nhiên, thế giới có chung điểm là nguồn lực nhà nước không phải vô tận nên việc nhà nước thay thế tư nhân để đầu tư, tiêu dùng nhằm hạn chế khủng hoảng và duy trì sự phục hồi thì không thể kéo dài mãi được, nên chắc chắn phải có thời gian để rút lui.

Tất nhiên, chiến lược rút lui như thế nào sẽ phụ thuộc vào từng nước và đây cũng là việc khá nhạy cảm và khó khăn.

Bên cạnh đó, cho dù các chỉ số về tăng trưởng, phục hồi càng ngày càng cải thiện song tính bất định, rủi ro của kinh tế thế giới vẫn còn cao. Những vấn đề của hệ thống tài chính vẫn còn, chẳng hạn như nợ công, lạm phát... vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá mức độ rủi ro cao như năm ngoái.

Do vậy, không ít người cho rằng, khả năng về một cuộc suy thoái kép là có thể xảy ra. Nhưng cũng có nhiều chuyên gia khẳng định rằng, với tình hình hiện nay thì khả năng xảy ra suy thoái kép là rất nhỏ.

Bên cạnh đó, bình luận về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới thì quan điểm của châu Âu và Mỹ vẫn đang khác nhau. Trong khi châu Âu cho rằng, cần có một chính sách tài khóa nghiêm minh, khủng hoảng sẽ tiếp tục xói mòn, dẫn đến kinh tế khó có thể phục hồi được. Còn Mỹ lại có quan điểm, lạm phát hiện nay chưa phải vấn đề, nhà nước vẫn phải thực hiện chính sách tài khóa để kích thích kinh tế, tiếp tục duy trì chính sách thâm hụt ngân sách.

Qua quan sát tình hình, có thể thấy quan điển châu Âu có vẻ khả quan hơn, nhưng để kiểm chứng thì cần phải có thời gian. Với thực tế thế giới, tôi cho rằng, khó có khủng hoảng kép nổ ra.

Còn đối với Việt Nam, nền kinh tế của chúng ta rất mở, phụ thuộc nhiều vào bên ngoài nên khi kinh tế thế giới có biến động sẽ ảnh hưởng nhất định đến kinh tế trong nước. Nó tác động trước hết đến thương mại thông qua tăng thị trường, tỷ giá, vốn FDI...

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra hiện nay, kinh tế Việt Nam khó có thể quay lại thời kỳ trước năm 2007, song chúng ta cũng có một số điểm sáng về xuất khẩu, tăng trưởng...

Có cái khó cho Việt Nam là chúng ta đang ở vào một giai đoạn phục hồi càng ngày càng thấy rõ hơn qua các chỉ số vĩ mô, song những rủi ro vẫn đang khá cao, biểu hiện bằng việc lạm phát có thể ở mức 8% - 8,5%.

Bên cạnh đó, cán cân thanh toán lại đang có vấn đề, căng thẳng trên thị trường ngoại hối là có thật. Rủi ro của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên, cảm nhận của những tổ chức bên ngoài vẫn chưa được thay đổi (Fitch hạ định mức tín nhiệm nợ công)… Do đó, trong bối cảnh hiện nay, nghệ thuật điều hành của Chính phủ và cơ quan quản lý là rất quan trọng.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Việt Nam có thể còn gặp khó khăn do những tín hiệu chính sách nhiều khi chưa phải là nhất quán. Chẳng hạn như vấn đề cân đối mục tiêu giữa tăng trưởng và lạm phát, nên nhiều khi chúng ta vẫn phải thiên về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong khi dư địa kỹ thuật vẫn có.

Các chuyên gia vẫn lưu ý rằng, câu chuyện quản lý vĩ mô không phải là câu chuyện ngắn hạn. Nếu quá thiên về thắt chặt thì nhiều khi cũng sẽ khó khăn trong tạo đà tăng trưởng. Phải phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Với những gì đang diễn ra, tôi có thể lưu ý rằng, thời điểm hiện nay có thể là “khoảng lặng” cần thiết để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhìn lại và có những kế hoạch cụ thể để tạo đà và cất cánh cao hơn. Đây chưa phải là thời điểm để hứng khởi...”.

4 bất ổn và rủi ro tiềm ẩn

T

TS. Lê Xuân Nghĩa

S. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

“Nhìn chung, diễn biến kinh tế thế giới tháng 7/2010 cho thấy quá trình phục hồi vẫn đang tiếp diễn, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước. Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010 lên 4,6%, nhưng có thể thấy nền kinh tế thế giới vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn và rủi ro tiềm ẩn.

Thứ nhất, kinh tế thế giới có nguy cơ lâm vào suy thoái kép do dấu hiệu giảm phát đang lan rộng tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và khu vực đồng Euro.

Thứ hai, thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 6/2010 vẫn duy trì ở mức cao 9,5%, ở châu Âu là 10%, trong khi Cục Thống kê Nhật Bản cho biết thất nghiệp ở nước này tiếp tục tăng từ 5,2% trong tháng 5 lên 5,3% tháng 6/2010 - mức cao nhất trong 7 tháng qua.

Thứ ba, thâm hụt và nợ công vẫn đang ở mức báo động tại nhiều quốc gia.

Thứ tư, rủi ro từ phát triển quá nóng của Trung Quốc, bong bóng nhà đất của Trung Quốc đang có nguy cơ “sụp đổ” và sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng quốc gia, gây tác động bất lợi đến phục hồi kinh tế toàn cầu”.

Quan trọng nhất là lạm phát

TS. Quách Mạnh Hào

TS. Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS)

“Gần đây, cụm từ “suy thoái kép” đã trở nên phổ biến được dùng bởi các nhà phân tích cả trong và ngoài nước khi nói về những lo ngại của giới đầu tư về triển vọng kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán.

Để hiểu bản chất, trước hết tôi xin lưu ý rằng “suy thoái kép” hàm ý rằng “suy thoái” có thể sẽ trở lại chỉ sau một thời gian ngắn hồi phục kinh tế. “Suy thoái” là một trạng thái kinh tế mà trong đó thường là GDP và các biến số kinh tế quan trọng khác như việc làm, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ có sự sụt giảm nghiêm trọng trong một thời gian dài.

Để xác định xem liệu “suy thoái kép” có xảy ra, cần thiết phải nhìn nhận nguyên nhân tạo ra những sụt giảm nghiêm trọng nêu trên. Thực sự, có rất nhiều nhân tố được cho là tác nhân, nhưng theo quan điểm của tôi điều dễ nhìn thấy nhất là lạm phát.

Khi lạm phát xảy ra, cá nhân và hãng sản xuất thường sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu và chi phí, tạo ra sự sụt giảm về năng lực sản xuất và việc làm. Một nhân tố quan trọng tạo ra lạm phát là vấn đề tiền rẻ, nghĩa là chính sách tiền tệ lỏng, điều đã xảy ra trong những năm 2004-2007 trước khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế diễn ra trong những năm 2008-2009.

Một đặc điểm hết sức đáng lưu ý là suy thoái xảy ra sau khi lạm phát tăng cao, và trong thời kỳ suy thoái thì lạm phát sẽ được duy trì ở mức rất thập hoặc giảm phát và khi lạm phát tăng trưởng trở lại thì đó là lúc kinh tế tăng trưởng trở lại.

Chẳng hạn tại Mỹ, tại thời điểm tháng 7 năm 2008, chỉ số lạm phát ở mức 5,6% là mức cao nhất trong nhiều năm và lạm phát có xu hướng tăng mạnh từ tháng 9/2007 đến tháng 8/2008. Trong khoảng thời gian đó, kinh tế Mỹ gần như dao đồng và đột ngột giảm mạnh xuống tăng trưởng âm kể từ quý 2/2008 và đến quý 3/2009 mới thực sự thoát khỏi tăng trưởng âm. Điều tương tự cũng được nhìn thấy ở Việt Nam khi kinh tế suy thoái sau khi lạm phát tăng mạnh từ cuối 2007 đến nửa đầu của năm 2008.

Những quan sát trên cho chúng ta một gợi ý rằng nếu lạm phát trải qua một thời kỳ tăng trưởng mạnh và đột ngột giảm tốc, thì nền kinh tế thực tế đang rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại rồi. Chẳng hạn, lạm phát tại Mỹ đã tăng trở lại sau khi gần như tăng trưởng âm trong toàn bộ năm 2009, nhưng bất ngờ giảm tốc trong tháng 6 và 7/2010. Và kết quả là chúng ta nhìn thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đã giảm tốc trở lại trong 2 quý gần nhất. Những triệu chứng, bao gồm lạm phát cao sau đó đột ngột giảm tốc, kết hợp với tăng trưởng kinh tế chậm dần chính là nỗ lo ngại mà nhiều người quan tâm “suy thoái kép”.

Dựa trên những quan điểm riêng về suy thoái nêu trên, và với những dấu hiệu từ các nền kinh tế lớn trên thế giới, tôi cho rằng chúng ta đang đứng trước một rủi ro gần với suy thoái, hơn là nhất định phải gắn nó với một cụm từ “suy thoái kép”. Nói cách khác, tôi muốn tin rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong phần còn lại của năm mà không nhất thiết phải nghĩ rằng nó xấu như thời kỳ suy thoái năm 2008/2009.

Các nhà phân tích thường có một quan niệm sai lầm rằng một khi suy thoái lớn xảy ra thì sự hồi phục cũng phải lớn như vậy, và do vậy họ sẽ nghị rằng chúng ta cần phải tăng trưởng thật nhiều, nếu không thì đó là suy thoái. Sự thật thì thế giới đã có sự hồi phục, nhưng đó là một sự hồi phục nhỏ, và kinh tế thế giới sẽ còn nhiều khó khăn cho tới cuối năm nay.

Những dấu hiệu quan trọng hình thành quan điểm nêu trên của tôi, ngoài vấn đề về kinh tế Mỹ như tôi đã nêu trên, còn là những dấu hiệu xuất phát từ Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và từ động thái của các nhà đầu tư đối với tài sản Nhật.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chậm lại, GDP quý 2/2010 tăng 10.3% so với quý 1 là 11.3% và quý 4/2009 là 10.7%. Chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc tháng 7/2010 tăng 3.3% so với cùng ký năm trước, là mức cao nhất kể từ đầu năm, và cao hơn mục tiêu của chính phủ là 3%, trong khi đó sản lượng công nghiệp và các chỉ tiêu kinh tế khác đang chững lại. Nhật cũng tương tự như vậy, với lạm phát tăng liên tục (thực tế là tốc độ giảm phát giảm) kể từ cuối năm 2009 cho đến tháng 7/2010 và giảm tốc vào tháng 8/2010, cùng với kinh tế tăng trưởng chậm lại trong quý 2/2010. Tại châu Âu, lạm phát tăng 1.7%, là mức cao nhất trong vòng 20 tháng, chủ yếu do việc tăng giá năng lượng. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế châu Âu là 1% trong quý 2/2010 và chưa có dấu hiệu chậm lại.

Có thể nhận thấy rằng, phần lớn các nền kinh tế lớn trên thế giới đã trải qua khoảng một năm tăng trưởng thoát khỏi đáy suy thoái, từ tháng 3/2009 đến tháng 3/2010 với sự tăng trưởng kinh tế tích cực và bắt đầu chậm lại. Mức giá cả chung trên toàn thế giới cũng đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng, chậm hơn khoảng 6 tháng so với hồi phục kinh tế, là hệ quả của sự kích thích kinh tế, và quan trọng là nó tạo ra tiền đề cho một sự sụt giảm kinh tế kế tiếp khi lạm phát được định giá vào chi phí sản xuất. Chúng ta sẽ nhìn thấy điều này nếu sản xuất công nghiệp sụt giảm.

Tóm lại, chúng ta mới chỉ nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của việc sụt giảm kinh tế. Dù vậy, tôi cũng xin đưa ra thêm một vài thông tin để thấy rằng giới đầu tư thực sự đang rất quan tâm tới vấn đề này.

Một dấu hiệu quan trọng trong quan điểm của giới đầu tư là sự chuyển dịch tài sản sang đồng Yên như là một nơi trú ẩn nếu suy thoái kinh tế xảy ra. Cụ thể, ngoài vấn đề về việc thương mại của Nhật thặng dư, đồng Yên đã lên giá và đạt mức dưới 85 Yên/USD, là mức tỷ giá thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

Hoặc như hôm thứ Sáu, Chủ tịch FED đã thừa nhận rằng nền kinh tế đã tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mong đợi và nhấn mạnh rằng FED sẽ thực hiện các chính sách mới nếu điều kiện hiện tại trở nên tồi hơn. Thực tế, tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2 đạt 1.6%, cao hơn mức dự kiến trước đó 2.4%. Kinh tế Mỹ được IMF kỳ vọng tăng trưởng 3.3% trong năm 2010 thay về những dự báo lạc quan trước đó của các cơ quan dự báo trong khoảng 3.2%-3.7%.

Hoặc trong giới học giả, một bài báo đăng tại Thời báo New York ngày 29/8 đưa ra nhận định của nhiều nhà kinh tế học, trong đó nổi bật là những quan điểm cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ mất khoảng một thập kỷ để hồi phục hoàn toàn, với đặc trưng là thất nghiệp sẽ ở mức cao (hiện tại 9,2-9,5%) và lạm phát sẽ ở mức thấp (mục tiêu hiện tại là 1,5-2,0%) và giá bán nhà sẽ không tăng trưởng trong khoảng thời gian đó.

Tôi, với quan điểm cá nhân nhìn nhận lạm phát như là yếu tố quan trọng nhất, cho rằng kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm từ tháng 3/2010 và điều này sẽ kéo dài cho đến hết năm. Với giới đầu tư, tôi cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ chứng kiến sự ảm đạm và sụt giảm thêm cho đến trước khi phục hồi trở lại vào khoảng tháng 12/2010 hoặc tháng 1/2011”.

Sẽ không có tái khủng hoảng

TS. Nguyễn Thanh Bình

TS. Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương

“Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới đang trên đà suy giảm, nhiều nhà đầu tư đã nảy sinh suy nghĩ “liệu thế giới có suy thoái kép hay không?”. Trả lời vấn đề trên cần phải phân tích xu thế, động thái tăng trưởng của ba khu vực chính gồm Mỹ, khu vực EU và các nền kinh tế lớn ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.

Kinh tế Mỹ chính là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, mặc dù đã qua khủng hoảng, nền kinh tế đã dần hồi phục nhưng hai căn bệnh lớn của nền kinh tế này chưa được giải quyết là thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách.

Với thâm hụt thương mại trong 6 tháng đầu 2010 lên đến gần 20%, thâm hụt ngân sách có thể lên tới 1.340 tỷ USD năm 2010 tương đương 9,1% GDP thì đây là vẫn là hai vấn đề lớn của kinh tế Mỹ. Với hai mất cân đối vĩ mô quan trọng, kinh tế Mỹ chưa thể tăng trưởng mạnh. Rất may cho Mỹ, họ là quốc gia có đồng tiền dự trữ của thế giới nếu không nguy cơ khủng hoảng tỷ giá, khủng hoảng nợ công hoàn toàn có thể xuất hiện.

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ vẫn ở mức cao 9,7% trong tháng 7, dự báo tỷ lệ này khoảng 9,3% năm 2010 và 8,8% năm 2011. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao thể hiện sự khó khăn trong việc hấp thụ lao động của Mỹ, đây là tín hiệu cho thấy tăng trưởng của Mỹ khó tăng mạnh.

Tốc độ tăng trưởng của Mỹ chỉ đạt 0,9% trong quý 1 và 0,6% trong quý 2 năm nay và tăng 1,2% trong quý 4 năm trước. Do vậy, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ không cao chỉ khoảng. Tuy nền kinh tế Mỹ đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại nhưng tôi không nghĩ là nền kinh tế này sẽ bị “tái khủng hoảng”, khả năng tăng trưởng chậm, kéo dài có xác suất cao nhất đối với nền kinh tế này.

Với châu Âu, kinh tế khu vực này đã phát đi tín hiệu giảm tốc từ Hy lạp và Bồ Đào Nha. Rất may nền kinh tế lớn nhất của châu Âu, kinh tế Đức đang có sự thể hiện xuất sắc. GDP của Đức tăng 2,2% trong quý 2 vừa qua, đây là mức cao nhất kể từ năm 1990. Các nền kinh tế khác có mức tăng khá khiêm tốn, Pháp đạt mức 0,6%, Tây Ban Nha chỉ đạt 0,2% trong quý 2 trong khi đó Hy lạp tăng trưởng âm 1,5% trong quý 2.

Châu Âu có thể suy thoái không? Khu vực này khó có thể khủng hoảng nặng nề nếu nền kinh tế Đức, Pháp, Anh không gục ngã.

Với kinh tế châu Á, Trung Quốc vẫn là quốc gia tăng trưởng mạnh nhất thế giới với tốc độ 10,3% trong quý 2/2010 so với cùng kỳ, giảm so với tỷ lệ 11,9% trong quý 1. Khả năng nền kinh tế này tăng trưởng trên 9% trong năm 2010 là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm tốc khi chi phí lao động của nền kinh tế này gia tăng.

Trái ngược với Trung Quốc, Nhật Bản đang gặp phải sự trì trệ trong tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới này chỉ đạt 0,1% trong quý 2/2010. Đồng Yên lên giá so với USD càng làm cho nền kinh tế “hướng ngoại” của Nhật thêm khó khăn. Với dân số già, chi phí lao động đắt dù lãi suất thấp cũng không thể kỳ vọng nền kinh tế Nhật có sự tăng trưởng cao.

Trong tháng 4, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,9% lên 4,2 %. Tuy nhiên với những thông tin mới về kinh tế Mỹ và Nhật Bản thì dự báo của IMF có thể hơi lạc quan.

Vậy thế giới có xảy ra suy thoái kép hay không? Theo tôi, không có tái khủng hoảng nhưng khả năng tăng trưởng sẽ khá thấp, hồi phục chậm và sẽ khá hơn trong những năm tiếp theo. Tốc độ tăng trưởng chậm là hoàn toàn dễ hiểu khi nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và cả một số nước trong EU vẫn đang có những mất cân đối vĩ mô “thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyên gia Việt Nam nhìn nhận về khả năng suy thoái kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO