Chính phủ tái khẳng định quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp

Song Anh| 26/12/2019 01:00

Qua hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp tại Hà Nội ngày 23/12/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Vũ Đại Thắng cho rằng, Chính phủ muốn hướng tới sự bền vững, tính gắn kết và lan tỏa.

Chính phủ tái khẳng định quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp

* Trong các báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) thời gian qua có nhiều điểm sáng, ông bình luận thế nào về điều này?

- Sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực DN ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số DN đăng ký thành lập mới tăng cao trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126 nghìn DN thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136 nghìn DN thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn. Đặc biệt, những năm gần đây, xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn như SunGroup, FLC, Vingroup, Trường Hải, Vietjet... tham gia đầu tư các ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế của đất nước. Sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

* Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của khu vực DN còn chưa hiệu quả và bền vững, ông nói gì về điều này?

- Số lượng DN thành lập mới liên tục tăng, nhưng tỷ lệ DN gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số DN thành lập mới hằng năm trong giai đoạn 2017-2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó, năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%. Nước ta vẫn thiếu các DN có quy mô lớn và vừa. Mặc dù có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây, số lượng DN quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực DN phát triển bền vững hơn. Hiện tượng này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các DN. Trong khi đó, năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu; chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Trình độ quản trị DN còn thấp, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, thiếu tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; chưa chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị, thiếu lao động chất lượng cao, có tay nghề. 

* Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ cho DN. Việc này tác động như thế nào?

- Tôi cho rằng, số lượng nghị quyết nhiều hay ít không phải là vấn đề. Môi trường đầu tư kinh doanh rất sống động. Tại thời điểm này, những quy định này là hỗ trợ, nhưng giai đoạn sau lại trở nên nghèo nàn. Việc Chính phủ ban hành các nghị quyết thể hiện quyết tâm cùng đồng hành với DN, đây là điểm quan trọng nhất. Nhiệm vụ của chúng tôi tại thời điểm này là phải tính được vấn đề nào đang vướng mắc để kịp thời giải quyết một cách nhanh chóng nhất.

* Theo quan sát của ông, Chính phủ sẽ làm gì để thay đổi thực trạng DN hiện nay?

- Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, mở ra nhiều cơ hội cho các DN nhưng cũng có không ít rủi ro và thách thức. Tôi cho rằng, DN phải là người chịu trách nhiệm chính về sự phát triển của mình, còn với vai trò kiến tạo, Chính phủ sẽ tạo ra các môi trường tốt nhất để DN phát triển. Năm 2020 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đối thoại là dịp để Thủ tướng và các bộ ngành, địa phương, cộng đồng DN cùng đánh giá những hạn chế, tồn tại và đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển DN mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa. Hội nghị cũng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành cùng cộng đồng DN, doanh nhân của Chính phủ.

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính phủ tái khẳng định quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO