Chật vật tìm mua USD

13/03/2011 09:46

Thị trường ngoại tệ tự do đã được chấn chỉnh nhưng người có nhu cầu về ngoại tệ chính đáng lại lâm vào thế khó vì tất cả ngân hàng (NH) - nơi duy nhất được quyền bán ngoại tệ theo quy định của pháp luật - đều từ chối với lý do không cân đối được nguồn.

Chật vật tìm mua USD

Thị trường ngoại tệ tự do đã được chấn chỉnh nhưng người có nhu cầu về ngoại tệchính đáng lại lâm vào thế khó vì tất cả ngân hàng (NH) - nơi duy nhất được quyền bán ngoại tệ theo quy định của pháp luật - đều từ chối với lý do không cân đối được nguồn.

Nhiều người dân có nhu cầu đi du lịch, du học... khó tìm mua USD - Ảnh: T.ĐẠM

Dù giá USD trên thị trường tự do đang giảm gần sát giá niêm yết nhưng bảy chi nhánh NH mà Tuổi Trẻ ghi nhận trong buổi chiều 11/3 đều có cùng câu trả lời “tỉ giá biến động mạnh nên NH không có USD tiền mặt”.

Đi 7 ngân hàng không mua được USD

Sẽ có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nơi này cũng nhìn thấy những khó khăn chung của người dân có nhu cầu ngoại tệ chính đáng (chữa bệnh, du học, du lịch...). Do vậy sẽ có kiến nghị thống đốc NH Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn ngoại tệ cho các NH để đáp ứng cho người dân, tránh tình trạng chạy đôn chạy đáo cũng không thể mua được USD như những ngày qua.

Cầm passport và vé máy bay trong tay, chị T.Hiền (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hăm hở vào NH Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng (Q.3) hỏi mua USD với lý do đi du lịch nước ngoài kết hợp thăm thân nhân. Ngay tại quầy hướng dẫn, nữ nhân viên NH tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe chị trình bày mục đích.

Theo chỉ dẫn của nữ nhân viên này, chị Hiền đến bộ phận giao dịch khách hàng để hỏi thủ tục. Tuy nhiên chẳng buồn nghe hết câu, cán bộ NH đã từ chối thẳng thừng với lý do “NH không có tiền mặt để bán đâu”.

Chìa ra vé máy bay và passport, chị bất ngờ khi nhân viên NH trả lời: “Có cũng vậy. NH làm gì có tiền mặt mà bán. Người dân có bán đôla cho NH đâu mà bán cho chị”. “Nhưng tôi chỉ mua vài trăm?” - chị Hiền lặp lại câu hỏi. Tỏ ra rất kiên quyết, nữ nhân viên này khẳng định: “Lâu nay chúng tôi không có bán tiền mặt ngoại tệ, chỉ chấp nhận chuyển khoản”.

Bán ngoại tệ cho người dân đi nước ngoài: Cần gỡ nút thắt về giá

Liên quan đến vấn đề NH không bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng khi đi nước ngoài, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, sẽ có lối ra nếu có giải pháp tình thế để xử lý.

Ông Ngân nói:

- Trong các loại ngoại tệ, giá USD do Nhà nước kiểm soát với mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, vì thế thường thấp hơn thị trường chợ đen. Trong khi đó, dù pháp luật có quy định người dân phải bán ngoại tệ cho NH nhưng trên thực tế người dân chỉ bán cho NH khi cảm thấy mức giá do NH đưa ra là hợp lý, thường phải cao hơn thị trường chợ đen.

Do người bán không chấp nhận giá do NH niêm yết nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có USD thì găm giữ (họ không thể rút USD bán ngoài thị trường chợ đen nên phải găm giữ, chờ giá lên bán kiếm lời), còn người dân có USD thì chủ yếu bán tại thị trường chợ đen.

Thực tế có năm kiều hối gửi về nước đến 8 tỉ USD nhưng NH không mua được, đa số người nhận kiều hối chuyển sang gửi tiết kiệm, rút về cất giữ hoặc bán tại thị trường chợ đen với giá cao.

Cả hai tình huống nêu trên đều đẩy NH vào chỗ không có USD để bán. Ngay nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu NH cũng phải chật vật mới đáp ứng được, vì thế đành phải khất nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng của người dân.

Như vậy, để người dân có nhu cầu chính đáng về ngoại tệ mua được từ NH phải giải quyết cho được nút thắt về giá. Chúng ta phải tìm ra mức giá mà người bán và người mua chấp nhận được. Còn theo cơ chế giá niêm yết như hiện nay thì người dân không mua được USD từ NH, vì thế họ cũng khó thông khi bị buộc phải bán ngoại tệ cho NH.

* Trước đây NH Nhà nước đã cho NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) được thí điểm thỏa thuận giá mua ngoại tệ của người dân để bán lại cho người có nhu cầu chính đáng, phải chăng đó là hướng giải quyết?

- Cách thỏa thuận tỉ giá cũng là một hướng để xử lý nút thắt về giá. Cũng nên học kinh nghiệm từ một số nước xung quanh khi NH bán ngoại tệ cho người có nhu cầu với giá cao hơn so với mức giá mà NH đang giao dịch. Lý do là NH không “in” ra USD mà phải nhập từ nước ngoài tốn phí, vì thế người mua phải chịu giá cao.

Vận dụng kinh nghiệm này, NH Nhà nước có thể cho phép các NH mua USD của người nhận kiều hối cao hơn giá niêm yết. Ví dụ nếu được phép mua cao hơn 2% so với giá niêm yết, NH có thể trả thêm cho người nhận kiều hối bán luôn cho NH thêm 400 đồng/USD, như thế sẽ thu hẹp khoảng cách đáng kể với giá tại thị trường tự do.

Nếu chúng ta có chính sách đúng, chỉ cần hút được một vài tỉ USD từ kiều hối cũng sẽ giúp NH đáp ứng được nhu cầu mua ngoại tệ của người dân.

Theo tôi, một khi nút thắt về giá được tháo gỡ, giữa việc bán USD cho tiệm vàng vừa không hợp pháp lại chịu nhiều rủi ro, người dân sẽ bán USD cho NH, từ đó vấn đề NH bán USD cho người có nhu cầu hợp pháp cũng được giải quyết.

* Nhiều NH cho biết họ không bán USD cho người có nhu cầu chính đáng do người đi nước ngoài luôn muốn mua USD, trong khi nơi họ sử dụng tiền không phải là Mỹ. Phải xử lý vấn đề này ra sao?

- Xung quanh việc bán ngoại tệ cho người có nhu cầu hợp pháp có hai vấn đề lớn.

Thứ nhất, người mua luôn muốn mua USD, dù nơi họ đến là châu Âu có thể dùng EUR, Úc có thể dùng đôla Úc, thậm chí đi các nước Đông Nam Á thay vì mua đồng baht, đôla Singapore, đôla Hong Kong... thì họ vẫn đòi mua USD.

Thứ hai, người mua luôn đòi mua đến 7.000 USD, mức mà Nhà nước cho phép khi đi nước ngoài được mang theo mà không phải khai báo, số này là quá lớn nên NH thường lấy cớ đó mà từ chối.

Đúng ra NH nên tư vấn, giải thích cho người dân hiểu rằng nếu không đi Mỹ hoặc những nước chỉ dùng USD thì có thể mua các ngoại tệ khác phù hợp với đơn vị tiền tệ của nước mà mình sẽ đến.

Không bỏ cuộc, chị Hiền qua NH Techcombank ở phía đối diện. Lần này chị được nhân viên cho số điện thoại để trao đổi với người phụ trách vì người này đang đi vắng.

Qua điện thoại, nhân viên cho biết theo quy định mới NH không bán USD tiền mặt vì tỉ giá biến động mạnh. Hiện NH chỉ đáp ứng USD cho nhu cầu thanh toán.

Tìm đến NH cổ phần Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) nằm trên đường Lê Thị Hồng Gấm (Q.1), chị Hiền đặt câu hỏi với một nhân viên nữ thì được nhân viên này hỏi ngược lại: “Mua đô để làm gì?”. “Tôi đi du lịch kết hợp thăm thân nhân”. “Vậy NH không có tiền để bán cho chị đâu”.

Tuy nhiên sau khi nghe chị trình bày có thân nhân ở nước ngoài, nhân viên này gợi ý chị yêu cầu người nhà gửi về thẻ xanh hoặc giấy tờ có liên quan là đang sinh sống ở nước ngoài.

Có đủ các giấy tờ đó NH sẽ bán USD theo diện trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài theo hình thức chuyển khoản đến tài khoản người nhận, tối đa 7.000 USD.

“Nhưng ngày 13/3 tôi phải đi rồi, làm sao gửi giấy tờ về kịp” - chị Hiền khẩn khoản đề nghị. Nữ nhân viên này tỏ vẻ ái ngại trước sự thống thiết của chị, vả lại nhu cầu mua không lớn, chỉ 700 USD nên nhân viên này ra hiệu cho chị chờ, rồi đi đến bàn bên trong hỏi nhỏ một nữ đồng nghiệp khác.

Quay trở lại bàn, cô lấy bút viết vài dòng ngắn gọn lên tờ giấy nhỏ và tiến về cuối góc phòng, nơi có một nữ nhân viên khác đang bận nghe điện thoại. Chị Hiền lại hồi hộp ngồi chờ nhưng hi vọng trở thành thất vọng khi nghe nhân viên thông báo “rất tiếc là NH không có tiền mặt để bán cho chị. Mà đâu phải bây giờ mới không có, hơn một năm nay chúng tôi đã không bán rồi”.

Mua USD ở đâu?

Cũng với mục đích mua USD để đi du lịch, nhân viên phòng kinh doanh ngoại hối NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn trên đường Phó Đức Chính (Q.1) cũng trả lời đã ngưng vài tháng nay do giá USD biến động.

Trường hợp muốn mua USD theo dạng trợ cấp cho thân nhân nước ngoài dưới dạng chuyển khoản buộc phải có các giấy tờ chứng minh tình trạng bệnh hoặc thất nghiệp, mất sức không có khả năng lao động. Dù đi thêm nhiều NH khác nhưng chị Hiền vẫn không mua được ngoại tệ.

Ghi nhận nhiều trường hợp cũng đến mua USD tại NH trong những ngày gần đây cho thấy khi thị trường chợ đen đóng cửa thì người có nhu cầu USD chính đáng cũng “bơ vơ” vì NH từ chối bán.

Nhiều trường hợp cần chuyển khoản học phí cho con NH cũng từ chối, yêu cầu nếu có USD tiền mặt NH sẽ chuyển.

Theo phó tổng giám đốc một NH có thế mạnh về USD, việc đáp ứng ngoại tệ tiền mặt mang đi nước ngoài cho khách hàng cá nhân hiện nay không phải là ưu tiên hàng đầu của các NH vì phải ưu tiên USD cho các nhu cầu thiết yếu khác.

Hơn nữa, nhiều tháng qua hầu như NH không mua được USD của cá nhân từ bất kỳ nguồn nào như kiều hối, tiết kiệm... nên không thể đáp ứng nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng.

Vẫn theo vị phó tổng giám đốc này, cách tốt nhất là sử dụng thẻ thanh toán quốc tế khi có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài thay vì mang USD tiền mặt.

Tuy nhiên, nhiều người có kinh nghiệm đi nước ngoài cho biết một số NH gần đây đã điều chỉnh phí thanh toán ngoại tệ lên cao hơn mức chênh lệch giữa tỉ giá chính thức và tự do nhằm hạn chế khách hàng dùng thẻ ghi nợ quốc tế sang nước ngoài rút tiền mặt.

Trong khi đó, giám đốc chi nhánh một NH lớn có thế mạnh trong thanh toán nước ngoài lại lấp lửng về việc bán USD cho khách. “Tùy theo từng thời điểm NH sẽ có sự điều tiết. Tuy nhiên thời điểm này nguồn ngoại tệ của NH cũng hơi eo hẹp” - vị giám đốc này nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chật vật tìm mua USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO