Cha mẹ sinh con, trời sinh tính?

NHÃ TÂM (Q4)| 17/12/2008 04:27

Xưa nay, những trục trặc, bất đồng giữa cha mẹ và con cái phần nhiều do cha mẹ không quan tâm đúng mức hoặc quá độc đoán, không cảm thông chia sẻ với con. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cha mẹ rất “tâm lý”, rất “dân chủ” mà cũng không tìm ra được con đường để đối thoại với con…

Xưa nay, những trục trặc, bất đồng giữa cha mẹ và con cái phần nhiều do cha mẹ không quan tâm đúng mức hoặc quá độc đoán, không cảm thông chia sẻ với con. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cha mẹ rất “tâm lý”, rất “dân chủ” mà cũng không tìm ra được con đường để đối thoại với con…

“Quân phiệt” hữu hiệu...

Mấy chục năm trước, bố mẹ tôi - hai người thợ may nghèo, nuôi 5 mặt con. Đứa nọ cách đứa kia đều đều hai năm một. Quanh năm còng lưng bên chiếc máy may, bố mẹ tôi thậm chí còn chẳng có thời gian đi họp phụ huynh cho một đứa con nào, nói gì tới chuyện kèm cặp con cái học hành hay là chuyện trò tâm sự.

Bù lại, bố tôi có một cách dạy con cực kỳ “quân phiệt”, 5 đứa con như một, cứ răm rắp học hành, răm rắp lớn khôn. Cho dù tuổi thơ phải chịu bao nhiêu áp lực, bao nhiêu sợ hãi trước uy lực của người cha, nhưng cả 5 anh chị em chúng tôi đã nên người, cả về sự nghiệp lẫn nhân cách.

Đâu đó trong thẳm sâu hồi ức vẫn còn ám ảnh những tổn thương, nhưng chúng tôi luôn mang ơn người cha nghiêm khắc tới mức nghiệt ngã đã buộc chúng tôi phải học hành để đổi thay số phận, đã dạy chúng tôi thành những người biết tự lập, sống có trách nhiệm, biết nhường nhịn, sẻ chia.

Bởi vậy, bây giờ, đến lượt chúng tôi nuôi dạy con và đối mặt với bao nhiêu âu lo phiền muộn, nhiều lúc tôi cứ tự hỏi phải chăng cái cách của ông là đúng, ít ra thì hữu hiệu hơn cái cách “dân chủ” mà các anh chị tôi đang áp dụng với con mình.

Với bố tôi, không có khái niệm “đối thoại”. Ông “độc thoại” và chúng tôi không có lựa chọn, chỉ có một “cửa” duy nhất là “tuân chỉ”. Trong cái “bộ quy chuẩn” của ông, thứ tự trên dưới rất rõ ràng, không có cái chuyện con cái được cãi lời bố mẹ, em út dám cãi lại anh chị...

“Dân chủ” vô hiệu...

Nay, chị em tôi, 5 người, mấy anh chị lớn mỗi người đã có hai mặt con. Ai cũng nghĩ khi làm cha làm mẹ sẽ áp dụng những gì hay nhất của bố trước đây nhưng có “cách tân”, “khắc phục hạn chế” cho “phù hợp với thời đại”. Ai cũng hy vọng là biết rút kinh nghiệm từ chính bố mẹ mình thì sẽ đạt được cách dạy con hoàn hảo nhất. Thế nhưng chưa có ai thành công trong vấn đề này, đụng đến chuyện con cái ai cũng nặng anh ách “một bồ tâm sự”.

Chị cả có một trai và một gái. Chị cũng chịu ảnh hưởng nhiều tính “độc tài” của cha tôi nên rất nghiêm khắc với con cái. Hai đứa con chị ngoan, học giỏi, ứng xử với mọi người khỏi chê vào đâu được. Hai đứa con là tài sản, cũng là niềm tự hào lớn nhất của anh chị. Nhất là thằng con trai đầu, ai tiếp xúc cũng bảo sau này cô nào lấy được nó thì có phước to.

Đang là sinh viên năm thứ 4, đùng cái nó bỏ học. Anh chị tôi lúc đầu làm ầm lên, quát tháo la mắng đủ kiểu, nó cứ ngoan ngoãn “chịu trận” nhưng không hề nói lại một câu gì khác ngoài câu nó không thích học nữa, nó sẽ kiếm việc đi làm. Sau cơn sốc và những cú va chạm nảy lửa, anh chị tôi chuyển sang chiến lược “mềm”, tỉ tê phân tích, khuyên nhủ, rồi năn nỉ.

Cũng không kết quả. Nó đi làm cho một công ty, được một thời gian lại bỏ. Bây giờ, nó đang “vay” tiền bố mẹ để đi học một khóa đào tạo nghề của ngành dầu khí. Anh chị tôi, trước giờ được xem là hình mẫu trong việc nuôi dạy con cái, nay thất vọng tràn trề và bất lực vì không thể hiểu nổi con.

Chị thứ có hai con trai. Đứa đầu đang học năm thứ ba đại học. Nó cũng khá ngoan nhưng tính khí bất thường tùy hứng. Có lúc nó dễ thương, cởi mở, hòa nhã vô cùng, nhưng có lúc nó lại lầm lì, cộc cằn và khó chịu hết sức. Chị tôi khổ nhất vì cái nỗi nó còn quá dại khờ mà luôn tự cho rằng mình đã khôn ngoan, không cần đến ai dạy bảo.

Mỗi lần căn dặn nó điều gì là nó gạt phắt đi: “Mẹ hay thật, con biết rồi, cứ nói nhiều!”. Vậy nhưng cậu ta luôn phạm lỗi này đến lỗi khác, và mẹ nó luôn là người phải “chữa cháy”. Có đôi lúc mẹ con đụng độ, nó bỏ nhà đi biệt mấy ngày trời. Có lần nó còn đòi nhảy lầu tự tử. Sau mấy lần nó phản ứng cực đoan như vậy, chị tôi hầu như không dám “gây chiến” với nó nữa.

Mỗi khi có chuyện gì, chị cũng cố gắng nhẹ nhàng phân tích với nó, nhưng chỉ dăm ba câu là nó nổi khùng và bỏ ra khỏi nhà. Chị gái tôi chỉ còn biết thở than và tự an ủi rằng, thôi thì còn may là nó không dính vào ba cái vụ chơi bời nghiện ngập, cũng không có triệu chứng bỏ học như thằng anh con bác. Thôi thì mình ráng “đeo” theo nó, chứ quyết liệt quá không chừng lại mất con...

Là người trong nhà, chứng kiến mọi chuyện, nhiều lúc tôi cũng bức xúc với bọn trẻ. Vẫn biết thời nay không thể áp đặt với con cái, không thể “phát xít” như bố tôi ngày xưa, thế nhưng ở trường hợp các chị tôi thì thấy dù bố mẹ có “tâm lý”, có sẵn sàng “đối thoại dân chủ” với con cái cũng không phải dễ.

Một số trẻ dường như không muốn để bố mẹ “xâm nhập” vào thế giới riêng của chúng. Cho dù bố mẹ thực sự yêu thương và chăm lo, quan tâm đến tâm tư tình cảm của chúng nhưng chúng vẫn “đóng cửa” trước bố mẹ. Khi gặp vấn đề với con cái, bố mẹ cứng rắn cũng không được, mà mềm mỏng cũng không xong. Hai đứa cháu tôi, không phải là hư hỏng nhưng rõ ràng có những vấn đề trong sự phát triển tính cách nhưng bố mẹ chúng không tìm được đường đến để đối thoại mà đành bó tay “chạy theo” con.

Các chị tôi vẫn thở than, sao ngày xưa khổ cực thế mà các cụ nuôi cả chục đứa con còn được, bây giờ mình có vài đứa thôi, điều kiện mọi thứ đầy đủ hơn trước nhiều, mình cũng quan tâm đến chúng nó hết cỡ, cố gắng hết cách, mà sao dạy con được như ý thật là khó quá! Thật tình lắm lúc chỉ biết “ngửa mặt lên trời mà than” rằng: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cha mẹ sinh con, trời sinh tính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO