Căng thẳng chuyện cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

12/06/2010 08:25

Với hơn 36 lượt đăng ký chất vấn và 25 lượt chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát sáng 11/6, vấn đề nóng và nổi bật nhất tại phiên chất vấn là việc cho thuê đất trồng rừng.

Căng thẳng chuyện cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

Với hơn 36 lượt đăng ký chất vấn và 25 lượt chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát sáng 11/6, vấn đề nóng và nổi bật nhất tại phiên chất vấn là việc cho thuê đất trồng rừng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát - Ảnh: Việt Dũng


Cho thuê đất trồng rừng dài hạn: lợi bất cập hại

Rẻ như cho không

Cũng với chủ đề cho thuê đất trồng rừng, một đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát: theo thông tin từ báo chí hiện nay việc cho thuê rừng với giá quá rẻ, rẻ như cho không, thậm chí cho thuê cả rừng nguyên sinh, Bộ có biện pháp gì để xử lý việc này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc này chúng tôi sẽ tiếp thu và kiểm tra lại. Chúng tôi đã giao cho chính quyền các cấp và các đơn vị cũng thực hiện theo quy định của luật pháp, tuy nhiên nếu có thông tin như trên chúng tôi sẽ tiếp thu và tiến hành kiểm tra lại.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đặt câu hỏi: Thời gian qua dư luận bức xúc về việc cho thuê đất trồng trừng với hơn 300.000 ha rừng. Hiện nay được biết Bộ đang tiến hành rà soát vấn đề nay, khi nào sẽ rà soát xong? Rà soát xong có tiếp tục cho thuê đất trồng rừng nữa không?

Đại biểu Lê Như Tiến: Việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng dài hạn là lợi bất cập hại, không có tầm nhìn xa. Bộ cho biết việc này có phù hợp với lợi ích quốc gia, đúng luật hay không hay chỉ đúng luật đầu tư? Bộ có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ để ngăn chặn tình trạng trên?

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cuối năm 2009 có 10 địa phương chủ trương cấp phép 305.353 ha đất trồng rừng cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng trên thực tế, việc cho thuê đất trồng rừng thời hạn 50 năm chỉ thực hiện 15.664 ha. Do đó, thông tin cho rằng Chính phủ cấp phép cho thuê đất rừng với diện tích 305.353 ha là thiếu chính xác.

Việc cho thuê đất rừng thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh. Qua kiểm tra 2 địa phương cho thấy việc cấp phép giao đất thực hiện theo đúng pháp luật hiện hành, trong đó có xem xét đến yếu tố kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng. Tại Lạng Sơn, lãnh đạo đã xem xét kỹ lưỡng trước khi cho thuê.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết: Rà soát xong có tiếp tục cho thuê đất trồng rừng nữa không? - Ảnh: Việt Dũng

Ông Cao Đức Phát nói thêm: "Chúng tôi cho rằng cách đây 5 – 10 năm, chúng ta còn khó khăn nên có chủ trương hoan nghênh khuyến khích đầu tư nước ngoài trồng rừng và coi đây là lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, nay tình hình đã khác, người dân, doanh nghiệp có nguyện vọng trồng rừng sẽ được cân nhắc".

Những trường hợp mà các địa phương đã cam kết với nhà đầu tư cần xem xét lợi ích tổng hợp về kinh tế - văn hóa – môi trường – an ninh quốc phòng… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường kiểm tra xem xét để doanh nghiệp, người dân có đất trồng rừng.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: Đề nghị Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm với Bộ trưởng Cao Đức Phát

Đại biểu Lê Như Tiến yêu cầu Bộ trưởng làm rõ thêm phần tổng diện tích đất được quy hoạch là 305.353 ha là đã cấp giấy phép đầu tư rồi hay chưa cấp. Trong đó có thông tin một công ty Đài Loan đã được cấp diện tích đất lớn nhất là 264.848 ha. Bộ trưởng nói là chưa cấp nhưng qua các số liệu trên cho thấy đã cấp phép rồi chứ không phải là chưa cấp?

Bộ trưởng trả lời: theo phân cấp quản lý, các địa phương cấp giấy phép đầu tư nhưng không có nghĩa là trên 300.000 ha đất đã được giao cho nước ngoài mà trên cơ sở nhà đầu tư phối hợp với chính quyền làm rõ từng lô đất cụ thể và chỉ giao khi đáp ứng đủ điều kiện. Trên thực tế, các địa phương đúng là thiếu sót khi cấp phép chỉ dựa vào thông tin sơ bộ. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện nhà đầu tư được giao nhiều thì sẽ loại ra.

Về vấn đề này, đại biểu Lê Quang Bình (Bắc Ninh) cho biết qua giám sát của Ủy ban Quốc phòng, có 19 dự án tại 18 tỉnh cho thuê rừng với tổng diện tích hơn 398.374 ha (khác xa số do Bộ NN&PTNT báo cáo). Các tỉnh đã giao 333.824 ha cho thuê thời gian 50 năm. Hầu hết đất cho thuê có khu vực rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.

Đại biểu Lê Quang Bình - Ảnh: Việt Dũng

Ông Bình đề nghị các địa phương không cấp, không ký các dự án cho nước ngoài thuê đất trong phạm vi nêu trên, số đất còn lại phải giao cho hộ dân, doanh nghiệp trong nước trồng rừng. Đề nghị chính phủ xử lý số đất đã giao. Các tỉnh đã ký giấy phép, Chính phủ phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, phải có sự đồng ý của chính phủ mới được giao.

Tham gia ý kiến về việc cấp phép dự án giao đất trồng rừng cho nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trường Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết qua việc phân cấp, các địa phương đã thực hiện thu hút đầu tư nhiều nhưng cũng nảy sinh một số vấn đề như: sân gôn, trồng rừng, khai thác khoáng sản…

Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư rà soát lại cái được và chưa được để từ đó điều chỉnh lại cho việc phân cấp tốt hơn.

Bộ trưởng Phúc cho biết hiện đã cấp hơn 380.000 ha rừng cho nước ngoài, trong đó một công ty của Đài Loan được cấp diện tích rừng lớn nhất, gần 200.000 ha. Bộ trưởng Phúc cho hay Bộ này đang xem xét để xử lý đúng pháp luật của Việt Nam. Hướng xử lý là ngừng tất cả dự án về lâm nghiệp. Dự án nào hợp lý thì tiếp tục cho triển khai, dự án nào chiếm diện tích quá lớn thì xem xét rút giấy phép. Về vấn đề này, chúng ta làm được, như các dự án sân gôn cũng đã rút giấy phép của 70 sân gôn.

Đại biếu Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục chất vấn: Tôi rất băn khoăn vì theo báo cáo gửi chính phủ thì nhiều tỉnh đã cấp phép đầu tư trên khả năng thực tế, trong đó có cả việc cho thuê rừng đã có chủ và rừng tự nhiên. Sắp tới những khu vực rừng chưa cấp phép đầu tư thì có tiến hành cấp phép tiếp không?

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) tiếp tục chất vấn: Sau khi đoàn công tác kiểm tra rà soát, Bộ trưởng có ý kiến gì về trách nhiệm của địa phương trong việc cho thuế đất trồng rừng, trong đó có nhiều nơi đất đã có chủ, đất vùng biên giới. Tôi xin nhấn mạnh là đất vùng biên giới. Nếu địa phương làm sai sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ khi chấp thuận các dự án đầu tư nước ngoài ở địa phương, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc theo pháp luật. Tuy nhiên theo khảo sát một số nơi cấp giấy chúng nhận đầu tư đối với đất rừng đã có chủ, đã có nơi đã xảy ra sơ suất trong việc giao đất bao gồm giao đất đã có chủ. Tôi đề nghị các tỉnh kiểm điểm lại sở ban ngành nào trong quá trình tham mưu để xảy ra sơ suất này.

Không khí trở nên căng thắng khi đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ông Xuân nói sau khi nghe những đại biểu trước chất vấn và Bộ trưởng trả lời về vấn đề cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, "tôi nhận thấy Bộ trưởng không nắm được vấn đề".

Ông Xuân nói vừa qua, có nơi xảy ra tình trạng có dự án cho thuê đất trồng rừng lên đến 400.000 ha, nếu dư luận không nắm được vấn đề và báo cáo để tiến hành đình chỉ hoạt động kịp thời thì không biết là sự việc sẽ diễn tiến đến đâu. Trách nhiệm trong vai trò quản lý với tư cách là tổng tư lệnh của Bộ trưởng ở đâu?

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm với Bộ trưởng Cao Đức Phát - Ảnh: Việt Dũng

"Gần đầy có tình trạng rừng nghèo được chặt đi để làm rừng cao su, một số khu vực rừng phòng hộ cũng nằm trong số này, căn cứ trên những điều Bộ trưởng phát biểu trong nhiều năm nay, tôi nhận thấy Bộ trưởng không hoàn thành trách nhiệm trong vấn đề này, đề nghị Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm dành cho Bộ trưởng", ông Xuân nói.

Nhiều chính sách đảm bảo nông dân lãi hơn 30%/năm

Sẽ triển khai sâu việc quản lý thuộc bảo vệ thực vật

Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) đặt câu hỏi: theo thông tin từ báo chí hiện nay có một số hóa chất, thuốc cực độc được dùng trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nguyên nhân là do nhiều yếu tố khác nhau. Vậy Bộ quản lý việc này ra sao và xử lý như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói Bộ đã ban hành những danh mục thuốc, sản phẩm được sử dụng rộng rãi, những danh mục sản phẩm cấm rất cụ thể. Tuy nhiên thực tế có tình trạng buôn lậu, đưa những sản phẩm cấm vào sử dụng, cũng có trường hợp bà con nông dân tự ý sử dụng thuốc không đúng cách, không đúng liều lượng gây hậu quả nghiêm trọng. "Chúng tôi sẽ phối hợp chắt chẽ với địa phương để triển khai sâu hơn về vấn đề này", Bộ trưởng Phát nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về việc Bộ có biện pháp gì để đảm bảo cho người trồng lúa lãi hơn 30%/ năm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết cách đây 10 ngày, Thủ tướng chính phủ ban hành chính sách đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Theo đó, chính sách này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào khu vực nông thôn.

Thông qua các chính sách ưu đãi thuế, đất đai, đào tạo nhân lực, hạ tầng nông thôn… trong đó, các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án ở vùng sâu, vùng xa, vào các lĩnh vực quan trọng của nông nghiệp - nông thôn sẽ được hưởng chính sách cao nhất.

Về việc đảm bảo cho nông dân có lãi trên 30%/năm, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về cơ bản đã đạt được mức lãi này. Cuối vụ hè thu năm nay, nước ta sẽ thu hoạch 10 triệu tấn lúa, trong đó đảm bảo tiêu thụ 5,5 triệu tấn cho xuất khẩu với gí hơn 4.000 đồng/kg thì nông dân ĐBSCL sẽ có lãi hơn 30% và nông dân miền trung, miền Bắc có thể đạt mức lãi 30%.

Tuy nhiên, khi đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) nêu một thực tế trong quá trình tiếp xúc cử tri, cho thấy nông dân không đạt được mức lãi 30%/năm thì Bộ trưởng lúng túng, cho rằng phối hợp với Hiệp hội lương thực Việt Nam thu mua 5,5 triệu tấn lúa hè thu với mức giá 4.000 đồng đến 4.300 đồng/kg, thì ngay tại mức giá này bà con nông dân đúng là chưa đạt mức lãi 30%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Căng thẳng chuyện cho nước ngoài thuê đất trồng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO