Cần đảo ngược những gì đã làm sai !

HẢI VÂN thực hiện| 12/06/2012 05:25

Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh khẳng định, chính sách tài khóa phải tuân thủ ba nguyên tắc: Triển khai chính sách nghịch chu kỳ, sự minh bạch và có đủ tầm nhìn trung và dài hạn.

Cần đảo ngược những gì đã làm sai !

Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh khẳng định, chính sách tài khóa phải tuân thủ ba nguyên tắc: Triển khai chính sách nghịch chu kỳ, sự minh bạch và có đủ tầm nhìn trung và dài hạn.

* Xăng giảm, lãi suất cho vay tiếp tục giảm, nhưng vấn đề của nền kinh tế hiện nay là gì, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh

- Có ba vấn đề. Thứ nhất, hiệu quả nền kinh tế kém. Tiền được bơm ra, thuế được cắt giảm, nhưng “sức khỏe” nền kinh tế sẽ khó gượng dậy ngay bởi ốm yếu từ trước. Thứ hai, đầu ra của sản phẩm. Hiện một số doanh nghiệp (DN) vẫn còn năng lực sản xuất, nhưng không có đầu ra, nên cũng không có nhu cầu về đầu vào. Điều này ảnh hưởng đến các nhà cung ứng, tạo hiệu ứng đình trệ dây chuyền trong cả nền kinh tế. Thứ ba, bất ổn về chính sách, bất ổn kinh tế vĩ mô đang tạo ra chi phí rất lớn.

* Tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa trần lãi suất huy động xuống mức 9% và hạ 1% lãi suất điều hành khác, nhưng nhiều DN không hào hứng dù đang thiếu vốn sản xuất, là một ví dụ?

- Đơn giản, nó không thể đúng được khi áp đặt hành chính: Chặn đầu vào, chặn đầu ra, xóa bỏ toàn bộ cơ chế của thị trường. Trường hợp, một DN có nhiều rủi ro đi vay, ngân hàng (NH) có thể cho vay với lãi suất cao nhưng với DN an toàn, phải được vay với lãi suất thấp hơn. Khi chặn trần lãi suất cho vay 15%, NH đã xóa bỏ cơ chế định giá rủi ro. Những DN cần vốn không vay được vốn, còn những DN không cần vốn vẫn có thể vay được, đó là nghịch lý về cho vay và đi vay.
Đồng thời với những áp đặt đó, Bộ Tài chính tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất từ 10 đến 12%/năm. Một đầu ra vô cùng an toàn cho dòng vốn ứ đọng của NH được Chính phủ tạo ra trong bối cảnh lạm phát có xu hướng giảm, NH ứ đọng thanh khoản không tìm được đầu ra mà không muốn cho DN vay vì lo ngại rủi ro.

* Theo ông, những giải pháp nào sẽ giải quyết được tình trạng này?

- Từ trước đến nay, chúng ta thực hiện chính sách tài khóa thuận chu kỳ: Khi kinh tế tăng trưởng, chính sách tài khóa tăng lên và thắt chặt lại khi tăng trưởng kinh tế giảm. Nhưng chính sự giảm chu kỳ ấy đã làm trầm trọng thêm sự suy giảm của nền kinh tế. Bây giờ chúng ta cần đảo ngược những gì đã làm sai bằng cách thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Khi nền kinh tế suy giảm, chính sách tài khóa phải mở rộng. Nhưng trên hết, phải có kỷ luật tài khóa chặt chẽ, minh bạch.

Ngoài ra, chúng ta phải có các biện pháp mang tính cấp cứu. Trong đó, chắc chắn lãi suất phải giảm nhanh hơn nữa. Lạm phát có xu hướng giảm, hiện dưới 10%, không có cơ sở để duy trì lãi suất cao như hiện nay, bởi người gửi tiền 10 - 12% đã có lãi suất thực dương rồi. NH phải giảm tiếp lãi suất, tạo cơ sở cho tiền vốn, vốn cho vay rẻ hơn và thời điểm này, có thể bỏ luôn lãi suất trần/sàn.

Thực tế, người dân và DN vẫn còn tiền, nếu nhìn vào tài sản và những gì tích lũy được. Nhưng việc thiếu mạch lạc trong chính sách từ 2007 đến nay đã khiến họ cố thủ. Chuyện phục hồi lòng tin không thể chỉ trong một sớm một chiều, nhưng nếu có sự ổn định, minh bạch trong chính sách của Chính phủ, niềm tin sẽ dần trở lại. Đó là những giải pháp trong ngắn hạn, còn trung và dài hạn, hiển nhiên là phải tái cơ cấu.

* Ở đây có khác biệt nào không, khi quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã và đang được triển khai ?

- Tái cơ cấu không làm cho người gửi tiền mất tiền mới đúng, thì thay vào đó, chúng ta lại đang tái cơ cấu theo kiểu không để NH nào đổ vỡ. Ba NH đầu tiên sáp nhập không những không bị mất vốn, chủ sở hữu vẫn tại vị, mà còn được NHNN bơm thêm vốn, được BIDV hỗ trợ thanh khoản. Cách tái cơ cấu hiện nay đang tạo ra sự “khuyến khích ngược” trong toàn bộ hệ thống NH. Các NH này đã được “thưởng” vì làm sai. Cũng vì cải cách sai nên NHNN không tự tin về việc xóa bỏ lãi suất trần/sàn. Như vậy là đã dùng một sai lầm để giải quyết một sai lầm khác, mà hai cái sai lầm thì không thể tạo thành một cái đúng.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần đảo ngược những gì đã làm sai !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO