Cần 930 nghìn tỷ đồng, ngành điện dựa vào tăng giá?

05/08/2011 06:18

Trong quy hoạch phát triển ngành điện từ nay đến năm 2020 cần tới khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 48,8 tỷ USD, mỗi năm cần gần 5 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là ngành điện sẽ lấy nguồn vốn khổng lồ này từ đâu?

Cần 930 nghìn tỷ đồng, ngành điện dựa vào tăng giá?

Trong quy hoạch phát triển ngành điện từ nay đến năm 2020 cần tới khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 48,8 tỷ USD, mỗi năm cần gần 5 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là ngành điện sẽ lấy nguồn vốn khổng lồ này từ đâu?

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khó khăn nhất với ngành điện lúc này là mức giá điện bán ra thấp đã không đủ để ngành điện hoạt động có lãi.

Tại buổi họp báo công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện 7), do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, có nhiều giải pháp để huy động nguồn vốn, nhưng, một trong những giải pháp quan trọng nhất là… dựa trên cơ sở điều chỉnh giá điện.

Trong đó, theo ông Vượng, những nhà đầu tư chính cho các dự án điện với số vốn hàng tỷ USD để đáp ứng cho nhu cầu nguồn điện từ nay đến năm 2020, vẫn chủ yếu do ba tập đoàn lớn Nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than và Khoáng sản giữ vai trò đảm trách.

EVN lỗ nặng vì giá điện thấp?

Theo Quy hoạch điện 7, đến năm 2015, Việt Nam có sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu khoảng 194 - 210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330 - 362 tỷ kWh và năm 2030 là khoảng 695 - 834 tỷ kWh.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong Quy hoạch điện 7 lần này, các mục tiêu cả về cơ cấu nguồn điện, mức giá bán, nguồn vốn đầu tư… đều được xây dựng một cách cụ thể cho từng lộ trình. Theo đó, trong quy hoạch phát triển ngành điện đến năm 2020 là sẽ ưu tiên nâng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030.

Nguồn điện từ thủy điện cũng được giảm dần tỷ trọng và thay vào đó là tăng dần nguồn nhiệt điện than. Trong đó, trong tổng cơ cấu nguồn điện thì thủy điện chiếm 23,1%; nhiệt điện than 48,0%; nhiệt điện khí 16,5%. Ngoài ra, đến năm 2020, dự kiến tổ máy điện hạt nhân đầu tiên cũng sẽ đi vào hoạt động…

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khó khăn nhất với ngành điện lúc này là mức giá điện bán ra thấp đã không đủ để ngành điện hoạt động có lãi và doanh nghiệp, ở đây cụ thể là EVN, đã liên tục “chìm” trong lỗ.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, đơn cử trong năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lỗ 8.500 tỷ đồng. Từ đầu tháng 3, mặc dù giá điện đã được điều chỉnh tăng lên 15,28% đạt mức bình quân là 1.242 đồng mỗi kWh, tuy nhiên vẫn cũng chưa đủ để các doanh nghiệp trong ngành điện kinh doanh có lãi.

Ông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, EVN đã lỗ 3.500 tỷ đồng. Và hiện tập đoàn này còn đang nợ Tập đoàn Than và Khoáng sản (Vinacomin) và Tập đoàn Dầu khí (PVN) gần 10.000 tỷ đồng.

Cũng chính vì, một trong những khó khăn chủ yếu về vốn nên trong Quy hoạch điện 6, ngành điện mới chỉ thực hiện được 60% các dự án lưới điện và 70% các dự án nguồn điện, do đó các dự án chậm tiến độ còn lại đã được chuyển sang thực hiện trong Quy hoạch điện 7.

Nguồn vốn khổng lồ lấy từ đâu?

Trong tổng nguồn vốn đầu tư gần 50 tỷ USD cho toàn ngành điện đến năm 2020 sẽ được phân làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu tư vào nguồn điện là 619,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 66,6% tổng vốn đầu tư; và giai đoạn đầu tư vào lưới điện là 210,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4%. Còn trung bình từ năm 2020 - 2030, mỗi năm cũng sẽ cần khoảng 7,5 tỷ USD để đầu tư cho ngành điện.

Trong đề án xây dựng Quy hoạch điện 7, nhiều giải pháp huy động nguồn vốn đã được đưa ra như tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước; thực hiện liên doanh trong và ngoài nước thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng phát triển các dự án điện; thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành điện; huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành; phát triển các tập đoàn, tổng công ty có uy tín để có thể tự huy động nguồn vốn...

“Mặc dù có nhiều giải pháp nhưng giải pháp quan trọng nhất đối với việc huy động nguồn vốn cho ngành điện là giá điện phải đủ bù chi phí đầu tư và doanh nghiệp phải có lãi”, ông Vượng khẳng định.

Như vậy, có thể hiểu, nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch điện 7, về cơ bản sẽ được huy động dựa trên cơ chế điều chỉnh tăng giá điện.

Khi xây dựng Quy hoạch điện 7, mục tiêu đặt ra là giá điện phải được bán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Trong đó, tới năm 2020, giá điện phải được điều chỉnh tới mức 8-9cent/kWh. Đặc biệt, việc tăng giá điện phải đảm bảo hài hòa giữa ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng phải đảm bảo để doanh nghiệp thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý để tự chủ được về tài chính.

Ông Vượng cho rằng, việc thực hiện bán giá điện theo cơ chế thị như trên, cùng với việc Chính phủ cho phép EVN được điều chỉnh giá điện ở mức không quá 5% theo biến động giá đầu vào, ngành điện sẽ có cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt hơn, từ đó sẽ khuyến khích, hấp dẫn nhà đầu tư đầu tư vào ngành điện và doanh nghiệp có lợi nhuận để hoạt động.

Tuy nhiên, theo vị Thứ trưởng Bộ Công Thương, để thực hiện đầu tư cho các dự án trong quy hoạch điện 7, thì các tập đoàn Nhà nước, gồm Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than và Khoán sản và Tập đoàn Dầu khí sẽ giữ vai trò đảm trách và là “người” làm chính. Bởi vì, các dự án ngành điện có đặc thù hơn các dự án hạ tầng khác, quy mô vốn lên tới hàng tỷ USD nên khó có thể huy động từ các đối tác bên ngoài cũng như tư nhân tham gia vào xây dựng các dự án điện lớn như vậy.

Hiện tại, đối với doanh nghiệp chủ lực EVN, theo Bộ Công Thương, đến thời này, Tập đoàn đang đầu tư dưới 50% các dự án điện. Cụ thể EVN đang đầu tư 39 dự án với tổng số vốn trên 27.000 tỷ đồng và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần 930 nghìn tỷ đồng, ngành điện dựa vào tăng giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO