Bảo vệ môi trường bằng "công nghệ mềm"

BÍCH HỒNG| 04/06/2009 05:07

Một lần phát biểu về dự án xây dựng khu Life resort Vọng Cảnh (Huế), nhà sử học Dương Trung Quốc đã nêu ý kiến hết sức đáng quan tâm: “Mọi người hãy nhìn xuống dưới chân mình để thấy chúng ta đang đối xử với mảnh đất ấy thế nào?”. Đồi Vọng Cảnh sau hơn nửa thế kỷ hoang phế đã thành bãi rác.

Bảo vệ môi trường bằng

Một lần phát biểu về dự án xây dựng khu Life resort Vọng Cảnh (Huế), nhà sử học Dương Trung Quốc đã nêu ý kiến hết sức đáng quan tâm: “Mọi người hãy nhìn xuống dưới chân mình để thấy chúng ta đang đối xử với mảnh đất ấy thế nào?”. Đồi Vọng Cảnh sau hơn nửa thế kỷ hoang phế đã thành bãi rác.

Sông Hương nhìn từ Đồi Vọng Cảnh

Một viên ngọc của thiên nhiên khác là vịnh Đà Nẵng cũng chung số phận làm thùng chứa nước thải, hàng trăm miệng cống lớn chảy thẳng ra đây, bốc mùi hôi nồng nặc. Tuy nhiên, 10 năm nữa nơi đây sẽ có trùng trùng những tòa cao ốc nằm trên mặt nước biển do người Hàn Quốc xây dựng!

Từ những bãi rác thải trên đồi và dưới biển, chúng ta lại có một cuộc đối thoại mới với thiên nhiên, liệu cuộc “nói chuyện” này lành nhiều dữ ít chăng? Vịnh Đà Nẵng nằm ở giữa, một bên là dãy Hải Vân đệ nhất hùng quan, một bên là thành phố Đà Nẵng - nơi
du khách dừng chân ngắm cảnh, người nhà ngư dân đứng ngóng thuyền về. Mặt vịnh lúc nào cũng có những thuyền đánh cá nhỏ cần cù chạy dọc ngang.

Vịnh Đà Nẵng tương lai

Nhưng bây giờ thì đã khác hẳn, đất đùn lên bờ vịnh như một tổ mối vĩ đại, mặt vịnh xanh biếc hằn những đường ngang dọc của các bờ kè chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho một đô thị mới trên biển. Tập đoàn Daewon Hàn Quốc đầu tư 250 triệu USD xây dựng đô thị hiện đại và sân golf trên vịnh Đà Nẵng rộng 210ha mang hình trăng lưỡi liềm.

Ông Tae Sun Hong, chủ nhiệm đồ án thuyết minh: “Nơi đây sẽ là tổ hợp đô thị, trung tâm thương mại và là nơi nghỉ mát ven biển. Chúng tôi muốn xây dựng những công trình có tính biểu tượng như nhà hát “Con sò” ở Úc, đồng thời tạo hình ảnh một khu đô thị - sân gofl có thể nhìn thấy từ vệ tinh. Đây sẽ là một quần thể kiến trúc có nét đẹp riêng nhưng vẫn hài hòa với thành phố và thiên nhiên xung quanh như bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng, sông Hàn”.

Đô thị lấn biển Saemangeaum - Hàn Quốc

Ở Việt Nam, cuộc đối thoại mới với biển đã bắt đầu với hàng loạt dự án xây đô thị trên mặt biển. Loại có tầm cỡ lớn là dự án Đa Phước - vịnh Đà Nẵng 210ha và khu du lịch Saigon Sunbay - Cần Giờ TP.HCM 860ha đã cùng khởi động. Những dự án có quy mô vừa cũng xuất hiện ở Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Yên với diện tích trung bình khoảng 50ha.

Cuộc đối thoại với biển vốn quen thuộc với những quốc gia đất chật người đông như Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore... Công trình lấn biển giúp Macau tăng diện tích lên 170 %, còn tại Singapore là khoảng 20%. Yêu cầu phát triển đô thị ở khắp nơi ngày càng trở nên bức thiết. Và việc xây thành phố lấn biển là giải pháp được chính quyền nhiều quốc gia lựa chọn.

Vịnh Đà Nẵng hiện tại

Vấn đề là xây dựng những đô thị trên biển phải đối mặt với những tác động lớn về môi trường và xã hội. Đến nay, dự án Saigon Sunbay Cần Giờ vẫn chưa thuyết phục được các nhà khoa học. Các nhà nghiên cứu môi trường lo lắng về số phận của khu rừng ngập mặn ở đây khi các bờ kè được xây dựng làm thay đổi dòng chảy, độ mặn, mà theo giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Quản lý Khoa học công nghệ và Môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM), độ mặn của dòng chảy chỉ cần thay đổi 2%, thì rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ chết.

Dự án ở Cần Giờ may mắn nhận được nhiều ý kiến phản biện giúp các nhà quy hoạch và quản lý cân nhắc điều chỉnh để giảm thiểu những tác động có hại đến khu vực trong tương lai. Hàn Quốc là một nước giàu kinh nghiệm và xây dựng thành công nhiều công trình đô thị lấn biển nổi tiếng. Tuy nhiên ngay công trình đô thị Saemangeaum lớn nhất Hàn Quốc cũng bị phản đối kịch liệt vì làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng chục nghìn ngư dân.

Một dự án lấn biển 210ha ở vịnh Đà Nẵng không chỉ để xây đô thị, mà còn xây cả sân golf trên mặt biển có phải là ăn quá vào tương lai hay không? Ông chủ nhiệm đồ án Tae Sun Hong cam đoan: Phương án thiết kế sẽ giảm tác động đến môi trường, không lấn ra biển nhiều gây cản trở dòng chảy, tàu thuyền vẫn qua lại vùng này dễ dàng. Trong khi công luận không thấy ai trình bày về hệ sinh thái ở vịnh Đà Nẵng sẽ bị ảnh hưởng ra sao, những tác động môi trường đến thành phố cũ thế nào cũng như các giải pháp hạn chế ô nhiễm khi xây dựng khu đô thị mới này.

Ông Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Miền Trung cho rằng, tầm nhìn trong quy hoạch xây dựng đô thị cần một sự thay đổi lớn. Trong 10 năm qua, việc xây dựng nhiều đô thị đồng nghĩa với bê-tông hóa nhiều vùng đất và lấp hết các mạch nước ngầm giữa thành phố, tạo nên hiện tượng khô hạn bất thường. Và một trong những phương án mở rộng diện tích đô thị được các nhà tư vấn nước ngoài đưa ra là dùng nước đổi đất. Thế nhưng đây có phải là lối thoát mới cho sự phát triển của các đô thị khi tình hình khí hậu đang diễn biến khó lường, như nước biển dâng lên và những trận lũ lụt kinh hoàng luôn đe dọa?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vệ môi trường bằng "công nghệ mềm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO