Ấn tượng xuất khẩu

HOÀNG SƠN| 02/01/2014 06:01

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đã chính thức khép lại với con số ấn tượng nhất từ trước đến nay: 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012.

Ấn tượng xuất khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đã chính thức khép lại với con số ấn tượng nhất từ trước đến nay: 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012.

Đọc E-paper

Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012. Như vậy, năm 2013, Việt Nam xuất siêu ở mức 863 triệu USD, đây cũng là năm thứ hai liên tiếp kể từ khi gia nhập WTO (năm 2007) Việt Nam đạt thặng dư thương mại.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, cho biết, mức xuất khẩu này cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra với mức tăng 10%. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 33%, ước đạt 43,75 tỷ USD, tăng 3,5%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 61,4%, ước đạt 88,4 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm 2012.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2013, có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và lần đầu tiên xuất khẩu mặt hàng rau quả đã vào danh sách nhóm xuất khẩu trên 1 tỷ.

Đây là một trong những tín hiệu tốt cho phát triển xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Đáng chú ý, nhóm hàng công nghiệp chế biến luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm này ước đạt 93 tỷ USD, chiếm 70,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 25,5% so với năm 2012.

Đây cũng là nhóm  hàng có tốc độ tăng cao nhất, quy mô xuất khẩu lớn nhất và là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong nhóm này, điện thoại các loại và linh kiện đóng góp tới 21,5 tỷ USD (tăng 69,2%); dệt may hơn 20 tỷ USD (tăng 16,28%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD (tăng 36,2%); hóa chất (tăng 32,4%)...

Tuy nhiên, kim ngạch các nhóm hàng nông, lâm thủy sản, nhiên liệu và khoáng sản giảm lần lượt 5,3% và 16,2% do kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu lớn như gạo, cà phê, cao su, than đá, dầu thô... đều giảm. Nhiều mặt hàng trong các nhóm này giảm cả về sản lượng và giá xuất khẩu.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch nhấn mạnh, do công tác kiểm soát nhập khẩu được thực hiện khá tốt, nên năm 2013, kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012. Đáng chú ý là các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các mặt hàng thuộc nhóm cần nhập khẩu; nhóm này tăng 15,3%, nhóm cần kiểm soát nhập khẩu giảm 3,4% và nhóm cần hạn chế cũng giảm 4,8%.

“Trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 13 tỷ USD thì khu vực doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 6,7 tỷ USD”, ông Nguyễn Tiến Vỵ cho hay.

Bộ Công Thương cho hay, xuất khẩu sang thị trường khu vực truyền thống giữ vững dù khủng hoảng kinh tế khiến sức mua thị trường thế giới suy giảm. Các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thị trường Đông Nam Á, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục được giữ vững và tăng trưởng.

Tuy nhiên, để đạt được kim ngạch xuất khẩu 140 tỷ USD trong năm 2014, tăng 10% so với năm nay, Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều thách thức, đơn cử, nhóm hàng nông, lâm thủy sản với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấn tượng xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO