8 nhiệm vụ của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020

P.V| 20/10/2015 05:01

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020

8 nhiệm vụ của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020

Sáng 20/10/2015, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã được khai mạc. Tại phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016.

Một số nét chính của Báo cáo:

Các kết quả đạt được trong năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015

1. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm

Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua.

Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện.

Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%/năm, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng mạnh; nhập khẩu tăng 15%/năm; tỷ lệ nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Thu từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển; đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 1,8 lần so với 5 năm trước, bằng khoảng 31,2% GDP. Vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 24 tỷ USD, tăng 70,5%.
An ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng quan trọng được bảo đảm. Quản lý thị trường, giá cả được tăng cường; thực hiện bình ổn giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.

2. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối; chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên

Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD).

Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối ; năm 2015 tăng khoảng 10%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp tăng 3,85%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5%/năm; loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,6%, trong đó năm 2015 tăng 8,7%, cao nhất kể từ năm 2011 . Khách quốc tế năm 2015 đạt khoảng 7,9 triệu lượt, gấp gần 1,6 lần so với năm 2010.

Trong 9 tháng năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014. Số doanh nghiệp đang hoạt động là 525 nghìn, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010.

3. Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện và được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tăng 19 bậc, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,6% vào năm 2015; giá trị giao dịch trên thị trường công nghệ tăng 13,5%/năm; số lượng sáng chế và các giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ gấp gần 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2010...

4. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả

Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015, đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.

Tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Đến tháng 9/2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9/2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015.

Đã sắp xếp 465 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa thu về cao hơn giá trị sổ sách, gấp 1,47 lần.

Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, điện, điện tử có công nghệ cao tăng từ 49,8% năm 2010 lên khoảng 51% năm 2015.

5. Văn hoá, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện

6. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường

Đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý đạt 92,5% vượt chỉ tiêu đề ra (kế hoạch 5 năm là 85%, năm 2015 là 90%). Triển khai nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.

7. Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng

Đã giải quyết được 512/528 vụ việc khiếu nại kéo dài. Khiếu nại, tố cáo giảm cả về số lượng và số vụ khiếu kiện đông người.

8. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững

9. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng

Đối ngoại đa phương được nâng tầm, chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm trên các diễn đàn Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, APEC… Tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132). Tích cực vận động và được cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của ta về vấn đề Biển Đông. Kiên trì cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC.

Đã có 59 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Các hạn chế, yếu kém cần khắc phục

1. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn. Huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế.

2. Tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản còn nhiều khó khăn, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao. Dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước, du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

3. Thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội; các loại thị trường phát triển còn chậm, hiệu quả chưa cao. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.

4. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu. Hiệu quả đầu tư công chưa cao. Tái cơ cấu DNNN và sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra. Đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao còn chậm. Chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

5. Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế, khắc phục còn chậm. Giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Khoảng cách giàu nghèo còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao . Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có mặt còn hạn chế. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém. Tệ nạn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp. Nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân.

6. Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường còn chậm. Nguồn lực phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ngập lụt ở một số thành phố lớn khắc phục còn chậm.

7. Cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ vẫn còn chồng chéo, chưa đủ cụ thể. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm. Năng lực, phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn hạn chế.

8. Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức. An ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc xã hội; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng còn nhiều bất cập. Tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục chậm.

9. Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa thật chủ động, hiệu quả chưa cao. Chưa phát huy hết các lợi thế và chuẩn bị tốt các điều kiện cho chủ động hội nhập. Sự gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, đối ngoại nhân dân có mặt còn hạn chế.

Các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2016

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội tăng 4 - 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm, năm 2016 giảm 1,5%. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.

Về xã hội: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, năm 2016 là 53%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 bác sĩ và 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân, năm 2016 đạt 24,5 giường. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 80% dân số, năm 2016 đạt 76%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống 10%, năm 2016 dưới 13,8%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1 - 1,5%/năm, năm 2016 khoảng 1,3 - 1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 25 m2, năm 2016 đạt 22,6 m2.

Về môi trường: Đến năm 2020, có 95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, năm 2016 là 83,5% và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, năm 2016 là 88%. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 90%, năm 2016 là 85%. Có 80 - 85% chất thải nguy hại và 90 - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đến năm 2020 đạt 90%, năm 2016 là 86%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, năm 2016 là 41%.

8 nhiệm vụ để hoàn thành các chỉ tiêu

1. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

2. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ.

4. Phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

5. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

6. Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

7. Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

8. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Một số giải pháp thực hiện các nhiệm vụ

Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Nâng cao hiệu quả và tập trung nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu . Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Khuyến khích khu vực ngoài nhà nước đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Khẩn trương triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối vốn đầu tư của Nhà nước và tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Tiếp tục tái cơ cấu DNNN, tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bán hết phần vốn trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; bố trí đúng cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động. Phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện Chính phủ điện tử. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Về đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), báo cáo của Chính phủ cho biết kết thúc đàm phán, Việt Nam đã đạt được kết quả theo đúng chủ trương, chỉ đạo và phương án đã được Bộ Chính trị phê duyệt và Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
8 nhiệm vụ của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO