72% DN cho rằng trong năm nay sẽ hoạt động tốt hơn

Q.T| 29/09/2010 04:26

Đó là khảo sát của UPS tiến hành trên 1.350 nhân sự cấp cao, đứng đầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương...

72% DN cho rằng trong năm nay sẽ hoạt động tốt hơn

Ngày 29/09, tại KS Sofitel, TP.HCM, lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào Cuộc Khảo sát thường niên về tình hình hoạt động kinh doanh của khu vực Châu Á do UPS tổ chức với đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (TBD).

MC, chương trình hội thảo - ông Jeff McLean, Tổng Giám Đốc UPS Việt Nam và ông Jonas Phat Tran, Giám đốc phát triển kinh doanh UPS (từ trái sang). Ảnh Q.T

Đây là lần thứ 6 cuộc Khảo sát này được tiến hành trên 1.350 nhân sự cấp cao, đứng đầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.

Ông Jeff McLean, Tổng Giám Đốc UPS Việt Nam phát biểu: “Kể từ năm 2005, khảo sát kinh doanh châu Á đã cung cấp những thông tin quý giá về sức cạnh tranh của các SME, những vấn đề về kinh doanh nổi bật khác cũng như cơ hội để các doanh nghiệp SME phát triển. UPS chúng tôi tin tưởng rằng kết quả khảo sát ở Việt Nam sẽ hỗ trợ chúng tôi rất nhiều để hiểu rõ hơn, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu của các SME Việt Nam tốt hơn, góp phần giúp nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế bởi 86% chủ doanh nghiệp được khảo sát ở Việt Nam khẳng định rằng những SME sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai nền kinh tế quốc gia.”

Cái nhìn lạc quan về triển vọng phát triển của kinh tế khu vực và của các SME Việt Nam nói riêng:

Phần đông những doanh nghiệp Việt Nam lạc quan cho rằng Kinh tế Khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp túc phát triển (59%), chỉ có một thiểu số khoảng 9% cho rằng nền kinh tế khu vực có chiều hướng đi xuống và 32% còn lại cho rằng nhịp độ kinh tế vẫn sẽ giữ nguyên như cũ.


Cũng theo như kết quả từ cuộc khảo sát thì Việt Nam là thị trường lạc quan thứ nhì trong khu vực về triển vọng phát triển kinh doanh trong năm 2010 với 72% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng công ty của họ sẽ hoạt động tốt hơn trong năm nay.

Mặc dù 9 trên 10 các SME Việt Nam chú trọng vào kinh doanh tại thị trường Châu Á Thái Bình Dương (phụ lục 4), thế nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn trông đợi vào sự tăng trưởng ở các khu vực khác. 81% chủ doanh nghiệp được khảo sát dự đoán rằng những hoạt động kinh doanh trong khu vực Châu Á TBD của Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng trong năm nay, song song đó, hoạt động kinh doanh ở thị trường Bắc Mỹ sẽ tăng lên 61% và Châu Âu sẽ tăng lên 60%.

Kinh doanh quốc tế góp phần rất lớn giúp Việt Nam trở thành một thị trường phát triển nhanh, 58% các SME Việt Nam cho rằng kinh doanh quốc tế có những tác động rất tích cực và mở ra nhiều vận hội mới cho hoạt động kinh doanh của họ.

Tuy có góc nhìn rất lạc quan về sức phát triển kinh tế, thế nhưng Việt Nam lại là quốc gia khá ảm đạm khi bàn về vấn đề sức phát triển của lực lượng lao động. Khoảng 61% SME Việt Nam cho rằng họ có ý định cắt giảm nhân lực, không có ai cho biết họ sẽ tăng cường nguồn lao động.

Kiến trúc - Xây dựng, Công nghệ Thông tin và Du Lịch là những ngành chủ lực trong năm 2010

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam kéo theo nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng cao nên Kiến trúc - Xây dựng sẽ vẫn là ngành có tốc độ phát triển cao, chiếm hơn nửa trong tổng số SMEs Việt Nam (53%) tin rằng ngành ngày sẽ vẫn là mũi nhọn của quốc gia trong năm nay ; tiếp theo đó là công nghệ thông tin (36%) và Du lịch (28%).

Khi được hỏi về những trụ cột kinh tế của Việt Nam trong ba đến năm năm tiếp theo, kết quả thu được chỉ ra rằng Kiến trúc – Xây dựng vẫn là lựa chọn hàng đầu với 53% ý kiến, tiếp theo là Nông lâm ngư nghiệp (29%), Du Lịch (29%) và Công nghệ thông tin (26%).

Các vấn đề liên quan đến tài chính – chi phí là mối quan tâm hàng đầu của các SME Việt Nam:

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam được ước đoán là sẽ tăng trưởng trong năm nay, thế nhưng các chủ doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức, trong số đó vấn đề đau đầu nhất với 7/10 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là Tài chính – Chi phí ,tiếp theo là các vấn đề về lãi suất tín dụng (46%) trong khi áp lực cạnh tranh chỉ xếp thứ ba với khoảng 40%.

Các chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ là rất cần thiết để giúp các SME Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.

Việt Nam tiếp tục mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài nên áp lực cạnh tranh đối với các SME Việt Nam là rất lớn. 41% kêu gọi hỗ trợ từ phía chính phủ nhằm cắt giảm lãi suất vay vốn, giảm bớt gánh nặng tài chính vì hiện tại một số các ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất đối với các SME là trên 14%/năm. Trong khi đó, 23% cho rằng họ cần hỗ trợ tài chính để nâng cấp công nghệ và trang thiết bị, 19% mong muốn chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ thương hiệu Việt.

Mặt khác, riêng với các doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề về tài chính, 45% trong số đó cho biết nguyên do xuất phát từ việc chậm trễ trong xử lý đơn thư giấy tờ của các ngân hàng, tiếp theo là vấn đề về việc các tổ chức cho vay tài chính không sẵn lòng giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 25%. Số còn lại, khoảng 30% SME Việt Nam cho rằng họ không gặp các vấn đề nào về tài chính trong doanh nghiệp.


Đôi nét về UPS

UPS là tập đoàn vận tải hàng đầu trên thế giới, chuyên cung cấp các giải pháp về vận tải hàng hoá; tạo thuận lợi cho kinh doanh quốc tế, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để quản lý tốt các hoạt động kinh doanh quốc tế. UPS đặt trụ sở chính tại Atlanta và hiện nay đã có mặt trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Có thể xem thêm thông tin về công ty tại địa chỉ website www.ups.com và tại blog.ups.com. Cập nhật các tin tức báo chí về UPS tại pressroom.ups.com/RSS.

Để duy trì sức cạnh tranh của các SME Việt Nam thì cần nhiều hơn nữa bàn tay giúp đỡ của chính phủ, từ những chính sách hỗ trợ cho đến hạ tầng cơ sở, giao thông và thủ tục pháp lý.

Từ góc nhìn của bản thân các SME Việt Nam, 31% cho rằng dịch vụ và chất lượng tốt hơn là chìa khóa để giúp họ cạnh tranh với các công ty lớn, 29% cho rằng yếu tố mà họ chiếm lợi thế hơn các công ty lớn mà mối quan hệ thân thiết, bền chặt hơn với khách hàng/đối tác và 17% cho rằng mức giá họ đưa ra cho các sản phẩm và dịch vụ là tốt hơn.

Ông Jeff McLean nói thêm: “Với vai trò là công ty vận tải hàng đầu trên thế giới và là đối tác của SME Việt Nam, UPS Việt Nam tự hào là đơn vị dẫn đầu trong việc cung cấp các giải pháp về chuỗi cung ứng và công nghệ tiên tiến cho các SME Việt Nam. Chúng tôi cũng là đơn vị duy nhất có thể giúp họ kết nối với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ đó giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
72% DN cho rằng trong năm nay sẽ hoạt động tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO