7 lợi ích sau 15 năm Việt Nam gia nhập WTO

Lương Văn Tự (*)| 11/01/2022 01:25

Gia nhập WTO chúng ta có được hệ thống pháp luật mới phù hợp với kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện được nguyên tắc minh bạch hóa chính sách và pháp luật theo quy định của WTO. Đến nay, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện và đây cũng là cơ sở cho việc ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

7 lợi ích sau 15 năm Việt Nam gia nhập WTO

Ngày 7/11/2006, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Ảnh: TTXVN

LTS: Sau 15 năm gia nhập WTO, Việt Nam được nhiều hơn mất. Doanh nhân Sài Gòn xin giới thiệu bài viết của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO Lương Văn Tự nêu 7 lợi ích về sự kiện này.

Ngày 7/11/2006, ông Eirick Glenne - Chủ tịch Ủy ban công tác Việt Nam gia nhập WTO gõ búa kết thúc 11 năm đàm phán cam go, kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).Đây là cuộc đàm phán lâu dài nhất, đa dạng nhất trong cả 4 lĩnh vực: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư liên quan đến thương mại và sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại.

Số lượng nước tham gia đàm phán song phương và đa phương lên đến 149 nước và vùng lãnh thổ. Về phía Việt Nam, trải qua 3 đời Thủ tướng, bắt đầu từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải và kết thúc đàm phán là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng qua 3 đời Bộ trưởng. Số lượng Bộ và số lượng thành viên đàm phán và hỗ trợ kỹ thuật trên 30 người.

Đảng và Chính phủ đã huy động toàn bộ lực lượng, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 về hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh sự ủng hộ của hệ thống chính trị, đoàn đàm phán có thêm 1 chỗ dựa là lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Liên Hợp Quốc tháng 12/1946.

Năm 1946, Bác gửi lời kêu gọi cho Liên Hợp Quốc nói về nguyên tắc đối ngoại là Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc….

Tuy vậy, việc đàm phán và gia nhập WTO  gặp không ít khó khăn và trở ngại, đặc biệt là những "nỗi lo". Lo mở cửa "bụi bặm vào nhà"; lo ngành nông nghiệp phá sản không cạnh tranh được với thế giới; lo các doanh nghiệp nhà nước phá sản, "cá nhỏ" sẽ bị "cá lớn" nuốt khi ra biển lớn… Nhằm góp phần giải tỏa tâm lý đó, tôi đã viết một câu đối để Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế chiếu trên màn hình trong tất cả các buổi nói chuyện về hội nhập:

"Mở cửa thì sợ gió,

Đóng cửa thì khốn khó"

Sau 15 năm gia nhập WTO, nhìn lại thấy Việt Nam được nhiều hơn mất. Cái mất là mất đi cơ chế quan liêu bao cấp, mất nghèo nàn lạc hậu…, còn cái được là gì?

11-1-22-WTO-1-8076-1641871786.jpg

Ngay sau Lễ kết nạp tại Genève (Thụy Sỹ), Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm (giữa), Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển (phải), Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy (trái) nâng ly chúc mừng. Ảnh: AFP

Thứ nhất, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Tất cả đối tác đàm phán song phương gia nhập WTO thời đó, bây giờ đều trở thành đối tác chiến lược và đối tác toàn diện trong hợp tác kinh tế với Việt Nam như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Anh…

Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu nhảy vọt. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt 39,6 tỷ USD, năm 2020 là 281,5 tỷ USD, tăng hơn 7 lần. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính có thể đạt 336,25 tỷ USD. Tổng giám đốc WTO đã đánh giá Việt Nam là 1 trong 30 nước gia nhập WTO thành công, đặc biệt tăng trưởng về xuất khẩu.

Thứ ba, Việt Nam thu hút được nguồn FDI lớn, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, bao gồm cả vốn cấp mới, vốn đăng ký tăng thêm và vốn góp mua cổ phần. Trong đó, đăng ký tăng thêm tăng mạnh hơn 40,5%. Tính chung đến nay, cả nước có khoảng 34.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 408 tỷ USD, các dự án này đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó vốn thực hiện chiếm hơn 61,7% tổng vốn đầu tư còn hiệu lực.

Thứ tư, kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng dương. Năm 2010, nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt trên 5% và là 1 trong 20 nước có tăng trưởng dương. Trong cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đến nay, nhiều nước phải đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội, GDP của họ âm, trong khi đó Việt Nam nằm trong số ít quốc gia vẫn tăng trưởng dương.

Thứ năm, những thành tựu của việc gia nhập WTO và quá trình hội nhập kinh tế là cơ sở để chúng ta hội nhập những lĩnh vực khác về văn hóa, an ninh quốc phòng, khoa học kỹ thuật…

Thứ sáu, đội ngũ doanh nghiệp ngày càng tăng, có chất lượng, với hơn 800.000 doanh nghiệp, đất nước có thêm nhiều tỷ phú USD.

Thứ bảy, ngành nông nghiệp không bị phá sản như Oxfarm dự báo mà tăng trưởng theo hướng hiện đại và nâng cao giá trị. Năm 2021, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn, song nông nghiệp và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp vẫn vượt mốc 43 tỷ USD, dự kiến hết năm đạt 47 tỷ USD.

Cuối cùng, gia nhập WTO chúng ta có được hệ thống pháp luật mới phù hợp với kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện được nguyên tắc minh bạch hóa chính sách và pháp luật theo quy định của WTO. Đến nay, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện và đây cũng là cơ sở cho việc ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định, về tầm nhìn và định hướng phát triển, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt mục tiêu trên, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; từng bước giảm dần sự chênh lệch kim ngạch xuất khẩu giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Nhìn một cách toàn cảnh, những thành tựu trên là kết quả tổng hợp của quá trình hơn 30 năm đổi mới. Gia nhập WTO là cú hích quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế. 

(*) Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 lợi ích sau 15 năm Việt Nam gia nhập WTO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO