4 "làn gió" thương mại thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu

KIM THỦY| 25/11/2015 09:50

Trong vòng 35 năm nữa, bốn làn gió thương mại này sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng tạo và tư duy mới nhằm giúp các công ty phát triển và cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu ngày càng biến động và phát triển nhanh.

4

Trong báo cáo "Những làn gió thương mại" do Ngân hàng HSBC vừa công bố hôm 24/11, đã xác định bốn yếu tố sẽ thúc đẩy cơ hội cho các nhà lãnh đạo kinh doanh ngày hôm nay và trong tương lai.

Các yếu tố này bao gồm: tốc độ phát triển của công nghiệp hóa và sự dịch chuyển sang phục vụ hàng loạt theo nhu cầu; giá vận chuyển và dịch vụ hậu cần giảm; chính sách thương mại ngày càng tự do hóa và sự trỗi dậy của những mô hình kinh doanh linh hoạt.

“Trong vòng 35 năm nữa, bốn làn gió thương mại này sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng tạo và tư duy mới nhằm giúp các công ty phát triển và cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu ngày càng biến động và phát triển nhanh,” báo cáo nhận định.

Đồng thời, HSBC dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 1.437 tỷ USD vào năm 2050, gấp gần 10 lần hiện nay, bên cạnh các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Pháp, Nhật Bản và Singapore.

Trung Quốc sẽ tăng cường vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu của thế giới, với ảnh hưởng gia tăng tại châu Á được hỗ trợ bởi những dự án như "Con đường tơ lụa" trên bộ, trên biển và ảnh hưởng của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Ấn Độ cũng có tiềm năng tăng trưởng mạnh và được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc. HSBC kỳ vọng tăng trưởng trong xuất khẩu của Ấn Độ sẽ đạt trung bình 6% một năm trong giai đoạn 2025 - 2050, so với mức chưa tới 5% một năm của Trung Quốc.

Báo cáo cũng xác định rõ 3 làn sóng phát triển của thương mại thế giới với làn sóng đầu tiên từ năm 1865 tới năm 1913, làn sóng thứ hai từ năm 1950 tới năm 2007 và làn sóng thứ ba từ năm 2015 tới 2050. Hiện tại, thế giới đang nằm trong làn sóng thứ ba 2015 - 2050 với những điều kiện rất khác so với hai giai đoạn trước khi mà các thị trường mới nổi sẽ dẫn dắt những dịch chuyển quan trọng trong thương mại thế giới.

Trong đó, châu Á được kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy thập kỷ tăng trưởng thương mại toàn cầu, trong đó phần đóng góp của châu Á - Thái Bình Dương trong xuất khẩu toàn cầu được dự báo tăng từ khoảng một phần ba trong năm 2015 lên 46% vào năm 2050. Phần của Tây Âu sẽ giảm từ 34% xuống còn 22%, và Bắc Mỹ giảm từ 11% xuống 9%.

Đây là lần đầu tiên một báo cáo như thế này được phát hành và kết hợp việc phân tích toàn diện các dữ liệu của các quốc gia chủ chốt tham gia thương mại thế giới với việc tham gia bình luận từ các nhà lãnh đạo kinh tế.

“Chúng ta phải đánh giá đúng mức tầm quan trọng của thương mại trong tăng trưởng và sự phồn thịnh của kinh tế toàn cầu. Vị thế hàng đầu của châu Á trong sáng tạo công nghệ và chuỗi cung ứng đưa tới cho khu vực cơ hội duy nhất để hưởng lợi từ làn sóng toàn cầu hóa này”, ông Paul Skelton - Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HSBC nhận định.

>HSBC dự báo: Cuối năm, cả GDP và tỷ giá đều tăng

>HSBC: Cần nỗ lực tái cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững

>HSBC: Kinh tế Việt Nam đối mặt với 2 rủi ro tiềm ẩn

>Stuart Gulliver: Làm sao thu nhỏ gã khổng lồ HSBC?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 "làn gió" thương mại thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO