3 quan chức ngành đường sắt bị đình chỉ công tác

25/03/2014 00:06

Liên quan đến vụ việc JTC đưa hối lộ, ngày 24/3, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đình chỉ công tác 3 quan chức trong ngành.

3 quan chức ngành đường sắt bị đình chỉ công tác

Liên quan đến việc nhật báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun đưa thông tin Chủ tịch Công ty Giám sát Giao thông Vận tải Nhật Bản (JTC) thừa nhận đưa hối lộ cho một vài lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu yen (hơn 700.000 USD), ngày 24/3, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đình chỉ công tác thêm ba quan chức trong ngành để giải trình làm rõ vụ việc.

Đọc E-paper

Quyết định yêu cầu tạm dừng công tác với ông Ngô Anh Tảo (Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường sắt) và ông Trần Quốc Đông (Phó tổng giám đốc đã từng có thời gian phụ trách Ban Quản lý này). Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) cũng ra quyết định tạm dừng chức vụ Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đối với ông Trần Văn Lục để giải trình vụ nghi vấn nhận hối lộ.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông có buổi làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội về vụ việc nói trên.

Trước đó, ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã có cuộc họp khẩn và yêu cầu "tất cả cán bộ có liên quan dừng công việc mình đang làm để làm báo cáo giải trình". Bộ trưởng yêu cầu thành lập đoàn thanh tra, thanh tra tất cả các dự án của JTC.

Đồng thời, Bộ trưởng cho biết sẽ dừng giải ngân và rà soát các thủ tục giải ngân số tiền còn lại, dừng đàm phán giai đoạn 2A (đoạn Giáp Bát đến Ngọc Hồi) của dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1).

Vụ việc này được phía Việt Nam biết khi nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun đưa tin, ngày 21/3, ông Tamio Kakinuma, Giám đốc JTC có trụ sở ở Tokyo, thừa nhận đã trả tiền "lại quả” cho một số công chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA ở ba nước này.

Cụ thể, JTC đã "lại quả” 80 triệu yen (khoảng 16,6 tỷ đồng) cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ yen (khoảng 862,8 tỷ đồng) ở Việt Nam; 30 triệu yen cho 3 dự án 2,9 tỷ yen ở Indonesia, và 20 triệu yen cho một dự án khoảng 700 triệu yen ở Uzbekistan.

Theo tờ Yomiuri Shimbun, JTC bị cho là đã trả tiền cho 5 quan chức, trong đó có một người công tác ở đơn vị quản lý dự án của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một người phụ trách Tổng cục Đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải Indonesia. Song danh tính những người này không được tiết lộ.

Thanh toán bất hợp pháp này đã được thực hiện trên 40 lần từ tháng 2/2008 đến tháng 2/2014, tổng cộng 130 triệu yên, liên quan đến 5 hợp đồng trúng thầu đã nhận được từ 5 dự án ODA.

JTC đã vi phạm Luật Phòng chống cạnh tranh không lành mạnh, trong đó nghiêm cấm các công ty kinh doanh đưa hối lộ cho quan chức chính phủ nước ngoài. Từ năm 1990, công ty này đã nhận được 19 dự án ODA tại nước ngoài.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, JTC có mặt ở hầu hết các dự án liên quan đến đường sắt như các dự án an toàn giao thông đường sắt Bắc-Nam, xử lý cầu yếu, dự án đường sắt đô thị và cả dự án nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Chủ đầu tư các dự án này đều là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo Sách trắng ODA 2013 của Nhật Bản, Việt Nam là nước nhận viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất với 1,64 tỷ USD.

Năm 2008, cũng chính tờ Yomiuri Shimbun đã phanh phui vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ (nguyên phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải và Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước của TP.HCM), đã nhận hối lộ từ Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 quan chức ngành đường sắt bị đình chỉ công tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO