29.000 tỷ đồng như muối bỏ bể

PHAN LÊ| 21/06/2012 00:34

Với tỷ lệ doanh nghiệp có lãi chưa đến 30%, việc gia giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thực sự hiệu quả?

29.000 tỷ đồng như muối bỏ bể

Với tỷ lệ doanh nghiệp (DN) có lãi chưa đến 30%, việc gia giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có thực sự hiệu quả?

Đọc E-paper

TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, cho biết, vấn đề của các DN hiện nay không chỉ là vốn (mặc dù chủ trương hạ lãi suất, miễn giảm, giãn hoặc hoãn thuế là rất quan trọng), mà còn ở yếu tố chi phí sản xuất, kinh doanh tăng lên và hàng hóa tồn kho tăng cao.

Có đến 40% DNNVV Việt Nam đang bị đình trệ và co hẹp sản xuất, có nguy cơ giải thể và phá sản. Để giải quyết vấn đề, DN cần tập trung vào 5 yếu tố: vốn, chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, thị trường và quản trị kinh doanh.

Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của Chính phủ trong tình thế trước mắt, và tiếp theo nên hướng đến các giải pháp về trung và dài hạn, trong đó cần tập trung vào các vấn đề tài khóa và tiền tệ.

Theo ông Kiêm, vướng mắc dễ thấy nhất hiện nay là DN khó tiếp cận được vốn vay, trong khi ngân hàng (NH) lại đang thừa vốn. Nguyên nhân khiến các NH hạn chế cho vay chủ yếu do tỷ lệ nợ xấu của các NH đang ở mức 10%, tương đương khoảng 270.000 tỷ đồng, trong đó có đến 3% nợ xấu đang ở nhóm 5.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu lại đánh giá, con số nợ xấu của NH lại đang chiếm tỷ lệ khoảng 16%, trong khi Ngân hàng Thế giới nhận định là khoảng 13%.

Do đó, ông Kiêm cảnh báo, một khi các vấn đề liên quan trên không được giải quyết thì sẽ ảnh hưởng lâu dài và tác động không ít đến quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam trong những năm tới.

Ông Nguyễn Văn Tuất, đại diện Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Nam, Bộ kế hoạch và Đầu tư, cho biết, số DN kinh doanh có lãi trong cả nước giảm mạnh từ 70,2% xuống còn 43,17% (giai đoạn năm 2008-2011), trong khi tỷ lệ DN thua lỗ lại tăng nhanh từ 26,22% lên 52,4%.

TP.HCM có tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ lớn nhất nước, chiếm 68,16%. Cụ thể, thống kê từ Cục Thuế TP.HCM cho thấy, trong số 119.000 DN thì có 83.000 DN lỗ khoảng 35.000 tỷ đồng. Tính đến quý I/2012, có 73% DN trong tình trạng lỗ.

Với tỷ lệ DN có lãi chưa đến 30%, vậy việc gia giảm thuế TNDN có cấp thiết đối với DN? Đại diện cho cộng đồng DN, ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), chia sẻ, khi kinh doanh không có lãi, DN cần giảm thuế GTGT đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, cụ thể, nếu được thì nên giảm 50%, từ 10% xuống còn 5%.

Mặt khác, vấn đề hiện nay của DN là cần vốn để đáo nợ, giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt là chi phí lãi suất, nhưng nhiều DN đã không đủ năng lực để hấp thụ vốn. Vì vấn đề nợ xấu hoặc không có phương án kinh doanh hiệu quả nên không thể vay thêm.

Quỹ Bảo lãnh tín dụng cũng rất dè dặt trong việc bảo lãnh DN vay vốn do sợ mất vốn, trừ khi quỹ phải mua bảo hiểm để chia sẻ rủi ro cùng NH. “Mới đây, khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng được đưa ra, Huba cũng đã cung cấp danh sách 30 DN có nhu cầu được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Thế nhưng, nếu NH không chấp nhận chia sẻ rủi ro, giải quyết vấn đề đáo nợ thì rất khó để DN có cơ hội củng cố kinh doanh”, ông Hưng cho biết.

Tuy nhiên, không có nhiều DN biết đến gói hỗ trợ này. Theo điều tra từ Cục Thống kê TP.HCM từ 10/4-10/5, có 43,9% DNNVV biết có chính sách ưu đãi cho vay dành cho đối tượng này, nhưng chỉ có 9,4% DN vay được với lãi suất rẻ như Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ đến thời điểm điều tra vẫn còn vay với lãi suất cao hơn 20%. Chia sẻ về vấn đề này, ông Huy Nam, chuyên viên kinh tế, tài chính và chứng khoán, cho biết:

“Mặc dù có gói hỗ trợ DN nhưng để đến các NH thương mại quốc doanh, DN phải đi qua 3 cửa ưu tiên gồm: các công ty thuộc hệ thống NH, DN được ưu tiên, DN lớn. Liệu gói tín dụng có đến được các DNNVV đang thực sự cần vốn? Thực tế là rất khó!”.

Theo đó, để việc hỗ trợ DNNVV vượt qua được khủng hoảng có hiệu quả, những giải pháp liên quan đến điều tiết kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát và giảm lãi suất đã được đề ra.

Đồng thời, nên tăng cường công tác dự phòng để DN nắm bắt thông tin kịp thời, linh hoạt điều chỉnh chính sách hợp lý, đúng thời điểm bên cạnh những chính sách vi mô như những công cụ, giải pháp hỗ trợ DN thời khủng hoảng, quản lý nguồn nhân lực, cách tiết giảm chi phí đầu vào... một cách công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng và cam kết đã đề ra.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó chủ tịch YBA: Vay đáo hạn cần có sự đàm phán rõ ràng

Khi DN đang vay với lãi suất cao thì họ luôn có nhu cầu kiếm một nguồn tiền khác để trả số nợ cũ, rồi vay lại với mức lãi suất thấp. Chi phí vốn thấp cũng sẽ là động lực làm giảm giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, thực trạng DN đang có nhu cầu vay vốn không phải để củng cố kinh doanh, mà chỉ phục vụ mục đích đáo hạn NH là có thật. Mặc dù không công khai, không rõ ràng, nhưng thực tế đó đang diễn ra, đặc biệt khi lãi suất giảm trong thời gian gần đây.

Nói về vấn đề đảo nợ và chuyện DN có vay lại được hay không thì còn tùy thuộc vào sự đánh giá của NH đối với DN đó. Tất nhiên, các DN rất mong muốn được vay lại, nhưng thời gian vừa qua cũng có chuyện một vài DN sau khi trả nợ cũ xong lại không được giải quyết vay mới.

Do đó, vấn đề ở đây là cần sự thương lượng giữa hai phía NH và DN. Bởi vì rất khó để bắt buộc NH phải cho vay, mà cần có sự đánh giá mức độ an toàn của tín dụng giữa quan hệ thương mại đơn thuần.

GS-TS. Hồ Đức Hùng -  Đại học Kinh tế TP.HCM: Hỗ trợ kinh doanh mạo hiểm

Trên thực tế, DNNVV và các DN siêu nhỏ thông thường là hộ kinh doanh gia đình, hộ buôn bán nhỏ lẻ. Đại bộ phận người lao động trong các DN này có rất ít cơ hội vào làm việc cho các công ty lớn, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ tài chính từ NH hoặc hội nhập vào thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu DNNVV và các DN siêu nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm, với những dự án có tính khả thi, mới mẻ, hấp dẫn, thì sẽ có thể phát triển, tăng trưởng và ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường trong lẫn ngoài nước với điều kiện những DN này được hoạt động trong môi trường thích hợp với những hỗ trợ cần thiết.

Song, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một định chế hoặc một khung pháp lý nào chú trọng vào việc phát triển và hỗ trợ cho các DN kinh doanh mạo hiểm.

TS. Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:  Phải kịp thời, đúng đối tượng

Tôi tán thành quan điểm gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ vì gói hỗ trợ này ngoài tập trung giãn thuế, miễn thuế, kích cầu tiêu dùng, còn nhằm mục đích tái cơ cấu nền kinh tế. Đối với DNNVV yếu kém thường xuyên thì có hỗ trợ cũng không vươn lên được, không tồn tại nổi.

Do đó, giải pháp là phải sắp xếp lại, giải thể, loại khỏi cộng đồng DN. Nhưng hiện tại đang có một số DNNVV làm ăn tốt nhưng có một số rủi ro khách quan dẫn đến tình trạng từ lãi chuyển sang lỗ. Đặc biệt, số lượng DN này ngày càng nhiều.

Vì vậy, nếu không có sự quan tâm thì họ sẽ chuyển từ trạng thái “chết lâm sàng” sang “chết hẳn”. Thế nên, vấn đề hiện nay là cần phải có giải pháp phù hợp, kịp thời cho DN trong 6 tháng còn lại của năm 2012.

Từ đó tạo đà cho việc thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,5-6%, thành công trong kiềm chế lạm phát ở mức 7-8% và đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản khác của năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
29.000 tỷ đồng như muối bỏ bể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO