10 tháng đầu năm, ĐBSCL thu hút 2,8 tỷ USD vốn FDI

KIM THỦY| 18/11/2015 00:26

Xét về số dự án, Long An là tỉnh thu hút được nhiều dự án nhất trong vùng với 102 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 156 triệu USD.

10 tháng đầu năm, ĐBSCL thu hút 2,8 tỷ USD vốn FDI

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2015, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 9 địa phương thu hút dự án FDI với tổng 125 dự án và 2,8 tỷ USD.

ĐBSCL là vùng kinh tế xuất siêu của Việt Nam, thế mạnh là lúa gạo, trái cây và thủy sản. Tuy nhiên, kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với bình quân của cả nước.

Trong 10 tháng năm 2015, khu vực ĐBSCL có 9 địa phương thu hút dự án FDI là Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre và Cần Thơ với tổng số dự án là 125 dự án và 2,8 tỷ USD.

Xét về số dự án, Long An là tỉnh thu hút được nhiều dự án nhất trong vùng với 102 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 156 triệu USD.

Trong khi đó, xét về tổng vốn đầu tư, năm 2015, Trà Vinh đã cấp phép được dự án Nhà máy điện duyên hải 2 với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, đưa Trà Vinh lên vị trí đứng đầu trong số các tỉnh trong khu vực về thu hút FDI.

Tiếp theo, các tỉnh như Tiền Giang thu hút được 5 dự án (42,6 triệu USD), An Giang (6 dự án, 34,7 triệu USD), Cần Thơ (3 dự án, 15,9 triệu USD), Vĩnh Long (4 dự án, 12,8 triệu), Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre thu hút được 1 dự án.

Ngoài ra, trong 10 tháng năm 2015, còn có 57 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 256 triệu USD, đưa tổng vốn cấp mới và tăng thêm của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long 3,05 tỷ USD.

Tính lũy kế cho đến nay, đã có 10 tỉnh, thành phố trong khu vực có dự án FDI bao gồm Long An, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với tổng dự án là 1.030 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 14 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù đã cố gắng qua nhiều năm, tuy nhiên, các dự án FDI đầu tư vào khu vực ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Kết quả này do khá nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là hạ tầng giao thông của khu vực còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, tuy trong khu vực ĐBSCL đã có sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc nhưng chưa mở ra các chuyến bay quốc tế đi các nước. Hệ thống cảng nước sâu, dù hơn 70% hàng hóa ra – vào vùng này có nhu cầu vận chuyển đường thủy nhưng do hiện nay tàu lớn không vào được cảng nên hàng hóa không thể lưu thông và buộc phải lưu thông bằng đường bộ, dẫn đến đội giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, lực lượng lao động ở khu vực tuy dồi dào, nhưng tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao, thiếu nguồn lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao.

Để thu hút FDI trong thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng, khu vực ĐBSCL cần có những giải pháp hữu hiệu, giải quyết bài toán nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Trong tương lai, các tỉnh trong khu vực có rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để sao cho chi phí logistics giảm tới mức thấp nhất.

Đồng thời, công tác xúc tiến đầu tư của ĐBSCL cũng cần có sự thay đổi, tập trung vào những ngành nghề và các quốc gia cụ thể.

Nhật Bản là quốc gia mà các chuyên gia kinh tế cho rằng cần xúc tiến trọng điểm khi mà nước này đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam và có những dự án phù hợp với thế mạnh và tiềm năng của các tỉnh trong khu vực. 

>6 tháng đầu năm, Ấn Độ dẫn đầu thế giới về thu hút FDI

>Thu hút FDI công nghệ cao: Chiến lược nâng cấp vị thế doanh nghiệp

>Thu hút vốn FDI: Cẩn trọng để loại trừ dự án “lợi dụng” TPP

>Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước về hút vốn FDI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 tháng đầu năm, ĐBSCL thu hút 2,8 tỷ USD vốn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO