Vùng “chết” của máy bay

30/11/2013 01:33

Trung Quốc mới thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào ngày 23/11 vừa qua, gây căng thẳng với Nhật Bản. Bất kỳ máy bay nào vào ADIZ khi không được phép đều là một mối đe dọa, bị đối xử như máy bay của kẻ thù

Vùng “chết” của máy bay

Trung Quốc mới thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào ngày 23/11 vừa qua, gây căng thẳng với Nhật Bản. Bất kỳ máy bay nào vào ADIZ khi không được phép đều là một mối đe dọa, bị đối xử như máy bay của kẻ thù.

>Trung Quốc lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông
>Trung Quốc ra điều kiện từ bỏ vùng phòng không

Máy bay đi vào ADIZ phải thông báo đường bay, nơi đến và mọi chi tiết cần thiết khác về chuyến bay của mình cho nhân viên kiểm soát không lưu. Ngoài ra, máy bay này cũng phải được trang bị bộ tiếp sóng ra-đa.

Không phải bất khả xâm phạm

ADIZ được Mỹ thiết lập vào thập niên 1950 và hệ thống phòng không của nước này phát triển lên đến đỉnh điểm vào năm 1962. ADIZ của Mỹ được thiết lập chủ yếu để đề phòng các máy bay đến từ Liên Xô.

“Pháo đài bay” B52 của Mỹ bay vào ADIZ do Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông vào ngày 23/11 Ảnh: DEFENSENEWS

Tuy nhiên, khi Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) SS-6 vào thập niên 1960, Mỹ xem mối đe dọa chiến lược lúc này là các vụ tấn công bằng ICBM và sự xâm nhập không phận của máy bay ném bom trở thành thứ yếu.

Thế nhưng, ADIZ của Mỹ không phải là bất khả xâm phạm. Ngày 26/10/1971, một máy bay Cuba đã hạ cánh ở New Orleans sau khi hoàn toàn không bị phát hiện trên không phận nước Mỹ.

Từ đó, trước áp lực của nghị sĩ Felix Edward Hébert, không lực Mỹ đã buộc phải thiết lập thêm khu vực phòng không Đông Nam và mở ra một mạng lưới ra-đa dọc theo bờ biển phía Nam. Vào thập niên 1980, cùng với cuộc chiến chống ma túy, ADIZ ở Mỹ còn nhận lãnh thêm vai trò kiểm soát hoạt động buôn lậu ma túy từ Mỹ Latin.

ADIZ Bắc Mỹ là không phận bên trên nước Mỹ và Canada, được quản lý bởi cơ quan kiểm soát không lưu và quân đội 2 nước này, dưới sự bảo trợ của Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD). Nếu sóng vô tuyến không nhận dạng được máy bay trong ADIZ, không lực Mỹ sẽ cử máy bay đánh chặn lên để tận mắt xác định danh tánh của đối tượng.

Vai trò ADIZ Bắc Mỹ đã thu nhỏ đáng kể vào thập niên 1990 cùng với những đổi thay về chính trị cũng như sự giảm bớt lực lượng hàng không chiến lược của Nga. Sau đó, ADIZ Bắc Mỹ đã lấy lại được tầm quan trọng của mình khi cuộc chiến chống khủng bố nổ ra sau vụ tấn công kinh hoàng trên đất Mỹ ngày 11/9/2001.

Năm 2008, tướng Victor E. Renuart, Jr., tư lệnh Bộ Chỉ huy phương Bắc của Mỹ, tuyên bố nước này không bao giờ cho phép một máy bay không nhận biết được vào không phận của mình sau vụ 11-9. Tuy nhiên, khi xác định được đó là máy bay của ai và đang làm gì thì Mỹ vẫn cho phép họ tiếp tục công việc của mình.

Đơn phương thiết lập

ADIZ chung của Mỹ và Canada là ranh giới phòng thủ quốc gia nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập đường không. Bất kỳ máy bay nào muốn bay vào hoặc bay qua ranh giới này đều phải có bộ tiếp sóng ra-đa và duy trì sự tiếp xúc sóng vô tuyến 2 chiều trong khi đến gần cũng như đi qua ADIZ Bắc Mỹ.

Vùng quy định bay đặc biệt khu vực thủ đô Washington của Mỹ Ảnh: THE ATLANTIC

Các ADIZ không bị chi phối bởi các hiệp ước quốc tế hoặc các tổ chức quốc tế và thường được các chính phủ đơn phương thiết lập nên quy định của nó có khác biệt nhau. Về mặt kỹ thuật, ADIZ Bắc Mỹ quy định hầu hết máy bay nước ngoài phải đệ trình kế hoạch bay với nhà chức trách Mỹ trước khi đến và báo cáo vị trí của mình với cơ quan hàng không liên quan nước này ít nhất 1 giờ trước khi đi vào ADIZ này.

Mỹ quy định rất chặt chẽ về ADIZ. Trong trường hợp không nhận biết được máy bay đang vào vùng này, ở giai đoạn đầu, không lực Mỹ thường sẽ phái 2 máy bay ngăn chặn đi làm nhiệm vụ.

Ở giai đoạn 2, máy bay ngăn chặn sẽ tiến đến gần máy bay cần nhận dạng ở một khoảng cách an toàn nhất định để thu thập thông tin cần thiết. Nó cũng có thể bay qua “đối tượng nghiên cứu” trong khi thu thập dữ liệu. Sau đó, máy bay ngăn chặn có thể tìm cách liên lạc với đối tượng.

Trong trường hợp đối tượng không nghe theo các hướng dẫn, phi công trên máy bay ngăn chặn có thể áp dụng mánh khóe làm chệch hướng. Lúc này, máy bay ngăn chặn bay ngang qua đường bay của đối tượng (ở khoảng cách tối thiểu 150 m) rồi xác định xem có tuân theo hướng dẫn hay không.

Nếu đối tượng tiếp tục cứng đầu, máy bay ngăn chặn có thể bay ngang qua nó lần thứ hai, đồng thời bắn pháo sáng như một tín hiệu cảnh báo phải bay theo hướng được chỉ dẫn và rời khỏi khu vực đó.

Ngoài ra, Mỹ còn xây dựng ADIZ khu vực Alaska, quanh đảo Guam và khu vực thủ đô Washington. ADIZ Washington được thiết lập sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 như một biện pháp để ngăn chặn các vụ tấn công khác nữa. Do không có điểm gì tương tự với các ADIZ khác nên đã được đổi tên thành vùng quy định bay đặc biệt.

Chỉ áp dụng với máy bay dân sự

ADIZ là không phận bên trên vùng đất hoặc vùng biển của một quốc gia, nơi sẵn sàng nhận dạng, định vị và kiểm soát các máy bay dân sự vì an ninh quốc gia. Các nước và vùng lãnh thổ đang duy trì ADIZ gồm: Anh, Ấn Độ, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Na Uy, Nhật Bản, Pakistan và Trung Quốc. Thông thường, ADIZ chỉ bao trùm vùng lãnh thổ không tranh chấp. Theo Wikipedia, việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông là không bình thường khi nó bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp. Tất cả mọi ADIZ trên thế giới đều chỉ áp dụng với máy bay dân sự mà thôi. Trong khi đó, ADIZ của Trung Quốc chồng lên ADIZ của các nước khác, đồng thời áp đặt các đòi hỏi lên cả máy bay quân sự và dân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vùng “chết” của máy bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO