Tư bản nhà nước: Thế lực mới trên thị trường

LAM HỒNG| 05/07/2012 06:54

Sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản nhà nước đã đẩy nhiều tập đoàn đa quốc gia nhanh chóng biến mất khỏi danh sách các công ty lớn nhất thế giới.

Tư bản nhà nước: Thế lực mới trên thị trường

Sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản nhà nước đã đẩy nhiều tập đoàn đa quốc gia nhanh chóng biến mất khỏi danh sách các công ty lớn nhất thế giới.

Đọc E-paper

Kết thúc thị trường tự do?

Trong 5 năm qua, khi ngày càng nhiều nền kinh tế phát triển chao đảo trong cuộc khủng hoảng kinh tế, thì chủ nghĩa tư bản nhà nước đã nổi lên như một thách thức.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước, trong đó nhà nước hoặc sở hữu các công ty, hoặc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hay chỉ đạo được thay thế thị trường tự do.

Từ năm 2004 đến hết năm 2009, lần đầu tiên 120 công ty thuộc sở hữu nhà nước xuất hiện trong danh sách các tập đoàn lớn nhất thế giới của Forbes.

Ngân hàng Credit Suisse dự báo đến năm 2015, những quỹ do nhà nước quản lý sẽ kiểm soát số tài sản 12 ngàn tỷ USD, cao hơn nhiều so với các nhà đầu tư tư nhân.

Sau gần bốn thập kỷ, hoàng kim của thị trường tự do đã tắt với cuộc khủng hoảng dây chuyền từ sự sụp đổ của Lehman Brothers trong năm 2008, nhấn chìm nhiều nền kinh tế giàu có.

Tuy nhiên, đứng trước mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước, nhiều nhà phân tích cho rằng, mô hình này không khuyến khích sự đổi mới - chìa khóa để tăng trưởng dài hạn.

Bà Charlene Barshefsky, Đại diện Thương mại Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton, nhận định, sự trỗi dậy của những nền kinh tế quốc doanh mạnh như Trung Quốc (TQ) và Nga đang làm xói mòn hệ thống thương mại được thiết lập sau chiến tranh thế giới thứ II.

Sự can thiệp ngày càng tăng của chính phủ vào mọi lĩnh vực, từ mỏ than cho đến internet, đã đẻ ra cụm từ “quốc tiến, dân thoái”, nghĩa là “nhà nước tiến lên, doanh nghiệp tư nhân thụt lùi”.

Phân tích gần đây về nền kinh tế TQ, Ngân hàng Thế giới ghi nhận về khả năng định nghĩa lại vai trò của chính phủ trong các hệ thống đổi mới quốc gia, nhưng vẫn cho rằng các công ty nhà nước sẽ khó cạnh tranh vì không có cơ chế thúc đẩy sáng tạo.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi đánh giá thấp tiềm năng sáng tạo của chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Các thế lực đang lên như Brazil và Ấn Độ đã sử dụng các đòn bẩy quyền lực nhà nước để thúc đẩy sự đổi mới trong những lĩnh vực quan trọng, tạo ra các công ty tầm cỡ thế giới.

Mặc dù chi tiêu quá mức trên một số lĩnh vực nhà nước, nhưng Chính phủ TQ đã can thiệp hiệu quả để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trong một số ngành công nghiệp tiên tiến.

Những cuộc đối đầu không cân sức

Nhà nước tư bản kết hợp các nguồn lực của chính phủ và đổi mới có thể đưa các công ty đa quốc gia Mỹ và châu Âu vào thế bất lợi nghiêm trọng trong cuộc cạnh tranh trên toàn cầu. Brazil có lẽ là ví dụ điển hình của một hệ thống tư bản nhà nước có thể xây dựng các ngành công nghiệp sáng tạo.

Chính quyền Brazil đã can thiệp với các khoản ưu đãi, cho vay và trợ cấp để thúc đẩy các ngành công nghiệp cạnh tranh với các đối thủ Mỹ và châu Âu. Đồng thời, Brazil bảo vệ sự quản lý độc lập của các công ty nhà nước, hậu thuẫn, đảm bảo các công ty này không gây ảnh hưởng chính trị.

Ví dụ, ba thập kỷ trước, Chính phủ Brazil đã có nhiều hậu thuẫn cho nhà sản xuất máy bay Embraer. Đến nay, Embraer trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới trong thị trường máy bay phản lực.

Bằng hậu thuẫn tương tự, công ty dầu khí Petrobras, một công ty nhà nước với một ban quản lý độc lập, đã có thể cạnh tranh với những gã khổng lồ đa quốc gia như Chevron, Shell và BP.

Bằng cách chọn các ngành công nghiệp có tiềm năng dẫn đầu thế giới để hậu thuẫn, Brazil đã tạo ra các công ty cạnh tranh quốc tế trong một loạt ngành công nghiệp, từ hàng không vũ trụ đến năng lượng sạch.

Kết hợp sự hỗ trợ của chính phủ và quản lý độc lập đã mang lại các doanh nghiệp thành công trong nền kinh tế tư bản nhà nước khác. Singapore đã sử dụng ưu đãi của chính phủ để thúc đẩy các công ty thành công trong các ngành công nghiệp mới như năng lượng mặt trời và năng lượng sạch khác.

Theo Harvard Business School, các phòng thí nghiệm nhà nước Ấn Độ có nhiều bằng sáng chế hơn so với tất cả các doanh nghiệp tư nhân kết hợp.

Sự gia tăng của tư bản nhà nước là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu, có thể đẩy các công ty đa quốc gia ra khỏi một số thị trường cạnh tranh.

Tiêu biểu cho các tập đoàn quốc doanh khổng lồ gồm: Saudi Aramco (Saudi Arabia), Gazprom (Nga), NIOC (Iran), PDVSA (Venezuela).

Riêng tại TQ, nhà nước nắm quyền kiểm soát các đại công ty như: CPNC (dầu hỏa); SGCoC và CSPG (điện lực); CDB và ABC (ngân hàng); FGC, DMC và SAIC (công nghệ); CT, CMCC, Huawei (truyền thông). Các tập đoàn tư nhân phương Tây hiện nay đã bị các “tập đoàn nhà nước” này dễ dàng qua mặt.

Tiêu biểu như hãng dầu danh tiếng ExxonMobil sau nhiều thập kỷ đứng ở vị trí công ty lớn nhất thế giới nay đã rơi xuống vị trí thứ 15. Trong thị trường nội địa, các công ty nhà nước có thể thống trị các thị trường tiềm năng như di động, bán lẻ...

Một số quốc gia phát triển có thể phản ứng lại bằng cách hạn chế các công ty tư bản nhà nước. Tuy nhiên, không có giải pháp thực sự khả thi, đặc biệt khi các nền kinh tế như Mỹ và châu Âu lâm vào cảnh nợ nần và phải cải cách mạnh mẽ, lại rất cần các công ty Brazil, Ấn Độ, TQ giàu tiền mặt.

Thay vì cố gắng ngăn chặn sự gia tăng của hệ thống tư bản nhà nước, các công ty Mỹ và châu Âu nên học hỏi từ đó sẽ tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tư bản nhà nước: Thế lực mới trên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO