Trung Quốc: Khi người dân "nghiện" chơi chứng khoán

T.H/DNSGCT| 27/07/2015 06:48

Người dân Trung Quốc “nghiện” chơi chứng khoán, bởi vì hiện tượng này tác động lên mọi thành phần xã hội, từ công chức cho đến thợ cắt tóc, tài xế taxi, sinh viên hay người về hưu…

Trung Quốc: Khi người dân

Thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể giảm đến 35%. Mua và bán chứng khoán thời gian qua là niềm vui của người Trung Quốc với số lượng người tham gia hiện nay chiếm đến 80% các hoạt động giao dịch. Báo Libération của Pháp mới đây cho hay, ước tính Trung Quốc có đến 90 triệu người chơi chứng khoán, còn đông hơn cả số đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đọc E-paper

Riêng trong năm 2014, chứng khoán đã tạo cơ hội cho hơn 1 triệu người trở thành “triệu phú nhân dân tệ”.

Tờ báo đánh giá người dân Trung Quốc “nghiện” chơi chứng khoán, bởi vì hiện tượng này tác động lên mọi thành phần xã hội, từ công chức cho đến thợ cắt tóc, tài xế taxi, sinh viên hay người về hưu…

Trung Quốc chính thức đưa vào hoạt động các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến vào năm 1990, đến năm 2007 thì người dân bắt đầu ồạt đầu tư vào hoạt động này, vào lúc mà niềm hân hoan chuẩn bị đón Thế vận hội Olympic lan tỏa khắp xã hội Trung Quốc và thúc đẩy mức tăng trưởng.

Giờ đây tại Trung Quốc, chơi chứng khoán như là một môn thể thao quốc gia, mà tiếng lóng được gọi là “sao cổ”, nghĩa là bán đi rồi mua lại các cổ phiếu một cách nhanh chóng, đôi khi diễn ra trong cùng một ngày.

Tại Trung Quốc, lượng hoạt động giao dịch do các nhà mua bán trung gian chuyên nghiệp trên các sàn giao dịch chỉ chiếm 0,01%, thấp hơn cả trăm lần so với Hongkong (1%) và 200 lần tại Mỹ (2%).

Đối với các hộ gia đình Trung Quốc, hoạt động mua bán chứng khoán trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi smartphone ra đời, cùng với các ứng dụng môi giới miễn phí của các tập đoàn lớn.

Lượng giao dịch của các nhà đầu tư chứng khoán nhỏ này chiếm đến 80% hoạt động mua bán chứng khoán thường nhật tại Trung Quốc.

Ngoài việc giải trí, đối với nhiều người dân Trung Quốc, chơi chứng khoán còn là phương cách kiếm thêm thu nhập, đặc biệt đối với những lao động trẻ tuổi có bằng cấp nhưng thu nhập thấp, hay những người có lương hưu ít ỏi, những người bị thất thu do khủng hoảng địa ốc…

Nhìn chung, việc thiếu vắng một hệ thống an sinh xã hội đã đẩy những người tầng lớp nghèo này lao vào trò chơi may rủi.

Thế nhưng, với sự sụp đổ sàn chứng khoán trong ba tuần liên tiếp, hơn 2.700 tỷ USD ảo đã tan thành mây khói. Người chịu thiệt hại nặng nề nhất lại là số các nhà đầu tư nhỏ này. Nhiều người không những mất số tiền ảo mà cả tiền thật, do đã thế chấp tài sản để lao vào cuộc chơi may rủi.

Trong tuần qua, một nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Bloomberg là Công ty tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF) đang giữ trong tay lượng vốn sẵn có lên tới 3.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 483 tỷ USD.

Đây là số vốn sẵn sàng được tung ra để cứu thị trường chứng khoán Trung Quốc trong trường hợp cần thiết. Số tiền trên đến từ quỹ cho vay lại của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC); hạn mức tín dụng với các ngân hàng thương mại; do CSF vay trên thị trường liên ngân hàng; và trái phiếu và tín phiếu ngắn hạn do CSF phát hành.

Được biết, số tiền 483 tỷ USD được sử dụng để hỗ trợ thanh khoản cho các công ty môi giới và để mua vào cổ phiếu khi cần.

Thông tin trên đã giúp thị trường chứng khoán nước này tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 17/7.

Tuy vậy, bất chấp sự phục hồi này, giới chuyên gia quốc tế vẫn đang tỏ ra bi quan về thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ông George Magnus, một cố vấn kinh tế độc lập cấp cao của ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ, nhận định thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể giảm thêm đến 35%.

>Chứng khoán Trung Quốc: Càng cứu càng hoảng loạn

>Chứng khoán Trung Quốc làm chao đảo kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương

>Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhờ... người bỏ học

>Chứng khoán Trung Quốc bất ổn vì... ly hôn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: Khi người dân "nghiện" chơi chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO