Trái đất "béo phì"

THỤY KHA| 15/06/2012 05:05

Béo phì trở thành căn bệnh thời đại khi đang lây lan từ nước giàu sang cả những nước nghèo.

Trái đất

Béo phì trở thành căn bệnh thời đại khi đang lây lan từ nước giàu sang cả những nước nghèo.

Đọc E-paper

Năm 2003 bắt đầu chiến dịch chống lại chất béo của Thị trưởng New York Michael Bloomberg với lệnh cấm uống nước ngọt trong trường. Kết quả là tỷ lệ béo phì ở trẻ em trường công lập đã giảm 5% trong bốn năm qua.

Năm nay, Thị trưởng Bloomberg lại tiếp tục đưa ra lệnh khống chế dung tích chai của các hãng sản xuất nước ngọt. Đây là nỗ lực mới nhất của cuộc chiến chống lại bệnh béo phì liên quan đến con số 5.000 người thiệt mạng mỗi năm tại New York.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ là quốc gia có số người béo phì cao nhất thế giới. Khoảng hai phần ba người dân Mỹ mắc chứng thừa cân và một phần ba hoàn toàn béo phì.

Tuy nhiên, căn bệnh này tại Mỹ và các nước phát triển lại có xu hướng lây lan sang các nước đang phát triển. Hiện tại, tỷ lệ người dân ở Panama, Ả Rập Saudi và 6 quốc gia đảo Thái Bình Dương bị béo phì còn cao hơn tại Mỹ.

Bệnh béo phì ở các nước nghèo là một “điểm mốc mới” trong lịch sử: Sau nhiều thế kỷ nhân loại thiếu thực phẩm, thế kỷ XXI lại chứng kiến nỗi lo sợ do ăn quá nhiều thức ăn. Từ 1980-2008, theo WHO, tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới tăng gấp đôi.

Một nghiên cứu gần đây trong tạp chí y học Lancet kết luận rằng, trong năm 2008, khoảng 146 triệu người lớn trên toàn cầu bị thừa cân và 502 triệu người béo phì. Khoảng một nửa dân số trưởng thành ở Brasil, Nga và Nam Phi thừa cân và khoảng 8% người dân châu Phi bị béo phì.

Theo lý thuyết của nhà kinh tế học Amartya Sen, nhận giải thưởng Nobel giải thích về nguyên nhân của nạn đói, chúng ta đã biết giải pháp cho nạn đói rất đơn giản: đó là đảm bảo cho người nghèo có đủ tiền để mua thức ăn. Khi số người thu nhập ít hơn 1,25USD/ngày giảm một nửa kể từ 1990, số người bị đói và suy dinh dưỡng cũng giảm tương ứng.

Nghiên cứu của Lancet cho thấy, mối quan hệ giữa thu nhập và tình trạng dinh dưỡng bị phá vỡ sau khi một quốc gia đạt mức thu nhập trung bình là 5.000USD. Khi một quốc gia vượt qua ngưỡng thu nhập này, phần lớn người dân sẽ đủ ăn và diễn ra sự lựa chọn “ăn quá nhiều”.

Cần biết là thu nhập trung bình hiện nay của Ấn Độ là 3.700USD, Indonesia là 4.700USD và Trung Quốc là 8.400USD. Như vậy, những quốc gia đông dân nhất thế giới cũng sẽ sớm vượt qua ngưỡng đủ ăn để bước vào giai đọan “ăn quá nhiều”.

Thách thức y tế thế giới trong vòng 50 năm tới sẽ không phải là ngăn chặn nạn đói hàng loạt, mà là làm thế nào tránh được nạn béo phì lan rộng. Đại dịch béo phì toàn cầu là một vấn đề phức tạp hơn so với cuộc chiến giảm đói nghèo trong quá khứ.

Đặc biệt khi các nước nghèo đang trở nên giàu có hơn và sự giàu này thu hút các nhà tiếp thị và các công ty thực phẩm. Không phải vô cớ mà những thị trường có McDonald’s lại có tỷ lệ người dân béo phì cao.

Vì thế, chứng béo phì đang là “nghịch cảnh” đối với Liên Hiệp Quốc vì thế giới hiện vẫn còn 1 tỷ người suy dinh dưỡng. Vấn đề ở đây không phải là không thể sản xuất đủ lương thực cho con người, mà là do sự yếu kém của mạng lưới phân phối thực phẩm.

Khi nói đến hệ thống phân phối thực phẩm, ít ai biết rằng một phần ba lương thực bị lãng phí, hư hỏng trước khi đến người tiêu dùng hoặc bị vứt bỏ sau đó. Cải thiện cách bảo quản, phân phối lương thực, tiếp tục tăng năng suất nông nghiệp... sẽ đảm bảo bền dân số thế giới đủ ăn, thậm chí ngay cả khi dân số thế giới vượt qua 9 tỷ người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái đất "béo phì"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO