Tổng nợ toàn cầu vượt mức 100 nghìn tỉ USD

B.TRỊNH theo Bloomberg/DNSGCT| 22/03/2014 00:23

Tổng số nợ trên toàn cầu đã gia tăng 40% lên mức 100 nghìn tỉ USD kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xuất hiện tháng 9/2008.

Tổng nợ toàn cầu vượt mức 100 nghìn tỉ USD

Tổng số nợ trên toàn cầu đã gia tăng 40% lên mức 100 nghìn tỉ USD kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xuất hiện (9-2008). Đó là do chính phủ các nước tung tiền ra nhằm vực dậy nền kinh tế nội địa thoát khỏi suy thoái, còn các doanh nghiệp thì tận dụng cơ hội để vay tiền với lãi suất rất thấp.

Đọc E-paper

Người dân New York (Mỹ) xuống đường phản đối việc cắt giảm ngân sách của chính phủ

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS tại Basel (Thụy Sĩ), số nợ vay tại các nước đã tăng thêm 30 ngàn tỉ USD, từ mức 70 ngàn tỉ USD (giữa năm 2007) lên 100 ngàn tỉ USD vào giữa năm 2013. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu lại giảm 3,86 ngàn tỉ USD, xuống còn 53,8 ngàn tỉ USD trong cùng thời gian ấy.

Con số nợ tăng thêm ấy xấp xỉ hai lần GDP của nước Mỹ. Kể từ năm 2007, việc đi vay bắt đầu tăng khi ngân hàng trung ương các nước liên tục cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng, đặc biệt sau khi thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ sụp đổ cùng với sự kiện ngân hàng đầu tư Lehman Brothers Holdings Inc. phá sản. Thời điểm ấy, lãi suất của các loại trái phiếu, chính phủ lẫn doanh nghiệp, đồng loạt giảm xuống mức trung bình 2%, thay vì con số 4,8% của nửa đầu năm 2007.

Với việc mở rộng chi tiêu những năm gần đây, các chính quyền (cả trung ương lẫn địa phương) trở thành những người vay nợ nhiều nhất. Nợ chưa thanh toán của chính phủ Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 12 ngàn tỉ USD, từ con số 4,5 ngàn tỉ USD cuối năm 2007, theo số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ. Doanh số trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2007-2013 cũng tăng lên mức 21 ngàn tỉ USD.

Những khoản nợ khổng lồ sẽ khiến giới đầu tư quốc tế tránh đầu tư trong khi các chính phủ lại đang tiến hành chính sách thắt lưng buộc bụng, bao gồm cắt giảm chi tiêu, tăng thuế để giảm nợ. Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), nếu loại bỏ nợ lãi, thâm hụt ngân sách cơ bản của nhóm G7 đã lên mức 5,1% vào năm 2010 và sẽ giảm xuống 1,2% trong năm nay.

Số liệu từ Barclays Plc tại London cũng cho thấy, sau khi “vung tay quá trán” trong chi tiêu suốt giai đoạn 2007-2009, chính phủ các nước đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách giai đoạn 2010-2013 đã được chính phủ Mỹ cắt giảm còn là 3,5% và khu vực sử dụng đồng euro còn 3,3% GDP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng nợ toàn cầu vượt mức 100 nghìn tỉ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO