Tin tốt và tin xấu

LAM HỒNG| 03/12/2013 02:04

Thời điểm cận kề để đưa ra quyết định ký kết hàng loạt các thỏa thuận tự do thương mại quan trọng, đặc biệt là đàm phán Doha, nhưng chưa có gì là rõ ràng hoặc nửa vời.

Tin tốt và tin xấu

Thời điểm cận kề để đưa ra quyết định ký kết hàng loạt các thỏa thuận tự do thương mại quan trọng, đặc biệt là đàm phán Doha, nhưng chưa có gì là rõ ràng hoặc nửa vời.

Đọc E-paper

Các tin tốt là có rất nhiều hoạt động. Trong tháng 2, Mỹ công bố kế hoạch đầy tham vọng là Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với châu Âu. Tên của hiệp định này giống như chuỗi nối dài của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), kết nối các nền kinh tế Thái Bình Dương, trong đó Nhật Bản.

Các cuộc đàm phán TTIP nếu thành công cũng có thể trở thành tấm gương và dùng làm tiêu chuẩn tham khảo cho phần còn lại của thế giới bởi quy mô hoành tráng mà hai bờ Đại Tây Dương gộp lại. Mỹ và EU hiện là những đối tác thương mại vàđầu tư quan trọng nhất của nhau. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều, năm 2012, lên tới 500 tỷ euro. Theo thẩm định của Ủy ban Châu Âu, với hiệp định tự do mậu dịch nói trên, GDP hằng năm của EU sẽ tăng thêm khoảng 0,5% so với hiện tại.

Theo AFP, ngày 21/11, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy cho biết Trung Quốc và EU đã bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đầu tư lịch sử, một động thái tích cực trong bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai bên. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi nước này là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 là 546 tỷ USD, trong đó, thặng dư nghiêng mạnh về phía Trung Quốc.

Quan trọng hơn cả vẫn là sự hồi sinh của vòng đàm phán Doha về thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau khi thất bại vào năm 2008, vòng đàm phán này được nối lại vào năm ngoái với mục tiêu hoàn thành một thỏa thuận trong năm nay. Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo hy vọng bộ trưởng thương mại các nước sẽ ký kết một gói các cải cách vào tháng 12.

Hiện những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán đang được đặt sang một bên để tập trung vào những khía cạnh có thể đạt được sự đồng thuận như tạo thuận lợi cho thương mại, nông nghiệp và phát triển.

Thỏa thuận thương mại toàn cầu bao hàm một số vấn đề, trong đó lớn nhất là tạo thuận lợi cho thương mại. Việc tạo thuận lợi cho thương mại gồm việc chuẩn hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, những biện pháp ước tính sẽ giúp giảm 10% chi phí thương mại cho các nước phát triển và 14% cho các nước đang phát triển.

Tin xấu là các cuộc đàm phán chỉ đạt được "các bản vá lỗi thô”. Cả TPP và Doha đều phải đưa ra kết luận vào tháng tới, nên các chi tiết khó khăn nhất không thể trì hõan. Mối đe dọa của sự thất bại trong vòng đàm phán Doha là nghiêm trọng nhất. Các thành viên của WTO đã không nhất trí về bất kỳ kế hoạch cắt giảm thuế quan hoặc các rào cản thương mại khác kể từ khi thành lập vào năm 1994.

Bộ trưởng thương mại các nước đầu tháng 12 sẽ gặp nhau tại Bali, Indonesia, trong lý thuyết là để ký kết thỏa thuận. Tuy nhiên, các nhà đàm phán vẫn đang bất hòa sâu sắc. Một số nước đang phát triển lo ngại rằng không thể sửa đổi các thủ tục hải quan theo tiến độ yêu cầu.

Nông nghiệp là một trở ngại lớn nhất với rào cản mang tên "an ninh lương thực". Sau khi giá thực phẩm tăng gần đây, nhiều nước đang phát triển vội vàng thực hiện các khoản trợ cấp nông nghiệp mới để khuyến khích nông dân canh tác nhiều hơn. Việc này có khả năng phá vỡ quy định của WTO, trong đó, quy định các khoản trợ cấp không được vượt quá 10% tổng giá trị sản xuất.

Tuy nhiên, một nhóm các nước đang phát triển do Ấn Độ dẫn đầu muốn sửa đổi các quy tắc về trợ cấp theo hướng có lợi cho các nước nghèo. Trong khi đó, các nước giàu, đặc biệt là Mỹ, lo ngại sự tràn ngập của nông phẩm từ các nước như Ấn Độ.

Một nhân nhượng tạm thời có thể xoa dịu cuộc xung đột. Các nước giàu có thể đồng ý với một điều khoản kéo dài ba hoặc bốn năm. Bởi vì họ hiểu rằng, Doha thất bại lần nữa sẽ gây mất uy tín trầm trọng của WTO trong vai trò một diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương mại đa phương. Đến lượt nó, sẽ làm cho nó nhiều khả năng giao dịch khu vực hoặc song phương dẫn đến sự ngưng trệ của hệ thống thương mại toàn cầu.

Vòng đàm phán Doha đã liên tục rơi vào tình trạng bế tắc. Điều này đã buộc Mỹ phải thúc đẩy các hiệp định thương mại khu vực ngoài khuôn khổ WTO. Cùng với TPP, Mỹ đã khởi động các cuộc đàm phán về TTIP và coi đây là những "Hiệp định thương mại thế kỷ”. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã hy vọng rằng Quốc hội Mỹ sẽ trao quyền "xúc tiến thương mại" trong năm nay.

Tuy nhiên, vừa qua các thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama đưa vấn đề "thao túng tiền tệ” ra bàn bạc tại các cuộc thảo luận về TPP. Điều này bắt nguồn từ việc các nhà sản xuất của nước Mỹ (đặc biệt là các công ty sản xuất xe hơi) tức giận vì đồng yên Nhật hạ giá dưới chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Shinzo Abe.

Nếu chính quyền Obama đầu hàng trước áp lực của Quốc hội Mỹ thì tiến trình đàm phán ký kết TPP sẽ khó tiến tới đích như kế hoạch. Trong khi đó, một số quốc gia đang tham gia các cuộc đàm phán TPP lại e ngại rằng Hoa Kỳ sẽ sử dụng hiệp định này để áp đặt các quy định về mở rộng bản quyền và bằng sáng chế lên các đối tác thương mại nhằm bảo vệ các doanh nghiệp và các nhà sáng chế của nước này. Đây là vấn đề đặc biệt nhạy cảm với các nền kinh tế đang phát triển. Trong những tháng gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đã "bật đèn xanh" để Trung Quốc tham gia đàm phán TPP. Bắc Kinh đã có phản hồi, khẳng định họ sẽ phân tích một cách cẩn trọng khả năng tham gia TPP.

Mặc dù vậy, theo phần lớn các chuyên gia kinh tế, khả năng Trung Quốc tham gia TPP tại thời điểm hiện nay không cao vì vẫn hoài nghi Washington.

Chuyên gia Zhang Yunling của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định: "Mỹ có thể không thực sự hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia vào TPP bởi quy mô khổng lồ của thị trường nước này sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ trong việc định hình các quy tắc thương mại mới trong TPP".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin tốt và tin xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO