Thống nhất Triều Tiên: Ước mơ vĩ đại, núi tiền khổng lồ

HẠO NHIÊN| 01/09/2010 05:52

Nửa thế kỷ vẫn còn nguyên ước mơ thống nhất bán đảo Triều Tiên. Dù tiền không phải là tất cả nhưng ước mơ vĩ đại này phải trả bằng một khoản tiền khổng lồ, từ 500 tỷ USD đến hơn 2 nghìn tỷ USD.

Thống nhất Triều Tiên: Ước mơ vĩ đại, núi tiền khổng lồ

Nửa thế kỷ vẫn còn nguyên ước mơ thống nhất bán đảo Triều Tiên. Dù tiền không phải là tất cả nhưng ước mơ vĩ đại này phải trả bằng một khoản tiền khổng lồ, từ 500 tỷ USD đến hơn 2 nghìn tỷ USD.

Một biên giới bằng tiền

Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã bất ngờ đưa ra phương án ba bước tiến đến thống nhất Triều Tiên. Hành động này ngay lập tức khiến nhiều người dân Hàn Quốc nghĩ đến một vấn đề nan giải lâu nay khi đề cập chuyện tái hợp liên Triều, đó là chi phí khổng lồ để hợp nhất hai nền xã hội phát triển theo hai cực khác nhau.

Biên giới CHDCND Triều Tiên

Với hơn 60 năm chia cắt trong tình trạng trao đổi liên Triều ở mức hết sức giới hạn, miền Nam và miền Bắc có sự khác biệt rõ rệt về thu nhập, tiêu chuẩn sống và nhiều lĩnh vực khác.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, hiện nền kinh tế Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên nhỏ hơn Nam Triều Tiên đến 38 lần, và tính theo thu nhập bình quân trên đầu người thì nhỏ hơn khoảng 18 lần.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người tại miền Bắc vào khoảng 1.000 USD/năm, trong khi dân miền Nam trung bình kiếm đến 20.000 USD/năm. Tại Hàn Quốc, số trẻ sơ sinh tử vong khi chưa được một tuổi là không đến 5/1.000, so với CHDCND Triều Tiên là 51 trẻ.

Người miền Nam sống thọ hơn người miền Bắc đến hơn 15 năm. Tuổi thọ dự tính ở miền Nam là 78,7 tuổi so với 63,8 tuổi ở miền Bắc. Hơn 95% hộ gia đình ở Hàn Quốc truy cập được internet băng thông rộng, trong khi không có số liệu chính thức tại CHDCND Triều Tiên.

Theo đề nghị của Tổng thống Lee Myung-bak, Chính phủ Hàn Quốc đang lên kế hoạch chuẩn bị nguồn quỹ cho quá trình hợp nhất.

Chúng tôi sẽ thiết kế lộ trình (cho kế hoạch áp dụng thuế thống nhất) và sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, cũng như giới học giả, chuyên gia và quốc hội để xúc tiến quá trình này”, báo Chosun Ilbo dẫn lời Chun Hae-sung, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất.

Và nhiệm vụ đầu tiên là phải tính toán được chi phí của việc thống nhất. Theo Bộ này, con số ước tính phải bao gồm toàn bộ chi phí cần thiết, từ việc hợp nhất hai hệ thống chính trị khác biệt đến hòa hợp và ổn định.

Chính phủ miền Nam đã giao nhiệm vụ trên cho Viện Phát triển Triều Tiên (KDI). Đội ngũ KDI, sẽ phải nộp bản báo cáo sau cùng vào tháng 12, đã tóm tắt công việc của họ trong nửa kỳ đầu cho Tổng thống Lee vào tháng Sáu.

Theo các nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống, nhóm chuyên gia đã tính toán rằng miền Nam phải chi trung bình 10 tỷ USD hàng năm trong khoảng thời gian kéo dài đến 30 năm sau khi thống nhất, nếu mọi chuyện diễn ra êm xuôi theo như kế hoạch ba bước của ông Lee.

Trong trường hợp có chuyển biến bất ngờ trong nội bộ miền Bắc, chi phí cho ba thập niên sẽ tăng đến 72 tỷ USD. Tổng cộng chi phí cho cuộc thống nhất ngay lập tức này sẽ là 2,14 nghìn tỷ USD tính đến năm 2040. Điều này có nghĩa là mỗi người dân Hàn Quốc phải gánh khoảng 43,2 triệu USD.

Tổng số tiền trên bao gồm luôn chi phí ước tính cho việc quản lý khủng hoảng trong giai đoạn ban đầu của quá trình thống nhất, như thực phẩm cứu trợ khẩn cấp và thiết bị y tế cho miền Bắc.

Ví dụ, nếu toàn bộ người dân miền Bắc được nhận viện trợ lúa gạo trong hai tháng, có nghĩa là số ngũ cốc cần mỗi ngày vào khoảng 13.000 tấn cho 23 triệu người tại miền Bắc. Như vậy, phải cần đến 500 triệu USD, bao gồm phí vận chuyển và phí phát sinh, để cung cấp 700.000 tấn bắp với giá 420 USD/tấn trong hai tháng.

Thiết bị y tế và thuốc men cũng cần thêm 250 triệu USD, trong khi chi phí vật dụng thường ngày cũng chiếm ít nhất 50% tiền thực phẩm. Bên cạnh đó còn có các chi phí dành cho sự thống nhất các hệ thống chính trị, quân đội, kinh tế và xã hội. Đơn cử chuyện cung cấp đồng phục chung cho binh lính hai miền cũng tốn khối tiền. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là hợp nhất tiền tệ.

Những giả định cho giấc mơ hòa bình

Sau khi nước Đức thống nhất, Tây Đức cho phép dân Đông Đức đổi ngang tiền, mặc dù tỷ giá hối đoái chính thức lúc đó của tiền Đông Đức chỉ bằng 1/3 tiền Tây Đức, chưa kể là tỷ giá này còn sụt đến 1/8 ngoài thị trường chợ đen.

Seoul, Hàn Quốc

Khi Đông Đức và Tây Đức tái hợp vào năm 1990, nền kinh tế Đông Đức chỉ gần bằng 1/3 của Tây Đức. Ấy vậy mà Đức phải bỏ ra khoảng 1 nghìn tỷ euro (khoảng 2,57 nghìn tỷ USD) trong hai thập niên kể từ ngày hợp nhất.

Đó là chưa kể số tiền gần 400 tỷ mark Đức (tương đương 230 triệu USD vào năm 1989) mà Tây Đức đã chi vào việc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Ước tính chi phí từ 1990 - 2009 cho công cuộc thống nhất nước Đức đã vượt qua con số 2 nghìn tỷ euro.

Bài học từ nước Đức đã khiến Hàn Quốc bắt đầu nghiên cứu chi phí thống nhất vào năm 1990, nhưng không có gì phải ngạc nhiên khi các chuyên gia đưa ra nhiều con số khác nhau, chưa kể đến tính toán của chính phủ. Con số do phía tư nhân đưa ra dao động từ 50 tỷ USD đến 5 nghìn tỷ USD.

Trong năm nay, Rand Corp., một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, dự đoán cần phải chi khoảng 62 tỷ USD để nâng GDP miền Bắc lên gấp đôi trong vòng 5 - 6 năm, nhưng con số này sẽ là 1,7 nghìn tỷ USD nếu muốn nâng GDP miền Bắc lên ngang tầm với miền Nam.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung vào năm 2005 ước tính chi phí này sẽ là 546 nghìn tỷ won (khoảng 456 nghìn tỷ USD), trong khi kết luận của Goldman Sachs vào năm 2009 là 1,7 nghìn tỷ won (khoảng 1,4 nghìn tỷ USD). Hồi năm ngoái, Viện Tài chính công Triều Tiên đã dự đoán chi phí thống nhất sẽ chiếm từ 7 - 12% GDP hằng năm của Hàn Quốc và kéo dài ít nhất một thập niên kể từ ngày hợp nhất.

Mặc dù các chuyên gia có nhiều khác biệt trong tính toán, nhưng tất cả cùng đồng ý rằng, nếu để càng lâu thì chi phí này càng tăng do miền Nam ngày càng giàu thêm, còn miền Bắc càng bị rớt lại đằng sau, một phần do các chính sách cấm vận nhiều tầng của Mỹ và đồng minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thống nhất Triều Tiên: Ước mơ vĩ đại, núi tiền khổng lồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO