Thị trường gạo châu Á: Lỗi hệ thống

HÀ CÚC| 19/11/2015 01:40

Bằng nhiều chính sách can thiệp vào thị trường lúa gạo, chính phủ các nước ở châu Á khiến cho người dân của mình nghèo hơn và chịu giá gạo đắt đỏ hơn.

Thị trường gạo châu Á: Lỗi hệ thống

Bằng nhiều chính sách can thiệp vào thị trường lúa gạo, chính phủ các nước ở châu Á khiến cho người dân của mình nghèo hơn và chịu giá gạo đắt đỏ hơn.

Đọc E-paper

Theo The Economist, gần 16% của 250 triệu người dân Indonesia sống với thu nhập khoảng 1,9 USD một ngày, cao hơn 6% trong tổng số 15 triệu dân Campuchia. Ở cả hai nước này, lúa là cây trồng chủ lực, cung cấp hơn một nửa lượng calo hằng ngày của người nghèo. Tuy nhiên, người nghèo Campuchia có một lợi thế khác biệt: giá gạo bình quân ở Campuchia là khoảng 0,4 USD/kg, trong khi ở Indonesia đã gần 0,7 USD.

Có một vài lý do giải thích tại sao giá gạo ở Indonesia đắt hơn ở Campuchia. Indonesia là một nước nhập khẩu ròng gạo, trong khi Campuchia sản xuất lúa gạo nhiều hơn so với nhu cầu. Indonesia cũng là một quần đảo xa xôi với cơ sở hạ tầng rất hạn chế, làm tăng chi phí vận chuyển. Nhưng David Dawe, chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), đã phát hiện ra rằng chi phí vận chuyển chỉ một phần nhỏ của sự chênh lệch về giá cả. Thay vào đó, thủ phạm chính là chính sách.

Giống như nhiều nước châu Á, Indonesia muốn tự cung cấp lúa gạo. Nhưng khi cố gắng hỗ trợ nông dân cạnh tranh thông qua nhiều khoản đầu tư vào nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, chính phủ nước này, và nhiều nước khác trong khu vực, đã thao túng thị trường lúa gạo thông qua nhiều khoản trợ cấp, thuế quan và các cơ chế hỗ trợ khác cho các nhà sản xuất trong nước. Những biện pháp này, mặc dù cũng thiện ý, nhưng cuối cùng lại khiến người tiêu dùng phải mua gạo với giá cao hơn thực tế và gây hại cho những người nghèo nhất trong khu vực.

Châu Á tiêu thụ 90% lượng gạo của thế giới. Nhưng gạo không chỉ là một thực phẩm trụ cột mà là biểu tượng tôn giáo và văn hóa trên khắp lục địa. Vì thế, lúa gạo chiếm vị trí về chính trị quan trọng hơn bất kỳ thực phẩm khác. Việc áp dụng sớm giống lúa đặc biệt trong một thời gian ngắn của cuộc Cách mạng Xanh đã giúp Indonesia và Philippines tự túc gạo trong năm 1980, nhưng đến nay họ đã phải nhập khẩu. Bởi vì, Indonesia, Malaysia và Philippines thiếu những vùng rộng lớn bằng phẳng để sản xuất lúa gạo quy mô lớn hơn.

Nhiều chính phủ lo ngại khi chứng kiến đợt tăng giá gạo vào năm 2007-08 nên gấp rút xây dựng chiến lược sản xuất lúa gạo để không phụ thuộc vào thị trường quốc tế nhiều biến động. Trong thực tế, thị trường lúa gạo khá ổn định: sản xuất phần lớn đáp ứng được tốc độ tăng trưởng dân số ở châu Á.

Nhưng giá gạo thế giới có nhiều biến động so với hai mặt hàng lương thực chủ lực toàn cầu khác là lúa mì và ngô. Giá lúa mì tăng do thời tiết gây ra tình trạng thiếu hụt và giá ngô tăng do nhu cầu cho sản xuất ethanol. Trong khi đó, giá lúa gạo tăng mạnh chủ yếu do tâm lý và chính sách của nhiều chính phủ.

Chẳng hạn, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, ngay lập tức, giá gạo trên thị trường quốc tế tăng vọt. Philippines mua một lượng lớn gạo Việt với giá cao hơn thị trường khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng giá. Thái Lan hạn chế xuất khẩu và tạo ra một cartel xuất khẩu gạo như mô hình OPEC, với các thành viên: Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Giá gạo không giảm cho đến nửa sau của năm 2008, khi Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và chi phí vận chuyển dầu cũng bắt đầu giảm.

Đây là những bài học cho thấy sự nguy hiểm của chính sách can thiệp vào thị trường lúa gạo. Nhưng các chính phủ tiếp tục can thiệp bằng các rào cản thương mại, hỗ trợ giá, trợ cấp lớn về năng lượng, phân bón và thủy lợi, chủ yếu là để giữ giá trong nước ổn định, bảo đảm nguồn cung cấp trong thời gian khủng hoảng và bảo vệ người trồng trong nước.

Chính phủ đóng một vai trò quá lớn ở Indonesia và Philippines, can thiệp trực tiếp vào quota nhập khẩu. Cả hai quốc gia này cũng thiết lập một mức giá sàn cho nông dân và một mức giá trần đối với người tiêu dùng. Việt Nam, một nước xuất khẩu gạo, sử dụng hạn ngạch để hạn chế số lượng gạo xuất khẩu và ổn định giá cả trong nước. Nhưng chính sách này tạo ra một lỗ hổng béo bở cho buôn lậu.

Indonesia cũng đảm bảo mức giá sàn và trần, duy trì một chương trình chi tiêu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm để phân phát gạo trợ cấp cho 16 triệu gia đình. Nhưng đề án này bị cáo buộc có tham nhũng và nhiều gia đình bán gạo lại cho thương nhân. Năm nay, một nghiên cứu của OECD cho thấy chính sách can thiệp của Indonesia khiến giá gạo nước này cao hơn 60% so với trên thị trường thế giới.

Năm 2012, Thái Lan lên một kế hoạch mua gạo từ nông dân với giá cao hơn thị trường, tích trữ để đẩy giá trên thị trường toàn cầu (tại thời điểm Thái Lan là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới). Kế hoạch này không thành công khi Ấn Độ mở rộng xuất khẩu, khiến Thái Lan thiệt hại khoảng 16 tỷ USD, tồn kho hơn 13 triệu tấn gạo. Đến nay, nhiều nông dân vẫn chưa nhận được tiền thanh toán...

Các chính phủ thường biện minh cho việc giữ giá cao với lý do nó sẽ giúp nông dân trồng lúa. Thực tế, hầu hết các lợi ích cộng dồn vào những nông dân giàu nhất, những người có gạo dư thừa nhất để bán và thương nhân. Hàng trăm triệu nông dân nghèo khác không có cơ hội hưởng lợi ích từ giá gạo cao trong một vòng tròn luẩn quẩn.  

>Giá lương thực cao: Họa hay phúc?

>Trung Quốc: An ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng

>Giá lương thực thế giới giảm xuống mức thấp nhất 15 năm qua

>Thế giới đang lãng phí 1,3 tỷ tấn lương thực hàng năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường gạo châu Á: Lỗi hệ thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO