Thị trường dầu mỏ thế giới: Vấn đề Iran

HÀ CÚC| 30/03/2012 01:24

Thị trường dầu thô thế giới đang chờ đợi điều gì sẽ xảy ra với thị trường dầu mỏ khi lệnh trừng phạt kinh tế Iran được áp dụng ở quy mô toàn cầu.

Thị trường dầu mỏ thế giới: Vấn đề Iran

Thị trường dầu thô thế giới đang chờ đợi điều gì sẽ xảy ra với thị trường dầu mỏ khi lệnh trừng phạt kinh tế Iran được áp dụng ở quy mô toàn cầu.

Các nước phương Tây tiếp tục đe dọa trừng phạt nếu Iran không chấm dứt chương trình hạt nhân mà những nước này cho rằng được tiến hành nhằm phát triển vũ khí. Trước khi Liên minh Châu Âu thực sự áp dụng các lệnh cấm vận với Tehran, “vấn đề Iran” đã làm giá dầu vọt lên 10USD mỗi thùng.

Ông Sergey Pravosudov, Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Mỹ, nhận định: “Iran là một trong số các nhà cung cấp dầu chủ chốt của thị trường thế giới, do đó, từ chối nguồn dầu từ quốc gia này là điều rất phức tạp”.

Mỹ gây sức ép toàn cầu từ chối mua dầu mỏ Iran nhằm làm sụp đổ ngân sách quốc gia và nền kinh tế Iran. Nhưng thị trường thế giới sẽ ra sao nếu thiếu dầu mỏ Iran?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo việc phương Tây tiến hành cấm vận dầu mỏ song song với cấm vận tài chính Iran sẽ đẩy giá dầu tăng 20-30%, gây cú sốc với thị trường quốc tế mà hậu quả sẽ tồi tệ như cuộc chiến Libya năm ngoái gây ra.

Ngày 19/2, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran tuyên bố nước này đã ngừng xuất khẩu dầu thô cho các công ty Anh và Pháp. Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ, Iran xuất khẩu 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, 18% trong số đó được đưa tới các thị trường châu Âu.

Các biện pháp trừng phạt Iran hiện nay ảnh hưởng không chỉ tới châu Âu mà cả khu vực châu Á. Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc chiếm khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Iran.

Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng áp lực lên các nước này nhằm lôi kéo châu Á tham gia vào lệnh cấm vận chương trình phát triển hạt nhân của Iran.

Nhật Bản đã công bố giảm 20% khối lượng dầu mỏ mua của Iran trong năm 2012. Trong tháng 2, Trung Quốc cũng giảm mức mua 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàn Quốc cho biết khả năng sẽ đưa chỉ số nhập khẩu dầu thô Iran xuống mức năm 2010. Ấn Độ bày tỏ sẽ thực hiện theo lệnh chế tài chỉ trong trường hợp đó là quyết định từ Tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Trong tháng 1, Ấn Độ nhập khẩu dầu thô của Iran đã tăng 19% so với năm trước. Nhằm gia tăng áp lực, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố: Nhật Bản và 10 nước châu Âu đã đủ điều kiện miễn trừ hình phạt của Mỹ đối với các tổ chức có giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran. Quyền ưu tiên này được thực hiện khi 11 quốc gia này đã giảm đáng kể khối lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran.

Trung Quốc và Hàn Quốc bị loại khỏi danh sách này nên đang có nhiều động thái để giảm bớt áp lực từ Washington. Chiếm khoảng 1/5 lượng xuất khẩu dầu thô của Iran, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Tehran hiện nay.

Tuy nhiên, lượng dầu nhập khẩu trong tháng 2 của Bắc Kinh giảm mạnh đến 290.000 thùng/ ngày, giảm 40% so với năm trước. Lượng nhập khẩu dầu thô của Hàn Quốc từ Iran cũng đã giảm 16% trong tháng 2.

Lượng dầu thô do Iran sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua và có thể tiếp tục giảm khi các biện pháp trừng phạt tiếp tục gia tăng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Tehran sản xuất 3,38 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 2, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2002.

Ông Gary Sick, nguyên cố vấn Nhà Trắng dưới thời hai Tổng thống Ford và Carter nhận định, nếu đẩy Iran đến bước đường cùng, nước này có thể phóng tên lửa đánh phá các bến cảng hoặc các khu lọc dầu ở bờ bên kia Vùng Vịnh, và như vậy sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu dầu của Arập Xêút và Kuwait.

Khoảng 1/4 lượng dầu mỏ toàn cầu, và khoảng 40% lượng dầu xuất khẩu - gồm từ Iraq, Kuwait và Arập Xêút - được vận chuyển qua eo biển này mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường dầu mỏ thế giới: Vấn đề Iran
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO