Thách thức của nước Mỹ khi chính trường chia rẽ

KHẢ HÂN| 17/11/2018 06:39

Kết quả bầu cử giữa kỳ của Mỹ dù đúng như dự báo nhưng vẫn có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thị trường tài chính. Vậy nhà đầu tư kỳ vọng gì vào chính trường và nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới, cũng như những hệ quả nào có thể xảy ra từ kết quả bầu cử lần này, cả ở mặt tích cực lẫn tiêu cực?

Thách thức của nước Mỹ khi chính trường chia rẽ

Một ngày sau khi Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi (phải) kêu gọi sự ủng hộ của các hạ nghị sĩ ủng hộ nỗ lực trở thành Chủ tịch Hạ viện của bà

Những ảnh hưởng tích cực

Sự biến động mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chính trong giai đoạn gần đây, đặc biệt ngay trong ngày bầu cử lưỡng viện giữa kỳ của Mỹ đã phần nào phản ảnh sự khó lường của kinh tế Mỹ trong giai đoạn tới. Dù kết quả bầu cử giữa kỳ đã không nằm ngoài dự báo trước đó, với việc Đảng Dân chủ chiếm thêm được 23 ghế và giành lại quyền kiểm soát hạ viện, trong khi Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump vẫn nắm đa số ghế thượng viện, nhưng những tác động lên các thị trường tài chính vẫn rõ rệt. Không chỉ ảnh hưởng lên thị trường tiền tệ, mà các thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán Mỹ nói riêng cũng có những thời khắc dao động khá mạnh.

Nhìn chung, thị trường vẫn nghiêng về xu thế tiếp tục phục hồi, với các chỉ số chứng khoán Mỹ đánh dấu tuần thứ 2 đi lên trở lại trong tuần qua. Cả giới phân tích và đầu tư đều đồng quan điểm khi cho rằng việc Đảng Dân chủ nắm lại hạ viện sẽ đem lại sự kiểm soát thể chế và cân bằng cần thiết, giúp các chính sách mà Tổng thống Trump đề xuất sẽ được xem xét và cân nhắc kỹ hơn, và điều này tốt cho nền kinh tế Mỹ.

Dù vậy, việc đảng của tổng thống mất quyền kiểm soát hạ viện cũng cho thấy nhiệm kỳ 2 năm còn lại của ông Trump sẽ vô cùng khó khăn. Cuộc điều tra ông Trump và nội các có thể được khởi động trở lại với yêu cầu tổng thống sớm công khai các hồ sơ thuế, song song với việc thúc đẩy sớm thông qua đạo luật bảo vệ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Trước mắt, phe Dân chủ yêu cầu ông Trump phải điều trần về việc sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngay sau khi có kết quả bầu cử.

Và hệ quả tiêu cực

Dù chính trường bị chia rẽ, một số mục tiêu của tổng thống có thể bị tác động trong các lĩnh vực như chi tiêu quân sự, y tế và các thỏa thuận kinh doanh ở nước ngoài, nhưng giới quan sát cho rằng, một số chính sách của Mỹ đã thực hiện gần đây sẽ tiếp tục được duy trì, trong đó vấn đề thương mại với Trung Quốc sẽ không thay đổi quá nhiều dù Đảng Dân chủ có nắm quyền kiểm soát hạ viện.

Với tình thế Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát hạ viện, Đảng Cộng hòa giữ quyền kiểm soát thượng viện, trong khi hạ viện và thượng viện cấu thành nên quốc hội - cơ quan ra quyết định chính của nước Mỹ, và nếu muốn thông qua một đạo luật thì cần phải được lưỡng viện nhất trí. Tuy nhiên, đối với các chính sách thương mại thì quốc hội không có khả năng kiểm soát mà hoàn toàn nằm trong quyền lực của tổng thống.

Do đó, ông Trump sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các chương trình nghị sự trong quyền hạn hành pháp rộng lớn của tổng thống để tác động đến thương mại và an ninh quốc gia, gồm thương mại với Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Iran, khi mà các lĩnh vực khác giờ đây sẽ khó được phê duyệt hơn, đơn cử như việc tiếp tục cắt giảm thuế cho doanh nghiệp - chính sách mà ông Trump đã thực thi trong năm 2017.

Trong trường hợp quốc hội có thể can thiệp các vấn đề về thương mại thì thực tế là cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa được cho là đều ủng hộ lập trường cứng rắn hơn về hành vi thương mại và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu ông Trump muốn áp hàng rào thuế quan lên Liên minh Châu Âu (EU) hoặc rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì Đảng Dân chủ có thể tìm cách can thiệp.

Trong khi đó, việc nền chính trị tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc lại khiến nền kinh tế Mỹ khó thu hút dòng vốn đầu tư, do những quan điểm đối lập và mâu thuẫn của hai đảng có thể khiến các quyết sách trì trệ, thiếu thống nhất và lái nước Mỹ theo một kịch bản không mong đợi.

Đơn cử như việc Đảng Dân chủ sau khi giành quyền sẽ ngăn chặn các chính sách cắt giảm thuế của ông Trump và nỗ lực cứu lấy Đạo luật Chăm sóc y tế đã được ban hành dưới thời Obama (còn gọi là Obamacare) mà đã bị ông Trump tìm cách bãi bỏ trong suốt thời gian qua. 

Dù vậy, những vấn đề về y tế khác như cắt giảm giá thuốc và cải thiện cơ sở hạ tầng có thể được thống nhất đẩy mạnh, khi mà Tổng thống Trump trước đây từng tỏ dấu hiệu sẵn sàng ủng hộ các chính sách điển hình của Đảng Dân chủ như kiểm soát giá đối với dược phẩm hoặc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức của nước Mỹ khi chính trường chia rẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO