Tập Cận Bình quyết thực hiện 'Giấc mơ Trung Quốc'

24/11/2013 00:58

Hội nghị đảng Cộng sản Trung Quốc vừa rồi cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ đích thân chỉ huy cải cách trên cả hai phương diện, gồm điều chỉnh cơ cấu kinh tế và tăng cường quyền lực của đảng.

Tập Cận Bình quyết thực hiện 'Giấc mơ Trung Quốc'

Hội nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa rồi cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ đích thân chỉ huy cải cách trên cả hai phương diện, gồm điều chỉnh cơ cấu kinh tế và tăng cường quyền lực của đảng.

Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình (phải) và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ảnh: Xinhua

Trong cuộc họp Ban chấp hành Trung ương hôm 15/11, Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình công bố kế hoạch cụ thể, giải thích các quyết định về cải cách được thông qua trước đó trong Hội nghị Trung ương ba, khóa 18.

Bản kế hoạch này đề ra 60 nhiệm vụ xoay quanh mục tiêu tự do hóa nền kinh tế ở mức độ phù hợp, cải cách xã hội và hành chính. Truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục đưa tin với cường độ cao, gửi đi hai thông điệp quan trọng: đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cải cách và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đích thân giám sát thực thi.

> Thách thức với Tập Cận Bình: Cải cách hay khủng hoảng?
> Tìm lời giải cho học thuyết Tập Cận Bình
> Ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc
> Khi siêu sao Tập Cận Bình ghi bàn

Bản kế hoạch được công bố dưới hình thức bài phát biểu chỉ đạo của ông Tập. Theo truyền thông nước này, ông là người phụ trách quá trình khởi thảo văn kiện. Động thái này hoàn toàn khác biệt với người tiền nhiệm, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Trong hai nhiệm kỳ của ông Hồ, công việc khởi thảo các văn kiện liên quan đến cải cách kinh tế, xã hội được giao cho cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo.

"Tổng bí thư Tập Cận Bình dành nhiều tâm sức, đọc kỹ từng câu, từng chữ trong mỗi bản thảo mà tổ văn kiện gửi lên và đưa ra rất nhiều ý kiến sửa chữa quan trọng", Tân Hoa xã cho hay trong một bài xã luận gần đây.

Ông Bao Đồng, thư ký của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương cho biết, ông Tập và Ban thường vụ Bộ Chính trị muốn người dân Trung Quốc tin tưởng vào quyết tâm cải cách của đảng, đặc biệt là mục tiêu tăng cường vai trò của yếu tố thị trường trong nền kinh tế.

"Các nhà lãnh đạo thực sự muốn cải thiện tình hình kinh tế hiện tại. Họ hy vọng thông qua việc nâng cao tầm quan trọng và khả năng sáng tạo của thị trường để đạt được mục tiêu trên", New York Times dẫn lời ông Bao.

Ông Cheng Li, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), cho rằng, các mục tiêu cải cách tựu chung lại là nhằm hướng đến thực hiện "Giấc mơ Trung Quốc", một khái niệm mới được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra từ những ngày đầu cầm quyền. Khái niệm này có nội hàm chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc thế giới.

Ông Tập sẽ quản cả kinh tế?

Việc điều hành kinh tế Trung Quốc thường do thủ tướng phụ trách, chủ tịch và tổng bí thư chỉ đưa ra các chỉ đạo mang tính vĩ mô. Tuy nhiên, vai trò của Chủ tịch Tập trong nền kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ lớn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm.

"Kết quả mang tính quyết định của Hội nghị lần này củng cố thêm vị thế của ông Tập Cận Bình. Ông đang dần trở thành nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc trong vòng hơn 10 năm trở lại đây", Christopher Johnson, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho biết.

Một trong những kết quả được chú ý nhiều nhất của Hội nghị Trung ương ba lần này là quyết định thành lập Ủy ban anh ninh quốc gia và Tổ lãnh đạo thúc đẩy cải cách toàn diện. Hai cơ quan mới được cho là sẽ tăng cường vị thế lãnh đạo của ông Tập trong hệ thống chính trị Trung Quốc.

"Việc thành lập hai cơ quan mới chứng tỏ ông Tập có đủ sức ảnh hưởng để có thể đưa ra phương án giải quyết mang tính hệ thống, tránh tình trạng chịu sự cản trở của nhiều khối cơ quan", ông Johnson bình luận.

Theo tờ Quang minh nhật báo, Tổ lãnh đạo sẽ trực thuộc Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổng thể, phối hợp điều hành, xúc tiến và giám sát thực hiện.

Ông Stephen Green, trưởng nhóm nghiên cứu khu vực Trung Quốc thuộc ngân hàng Standard Chartered lại cho rằng, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ phụ trách Tổ lãnh đạo, bởi kinh tế là lĩnh vực phụ trách của thủ tướng. Ông Lý với bằng tiến sĩ kinh tế tại trường đại học Bắc Kinh, được biết đến như thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc được đào tạo bài bản về điều hành kinh tế vĩ mô.

Green cũng đồng ý với quan điểm Trung Quốc cần một cơ quan ở tầm cao nhất phụ trách quán triệt công tác cải cách, tránh tình trạng bất hợp tác từ các cơ quan hành chính.

Ông Bao Đồng cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có thể phụ trách Tổ lãnh đạo, nhằm thể hiện quyết tâm cải cách và sự đoàn kết thống nhất của Trung ương đảng, nhưng Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn sẽ là người chịu trách nhiệm xây dựng dựng và thực hiện các chính sách kinh tế cụ thể.

"Các vấn đề kinh tế quan trọng nhất sẽ được tập trung quyết định tại Tổ lãnh đạo. Tôi cho rằng người phụ trách sẽ không phải là ai khác mà chính là Tổng bí thư Tập Cận Bình", ông Bao kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tập Cận Bình quyết thực hiện 'Giấc mơ Trung Quốc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO