Singapore: Kỷ nguyên hậu Lý Quang Diệu

LAM HỒNG| 16/09/2015 00:43

Cuộc bầu cử sớm của Singapore có ý nghĩa như một cuộc trưng cầu dân ý về phương hướng phát triển của đất nước ở "kỷ nguyên hậu Lý Quang Diệu".

Singapore: Kỷ nguyên hậu Lý Quang Diệu

Cuộc bầu cử sớm của Singapore có ý nghĩa như một cuộc trưng cầu dân ý về phương hướng phát triển của đất nước ở "kỷ nguyên hậu Lý Quang Diệu".

Đọc E-paper

Chiến thắng của hào quang quá khứ

Kết thúc cuộc tổng tuyển cử năm 2015, Đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) đã giành được thắng lợi, bất chấp những dự báo trước đó cho rằng đảng này sẽ gặp nhiều thách thức do các đảng đối lập đang mạnh lên. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, PAP đã giành được 83 ghế trong Quốc hội 89 ghế, sẽ có quyền thành lập chính phủ mới. Sáu ghế còn lại thuộc về đảng đối lập lớn nhất hiện nay là Đảng Công nhân (WP). Đây là lần đầu tiên các ứng viên đối lập tham gia tranh cử tại tất cả các khu vực và đây cũng là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tổ chức sau khi ông Lý Quang Diệu, người sáng lập PAP cũng là cha của thủ tướng đương nhiệm, qua đời.

Kể từ khi Singapore giành độc lập năm 1965, PAP chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử. Thành công của PAP được cho là nhờ uy tín rộng khắp của đảng này, có công đưa một hòn đảo nhỏ bé trở thành một nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, tuy kiểm soát chính trị vẫn chặt chẽ. Thế nhưng sau nửa thế kỷ, chính phủ đang đứng trước nhiều thách thức về kinh tế và xã hội.

Thanh niên Singapore ngày càng mong muốn đa nguyên về chính trị, khiến cho các đảng đối lập nhận được ủng hộ nhiều hơn trong những năm qua. Chiến thắng của PAP được cho rằng đã hưởng lợi từ hai cột mốc trong lịch sử của Singapore. Trước hết, sự ra đi của huyền thoại Lý Quang Diệu là một cơ hội cho người dân quốc đảo nhớ lại thành công kinh tế rực rỡ dưới sự dẫn dắt của PAP kể từ khi lập quốc. Tương tự, lễ kỷ niệm quốc khánh lần thứ 50 của đảo quốc mới đây cũng nhắc nhớ vai trò của PAP trong việc mang lại thịnh vượng cho người dân nước này.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau thời kỳ vận động tranh cử kéo dài 9 ngày, tuy ngắn ngủi nhưng sôi động. Thủ tướng Lý Hiển Long đã quyết định giải tán quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử sớm, bất chấp nhiều lời khuyên "ông nên có thời gian để chuẩn bị trở thành người kế nhiệm".

Ông tự tin cho rằng, cuộc bầu cử năm nay có ý nghĩa như một cuộc trưng cầu dân ý về phương hướng phát triển của đất nước Singapore ở kỷ nguyên hậu Lý Quang Diệu, về những chuẩn mực mà người dân trông đợi ở thế hệ lãnh đạo tương lai, về mong muốn giữ gìn và phát huy những thành quả mà thế hệ tiền bối đã đạt được.

Tuy thắng lợi nhưng thách thức đối với PAP ngày càng nhiều. Nắm quyền kể từ khi Singapore giành quyền tự trị từ Anh vào năm 1959, nhưng hiện uy tín của đảng này đang "sa sút nhất" kể từ sự ra đời của nền độc lập hoàn toàn vào năm 1965.

Chính phủ phải đối mặt với một loạt vấn đề gây ra sự bất bình của người dân: sự bùng nổ dân nhập cư kéo theo những hệ lụy về phương tiện vận tải công cộng, nhà ở, sinh hoạt phí đắt đỏ; phúc lợi, đặc biệt là cho người già còn thấp... Theo dự báo gần đây, nền kinh tế Singapore có thể chỉ đạt tốc độ tăng trưởng từ 2 - 2,5% trong năm 2015. Chính phủ của Thủ tướng Lý cũng phải cố gắng để học cách lắng nghe người dân chứ không phải chỉ đơn giản là áp đặt.

Chiến thắng của mạng xã hội

Singapore đang tận hưởng một cuộc tranh luận truyền thông sôi động trước cuộc tổng tuyển cử, đặc biệt là sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội. Đây là điều bất ngờ vì Singapore đứng thứ 153 trên 180 quốc gia trong năm 2015 trong danh sách Chỉ số tự do báo chí (World Press Freedom Index). Tất cả các báo, đài phát thanh và các kênh truyền hình trong nước đang thuộc sở hữu của các công ty liên kết với chính phủ. Chính phủ thực thi luật xuất bản vô cùng chặt chẽ, trừng phạt những cá nhân vi phạm.

Chẳng hạn, Amos Yee, người đã bị bắt giam sau khi xuất bản một đoạn video chỉ trích cố Thủ tướng Lý và xúc phạm đến tình cảm tôn giáo. Roy Ngerng bị buộc tội phỉ báng vì chỉ trích Thủ tướng Lee Hsien Loong, và Alex Au bị phạt gần 6.000 USD vì "coi thường" ngành tư pháp của đất nước...

Tuy nhiên, cư dân mạng Singapore đã tham gia rộng rãi trong chiến dịch bầu cử vừa qua bằng Twitter và Facebook cũng như nhiều ấn phẩm trực tuyến. Jeanette Chong-Aruldoss của đảng Nhân dân Singapore liên tục giới thiệu những hình ảnh và trải nghiệm của bà sau các cuộc tiếp xúc cử tri, tạo nên hình ảnh một nữ ứng cử viên đầy cống hiến và nỗ lực để giành sự tín nhiệm của người dân. Trong khi đó, Đảng Những người Singapore hàng đầu - một đảng mới thành lập lại chọn mạng xã hội Facebook để giới thiệu những thông cáo báo chí, những cương lĩnh tranh cử.

Bản thân Thủ tướng Lý cũng là một trong những nhà lãnh đạo thế giới có hoạt động trên Facebook sôi nổi nhất. Từ các sự kiện chính trị lớn đến cuộc sống cá nhân cũng đều được ông thường xuyên cập nhật trên Facebook. "Phương tiện truyền thông xã hội đã có tác động rất lớn trên phạm vi bầu cử của Singapore", Jolene Tân, một nhà bình luận xã hội nhận định. Eugene Tan, chuyên gia phân tích chính trị và giáo sư tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết, ảnh hưởng của truyền thông xã hội đã "buộc chính phủ phải nới lỏng kiểm soát phương tiện truyền thông chính thống".

Theo một báo cáo của Deloitte, 9 trong số 10 người Singapore sở hữu smartphone - tỷ lệ cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, gần 10% trong tổng số 2,5 triệu cử tri ở độ tuổi từ 21-25 cũng là điều kiện tạo ra sự bùng nổ truyền thông trực tuyến. Alan Chong, phó giáo sư tại Trường S Rajaratnam Nghiên cứu Quốc tế Singapore cho biết: "Mặc dù phương tiện truyền thông xã hội không thể thay đổi cuộc bầu cử này nhưng nó chắc chắn sẽ có vai trò lớn trong một hoặc hai cuộc bầu cử tiếp theo". 

>Singapore: điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2015

>Singapore đầu tư gần 10 tỷ USD vào BĐS Việt Nam

>Mô hình Singapore của Lý Quang Diệu đã bước vào khúc rẽ

>Singapore và hành trình hóa rồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Singapore: Kỷ nguyên hậu Lý Quang Diệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO