![]() |
Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất, lãnh đạo doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Pháp bày tỏ mong muốn được hợp tác sâu hơn nữa, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, công nghệ cao…
![]() |
Bà Anne-Marie Idrac - Quốc vụ khanh chuyên trách ngoại thương Pháp |
Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, bà Anne-Marie Idrac - Quốc vụ khanh chuyên trách ngoại thương Pháp cho rằng, Việt Nam không chỉ là một đối tác quan trọng mà còn là cửa ngõ để các doanh nghiệp Pháp tiến vào thị trường Đông Nam Á. Sự hiện diện của 250 doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam đã phần nào chứng minh cho sự hợp tác ngày càng mở rộng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Trong năm 2009, Pháp đã dành khoảng 150 triệu Euro cho các hoạt động hợp tác tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2009, Pháp đã có 25 dự án với tổng giá trị 8 triệu đô la Mỹ đầu tư tại Việt Nam. Phát biểu tại Diễn đàn lãnh đạo doanh nghiệp Việt - Pháp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Quy mô dự án mặc dù đã tăng trưởng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Pháp cần phải tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin, khai thác những lợi thế sẵn có mà thị trường Việt Nam và Pháp mang lại”.
Cũng trong khuôn khổ của diễn đàn, đã có 18 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết với tổng giá trị lên tới 9,5 tỷ USD trong các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng, tài chính ngân hàng…Đại diện của Ngân hàng Calyon cho biết, đơn vị này đã ký kết nhiều thỏa thuận tài chính quan trọng trị giá 2,7 tỷ USD với các đối tác như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam, Công ty Thành danh & Titanium Infrastructure, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.
Các khoản tài trợ này của Calyon sẽ được sử dụng cho các dự án khai thác than, quặng kim loại, dầu khí, nhà máy điện, dự án xây dựng một tuyến xe điện mặt đất tại TP.HCM, các dự án phát triển hạ tầng cơ sở viễn thông tại Việt Nam, hợp tác phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực tài trợ có cấu trúc bao gồm tài trợ dự án, hoán đổi phòng ngừa rủi ro tiền tệ, lãi suất, biến động giá cả hàng hóa, cho vay hợp vốn….
Với chủ đề “Tìm mô hình công nghiệp hợp lý nhằm đáp ứng thách thức tăng trưởng”, ông Gérard Worf - Phó Tổng giám đốc quốc tế Tập đoàn Điện lực EDF nhấn mạnh đến việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực để có một đội ngũ lao động có chất lượng cao. Ông Gérard Worf đưa ra một ví dụ, mỗi năm công ty của ông dành hơn 8.000 giờ để đào tạo cho cán bộ công nhân nhà máy điện Phú Mỹ.
Ông cũng đánh giá cao mô hình đào tạo của một số doanh nghiệp Việt Nam như Vietnam Airlines… “Chúng ta không nên trông chờ vào các trường đại học nữa mà doanh nghiệp nên tự mình đứng ra đào tạo. Các doanh nghiệp Pháp sẵn sàng đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ cho các đồng nghiệp của Việt Nam” - ông Frédéric Sanchez (Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt - Pháp) bày tỏ thiện ý.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn được mở rộng hơn nữa các hoạt động hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Pháp. Ông Trần Văn Vinh - Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, đơn vị này cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của BNP Paribas trong OCB lên đến 20% vào thời điểm thích hợp trong năm 2010. Ông Vinh hi vọng thời điểm đó sẽ là vào quý 3 sang năm và mong muốn được hợp tác nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp Pháp, cụ thể là với Ngân hàng BNP Paribas.
Sẽ có những cơ chế hỗ trợ
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Pháp, ông Frédéric Sanchez cho rằng, thị trường Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp hàng đầu Pháp ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới. Ông cho rằng, Việt Nam là thị trường thích hợp nhất cho các doanh nghiệp Pháp đầu tư bởi trình độ, tay nghề của đội ngũ kỹ sư trong nước cũng như cộng đồng Việt kiều ở Pháp làm trong các lĩnh vực này ngày càng được nâng cao.
Đây là điều kiện rất thuận lợi để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam. Tuy nhiên ông Frédéric Sanchez cũng hi vọng chính phủ Việt Nam sẽ tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư của Pháp như: mở rộng các lĩnh vực đầu tư, có cơ chế kinh doanh ổn định, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, tổ chức các diễn đàn trao đổi hợp tác…để các doanh nghiệp Pháp có thể tiến sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam.
Ý KIẾN CỦA BẠN