Sáp nhập để tồn tại

THANH TÂM| 18/12/2009 08:37

Sự vỡ nát của thị trường ô tô toàn cầu đã thúc đẩy các hãng xe sáp nhập, liên kết mạnh mẽ hơn, thậm chí giữa các đối thủ truyền kiếp lâu nay...

Sáp nhập để tồn tại

Sự vỡ nát của thị trường ô tô toàn cầu đã thúc đẩy các hãng xe sáp nhập, liên kết mạnh mẽ hơn, thậm chí giữa các đối thủ truyền kiếp lâu nay...

Tiêu biểu là thỏa thuận giữa hãng xe Mỹ General Motors (GM) và SAIC của Trung Quốc: đầu tư 50:50 vào việc sản xuất và phân phối xe tại Ấn Độ. GM chia sẻ cổ phần tại nhà máy và mạng lưới phân phối tại Ấn Độ. Ngược lại, SAIC bỏ 85 triệu USD mua cổ phần và 350 triệu USD tiền đầu tư. Mục đích riêng của mỗi bên là GM có tiền bù lỗ và SAIC có đường vào thị trường Ấn...

Tổng giám đốc Volkswagen AG's Martin Winterkon và Chủ tịch Suzuki Motor Corp. Osamu Suzuki bắt tay trong một ký kết lịch sử

Ngoài thương vụ giữa Volkswagen và Suzuki, hãng xe lớn thứ hai châu Âu là Peugeot của Pháp (PSA) và hãng Mitsubishi của Nhật cũng đang đàm phán nhằm thắt chặt mối quan hệ. Nếu thành công, PSA sẽ mua 30 - 50% cổ phần của Mitsubishi để giúp hãng này vượt qua khốn khó tài chính. Đổi lại, PSA có thể thâm nhập thị trường Mỹ vốn có của Mitsubishi, giảm sự lệ thuộc vào thị trường châu Âu...

Trong khi đó, theo thỏa thuận, Volkswagen bỏ ra 2,5 tỷ USD để mua 19,9% cổ phần của Suzuki. Ngược lại, Suzuki chi phân nửa số tiền đó để mua cổ phiếu Volkswagen. Chủ tịch Volkswagen Martin Winterkorn hứng khởi tuyên bố rằng: “Ngành công nghiệp xe hơi đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Cùng với nhau, chúng tôi nắm lấy cơ hội phát triển, nhằm đoạt ngôi vị dẫn đầu thế giới”. Volkswagen sản xuất đa dạng các dòng xe, từ ô tô sang trọng đến xe tải bình dân, xe xăng - điện và xe hybrid thân thiện với môi trường.

Trong năm 2008, Công ty có 370.000 công nhân, sản xuất 6,3 triệu chiếc tại 61 nhà máy toàn cầu. Thị trường chủ đạo là Trung Quốc, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu. Suzuki chuyên sản xuất xe hơi nhỏ, giá cả phải chăng, với 51.000 nhân viên, cho ra đời 2,3 triệu xe hơi và 3,1 triệu xe máy tại 35 cơ sở sản xuất. Thị trường Ấn Độ và Nam Á đặc biệt chuộng dùng thương hiệu Suzuki.

Volkswagen và Suzuki như hai mảnh ghép hình hoàn hảo, bao trùm hầu hết mọi dòng xe và thị trường toàn cầu. Suzuki, hãng xe nhỏ chiếm 40% thị trường Ấn Độ, cần vốn để nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, cần đối tác lớn mạnh lấp vào khoảng trống GM (GM và Suzuki thắt chặt quan hệ từ năm 1981, nhưng GM đã bán gần 20% cổ phần Suzuki để huy động tiền mặt năm 2006 và bán nốt 3% còn lại do khủng hoảng tài chính năm 2008). Còn về phía Volkswagen không thể cạnh tranh với Toyota và GM tại thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ. Vậy nên, hãng xe hơi lớn thứ ba thế giới này đã chuyển hướng, đầu tư và phát triển tại thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

Chưa thể biết được diễn biến tương lai, liệu Suzuki có là chi nhánh của Volkswagen, hoặc Mitsubishi có là công ty con của Peugeot- Citroen? Nhưng trước mắt có thể thấy, công nghiệp sản xuất ô tô nói riêng và các ngành kinh tế nói chung đang có những thay đổi bước ngoặt. Liên minh giữa các doanh nghiệp lớn để chia sẻ phí đầu tư, thị trường, và kỹ thuật là con đường ngắn để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng nắm bắt cơ hội và phát triển.

Suzuki dự báo, doanh số toàn cầu của hãng trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2010 sẽ đạt mức 2,3 triệu xe. Volkswagen cho hay, năm nay họ có thể tiêu thụ được tổng số 6,2 triệu xe. Như vậy, tổng mức doanh số dự báo của cả hai hãng xe này vượt mức doanh số dự báo 7 triệu xe của Toyota trong năm tài khóa hiện tại.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sáp nhập để tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO