Samsung và cuộc chuyển giao tỷ đô

LAM HỒNG| 06/12/2014 07:00

Không còn nhận được sự ủng hộ về mô hình công ty đại tổ hợp cổ phần chéo, cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Samsung cũng đi liền với đợt cải tổ sâu rộng Tập đoàn.

Samsung và cuộc chuyển giao tỷ đô

Không còn nhận được sự ủng hộ về mô hình công ty đại tổ hợp cổ phần chéo, cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Samsung cũng đi liền với đợt cải tổ sâu rộng Tập đoàn.

Đọc E-paper

Sau khi Chủ tịch Lee Kun-hee bị một cơn đau hồi tháng 5 vừa qua, gia đình họ Lee nói nhiều hơn đến việc trao quyền thừa kế. Vì thế, việc tái cơ cấu sâu rộng của Samsung Group, tập hợp của khoảng 70 công ty liên kết, được tiến hành nhanh hơn dự kiến.

Sau khi chứng kiến lợi nhuận sụt giảm do mảng di động gặp khó, Samsung đang rốt ráo cải tổ nhằm tối ưu các mảng kinh doanh cốt lõi: điện tử, tài chính và xây dựng.

Theo đó, Samsung sẽ rút dần ra khỏi mảng kinh doanh hóa chất và quốc phòng thông qua việc bán toàn bộ hoặc bán cổ phần các công ty con gồm Samsung Techwin, Samsung General Chemicals, Samsung Total và Samsung Thales cho Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) với giá 1,9 nghìn tỷ won (khoảng 1,7 tỷ USD).

Thương vụ được thực hiện vào đầu năm 2015 và dự kiến hoàn tất trong nửa đầu của năm. Trước đó, Samsung đã sáp nhập bộ phận sản xuất linh kiện điện tử Samsung SDI với bộ phận sản xuất vật liệu công nghiệp của Cheil Industries.

Bộ phận sản xuất thiết bị chip bán dẫn của Techwin cũng đã tách ra hoạt động độc lập. Samsung đã lên kế hoạch sáp nhập 2 công ty Samsung Heavy Industries (đóng thuyền) và Samsung Engineering (xây dựng nhà máy).

Kế hoạch này đổ bể do sự phản đối của các cổ đông, song sẽ sớm được đem ra bàn thảo lại.

Đây là lần đầu tiên kể từ đợt khủng khoảng tiền tệ 1997, Samsung phải bán đi mảng kinh doanh khổng lồ của mình. Vào năm 1997, Samsung đã bán toàn bộ mảng sản xuất ô tô cho Renault (Pháp).

Một giám đốc cao cấp giấu tên của Samsung khẳng định: "Chúng tôi phải vứt bỏ các mảng kinh doanh không cần thiết và tập trung vào các mảng tăng trưởng quan trọng nhất, ví dụ như điện tử chẳng hạn".

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mục tiêu cuối cùng của gia đình họ Lee trong đợt tái cơ cấu này rất rõ ràng: Để củng cố quyền kiểm soát các doanh nghiệp chủ chốt, đặc biệt là Samsung Electronics, nơi gia đình Lee nắm cổ phần trực tiếp dưới 5%, và để kiếm tiền trả thuế thừa kế khi Samsung chuẩn bị chuyển giao quyền lực.

Theo pháp luật Hàn Quốc, người thừa kế phải nộp thuế 50% và ước tính thuế thừa kế của Samsung lên đến 6 tỷ USD.

Gia đình Lee dự định đưa một số doanh nghiệp Samsung lên sàn chứng khoán cũng nhằm tuân thủ các giới hạn nghiêm ngặt của chính phủ quy định cho các công ty đại tổ hợp.

Đối với gia đình họ Lee, Samsung Electronics là doanh nghiệp lớn nhất nhưng phần lớn quyền lực gia đình lại đến từ Cheli - đổi tên thành Samsung Everland Inc. từ tháng 7/2014.

Gia đình giàu có nhất Hàn Quốc này hiện đang kiểm soát hoàn toàn Cheli: Lee Jae Yong giữ 25% vốn chủ sở hữu, chị em của ông là Lee Boo Jin và Lee Seo Hyun mỗi người giữ 8,4% và cha giữ 3,7%.

Phần còn lại thuộc về các công ty khác trong tập đoàn. Các nhà phân tích cho biết, nhóm cổ đông không nằm trong gia tộc có thể bán cổ phiếu trong đợt IPO sắp đến và để cho gia đình Lee nắm quyền toàn bộ.

"Samsung đã vươn lên trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới do Chủ tịch Lee có thể tự phong tỏa quyền quản lý của mình tách biệt những tác động bên ngoài. Một khi cấu trúc cổ phần chéo bị phá vỡ, quyền kiểm soát Tập đoàn của gia đình Lee sẽ suy yếu và họ sẽ dễ bị tổn thương trước những tác động từ bên ngoài", giáo sư Kim Houng Yu tại Trường Kyung Hee School Of Management ở Seoul, nhận định.

Chẳng hạn các cổ đông có thể tăng áp lực buộc Samsung Electronics gia tăng cổ tức khi nguồn tiền mặt vượt qua mốc hiện tại 58 tỷ USD. Họ cũng có thể gây áp lực đòi thay đổi chiến lược hay cắt giảm chi phí vốn khi tăng trưởng trì trệ.

Người con cả Lee Jae Yong (46 tuổi) sẽ phải duy trì tầm ảnh hưởng tương tự cha mình, giữa bối cảnh Samsung không còn nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Hàn Quốc với hình thức công ty đại tổ hợp thông qua cổ phần chéo.

Dù chỉ kiểm soát chưa đến 2% tổng số cổ phiếu nhưng gia đình Lee vẫn đang thống trị hơn 74 công ty của Tập đoàn Samsung. Với kế hoạch cải tổ trên, gia đình Lee có thể sẽ phải tăng quyền sở hữu của Samsung Electronics bằng cách này hay cách khác.

Tháng tới, Tập đoàn Samsung sẽ công bố kế hoạch cải tổ quản trị thường niên. Lee Jae Yong có thể sẽ được đẩy lên chức Chủ tịch Samsung Electronics - mảng đóng góp 70% tổng doanh thu cho Tập đoàn.

Theo thông báo hôm qua, Samsung Electronics sẽ mua lại 1,65 triệu cổ phiếu phổ thông và 250.000 cổ phiếu ưu đãi, trị giá gần 2 tỷ USD cổ phiếu, bắt đầu từ ngày 26/2/2015.

Các nhà phân tích tại Hàn Quốc cho rằng, Samsung cũng sẽ thay đổi mô hình các công ty con sở hữu chéo như hiện nay thành mô hình một công ty mẹ nắm quyền sở hữu tất cả các công ty con.

Hiện tại, mặc dù tất cả các công ty con trong tập đoàn đều có tên gọi bắt đầu bằng "Samsung", Samsung không hề có một công ty mẹ nào nắm giữ cổ phần kiểm soát tại các công ty con.

Toàn bộ Tập đoàn Samsung được văn phòng chiến lược "Future Strategy Office" của Chủ tịch Lee điều khiển. Mặc dù không phải là một thực thể pháp lý, văn phòng này điều phối toàn bộ Tập đoàn thông qua các đại diện của Chủ tịch Samsung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Samsung và cuộc chuyển giao tỷ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO