Rwanda sẽ là “Singapore của châu Phi”?

HOÀNG ĐĂNG| 15/03/2012 06:53

Vượt lên quá khứ thương đau, Rwanda đang “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, hứa hẹn trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Phi trong tương lai.

Rwanda sẽ là “Singapore của châu Phi”?

Vượt lên quá khứ thương đau, Rwanda đang “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, hứa hẹn trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Phi trong tương lai.

Trước nay, khi nói đến Rwanda người ta chỉ biết về nạn diệt chủng khiến ít nhất nửa triệu người thiệt mạng vào năm 1994. Sau nhân tai khủng khiếp đó, Rwanda trải qua những ngày tháng thanh bình để vực dậy đất nước.

Rwanda hiện đang có một lợi thế khổng lồ, đó là nền pháp trị. Không có quốc gia nào ở châu Phi nỗ lực như Rwanda trong việc bài trừ nạn tham nhũng. Thậm chí, chính quyền nước này đã bỏ tù nhiều vị bộ trưởng ăn của đút lót.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế, cơ quan giám sát nạn tham nhũng ở các nước, đánh giá Rwanda tích cực hơn Hy Lạp hay Ý dù các công ty sở hữu bởi đảng cầm quyền nước này chiếm vai trò chi phối đối với nền kinh tế.

“Tôi chưa từng phải chi tiền đút lót cũng như chưa thấy có ai khác phải làm điều này”, ông Josh Ruxin, chủ nhà hàng Heavan ở thủ đô Kigali, Rwanda, cho biết.

Quốc gia này cũng “nói không” với nạn quan liêu. Theo bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Rwanda hiện đứng thứ 45, trên cả Luxembourg (50), Hungary (51) hay Trung Quốc (91).

Việc đăng ký thành lập một doanh nghiệp mới chỉ mất tối đa 3 ngày, với chi phí rất thấp. Quyền sử dụng đất của người nông dân cũng được chính phủ nước này quan tâm và thực hiện hết sức minh bạch.

Paul Kagame, Tổng thống Rwanda, dù là một nhân vật gây tranh cãi nhưng tinh thần cấp tiến và luôn hào hứng trước các cơ hội phát triển kinh tế của ông là điều không thể phủ nhận.

Ông từng chia sẻ, trước khi đi ngủ ông vẫn đọc những bài học về quản trị kinh doanh để áp dụng vào việc điều hành đất nước. Chính ông là người truyền thông điệp “biến Rwanda thành Singapore của châu Phi”.

Nhờ nỗ lực của Tổng thống Kagame, môi trường kinh doanh ở Rwanda được cải thiện đáng kể. Ông hiểu rằng đất nước sẽ lại sụp đổ nếu ông không gầy dựng nó giàu mạnh hơn.

Từ năm 1994 đến nay, ông đã mang đến những thay đổi ngoạn mục cho các viện nghiên cứu ở Rwanda cũng như tăng mức GDP danh nghĩa lên hai lần so với thời điểm 1994. Hiện GDP danh nghĩa của Rwanda đạt hơn 6 tỷ USD với mức tăng trưởng 6,5% trong liên tục hai năm 2010 và 2011.

Những thành quả trên khiến các nhà đầu tư quốc tế như Visa thật sự ấn tượng. Thời gian qua, công ty thẻ tín dụng hàng đầu thế giới này đã kết nối các cửa hàng và máy thanh toán tiền mặt ở Rwanda vào hệ thống thanh toán toàn cầu của hãng.

Visa đã chọn Rwanda là 1 trong 12 “thị trường sơ khai” cho các giao dịch thanh toán điện tử. Bà Elizabeth Buse, Giám đốc khu vực châu Á, Trung Âu và châu Phi của Visa, cho biết: “Rwanda là nơi hoạt động lý tưởng cho các công ty toàn cầu”.

Tuy nhiên, các công ty vẫn đối mặt với nhiều thách thức khổng lồ. Lực lượng lao động có tay nghề ở Rwanda vô cùng khan hiếm và chỉ 5,7% có bằng đại học hoặc cao đẳng.

“Nền giáo dục của Rwanda không đào tạo ra những con người biết tư duy độc lập và tư duy biện luận. Nhiều doanh nghiệp ở Rwanda thậm chí còn không hiểu khái niệm giảm giá khi mua sỉ mà ngược lại, tăng giá bán đối với các đơn hàng số lượng lớn”, Legatum Institute, tổ chức nghiên cứu chính sách công, có trụ sở đặt tại London, cho biết.

Để bù đắp sự thiếu hụt lao động, Chính phủ Rwanda đã mạnh dạn thực hiện nhiều giải pháp như tuyển dụng những người được đào tạo theo hệ thống giáo dục phương Tây nắm giữ các vị trí quan trọng, mở cửa thị trường lao động để đón nguồn lao động nhập cư từ Burundi, Kenya, Tanzania và Uganda.

Ước tính hiện có khoảng 7.000 lao động người Keyna làm việc tại các công ty xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi và vận tải tại Rwanda. Bên cạnh thiếu hụt lao động, thuế cũng là một vấn đề gây đau đầu.

Người dân Rwanda quá nghèo nên gần như không thể thanh toán bất kỳ khoản thuế nào. Thế nên, dù có dân số hơn 11 triệu người (năm 2011) nhưng 75% gánh nặng về thuế lại dồn lên vai 200 người đóng thuế nhiều nhất quốc gia này.

Việc tính thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ, trong khi nếu chậm nộp thuế một ngày, doanh nghiệp có thể phải trả thuế cao gấp đôi.

Theo Legatum Institute, nền pháp trị mà Rwanda đang thiết lập một cách hiệu quả được kỳ vọng sẽ lan rộng sang các quốc gia châu Phi.

Một khi yếu tố này bắt đầu bén rễ, tham vọng trở thành một “Singapore của châu Phi” mà Rwanda đang theo đuổi có nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rwanda sẽ là “Singapore của châu Phi”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO