Quốc tế hóa đồng nhân tệ: Bàn đạp từ châu Á

THÀNH CÔNG - MỸ VÂN| 29/06/2012 04:12

Để khẳng định vị thế mới của mình, Trung Quốc đã không ngừng tìm cách biến đồng nhân dân tệ (NDT) trở thành “đồng tiền quốc tế” giống như đồng đô la của Hoa Kỳ.

Quốc tế hóa đồng nhân tệ: Bàn đạp từ châu Á

Để khẳng định vị thế mới của mình, Trung Quốc đã không ngừng tìm cách biến đồng nhân dân tệ (NDT) trở thành “đồng tiền quốc tế” giống như đồng đô la của Hoa Kỳ.

Đọc E-paper


Trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã lần lượt ký hiệp định trao đổi đồng tiền song phương với hơn 10 nước và vùng lãnh thổ, gồm: Hàn Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Belarus, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc..., với hơn 1.500 tỷ NDT.

Từ 2009, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các công ty nước này thanh toán tiền xuất nhập khẩu hàng hóa bằng NDT, tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ. Giao thương dùng NDT đã lên tới 2.100 tỷ NDT (tương đương 330 tỷ USD) vào năm ngoái, chiếm khoảng 9% hoạt động giao thương của Trung Quốc, tăng từ mức gần như bằng 0 trước năm 2009.

Đặc biệt, tham vọng này dường như được cụ thể hóa hơn với bàn đạp là châu Á, khi vào đầu tháng 6 vừa qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu giao dịch trực tiếp bằng đồng yên và NDT.

Tại thị trường hối đoái Tokyo, trong phiên giao dịch sáng 1/6, các nhà giao dịch ngoại hối đã bắt đầu đổi đồng NDT sang đồng yên, với tỷ giá 1NDT đổi được 12,335 yên. Trong khi đó, tại thị trường Thượng Hải, 1 yên đổi được 0,0806 NDT.

Việc giao dịch trực tiếp bằng đồng yên và NDT, không thông qua USD, mang lại khá nhiều lợi ích cho cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc.

Thứ nhất, hai nước sẽ giảm sự phụ thuộc vào tỷ giá USD và tránh được những thiệt hại về hối đoái do sự dao động tỷ giá USD gây ra.

Thứ hai, các bên sẽ giảm được những chi phí giao dịch trung gian qua USD.

Thứ ba, việc này sẽ giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đẩy mạnh các hoạt động thương mại và đầu tư, tăng cường trao đổi mậu dịch hai chiều.

Ngoài ra, việc hai nước giao dịch trực tiếp với nhau bằng đồng yên và NDT còn là cách để nâng cao vị trí đồng tiền và vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Đây thực sự là cột mốc quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc. Ông Trương Bân, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thế giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chỉ rõ: “Đây không những là biện pháp chính yếu thúc đẩy phát triển giao dịch trực tiếp giữa đồng NDT và đồng yên Nhật, mà còn là một bước đi quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng NDT. Điều này có nghĩa, trong quá trình giao dịch, đồng NDT đang thoát khỏi môi giới trung gian là đồng USD, thâm nhập thị trường đồng tiền quốc tế”.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay là mâu thuẫn giữa chính sách tỷ giá của hai đồng tiền. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhật có chế độ tỷ giá hối đoái tự do, giá đồng yên lên hay xuống phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kiểm soát hối đoái và định giá đồng NDT theo một hối suất tính bằng USD, giá chính thức được Trung Quốc công bố mỗi ngày. Điều này không chỉ hạn chế khá nhiều hiệu quả của sự hợp tác, mà còn làm chậm quá trình quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc, vì nếu muốn trở thành “đồng tiền quốc tế”, trước hết NDT phải có khả năng chuyển đổi hoàn toàn.

Tiếp đến, Trung Quốc cần thể hiện tính ổn định kinh tế và tài chính dài hạn. Hiện tại, những bất ổn nội tại ở Trung Quốc: tham nhũng lan tràn, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đầu tư quá tải, “bong bóng bất động sản” bắt đầu xì hơi, đối đầu với siêu lạm phát, ô nhiễm môi trường... khiến quốc gia này chưa thể đáp ứng hoàn toàn những yêu cầu trên.

Và quan trọng nhất là Trung Quốc vẫn chưa thể thiết lập được một nền kinh tế thị trường tự do như Mỹ - một trong những tiêu chí để đảm bảo cho tính quốc tế của đồng tiền.

Trong khi đó, mặc dù còn tồn tại những lo ngại về USD, nhưng với nền tảng kinh tế vững chắc, nền pháp trị và sự ổn định lâu dài, Hoa Kỳ vẫn giữ được vị trí vượt trội của đồng USD như đồng tiền quốc tế chủ yếu khi vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong giao dịch ngoại hối và dự trữ quốc tế.

Nhìn vào thị trường ngoại hối lớn nhất thế giới là London và thị trường ngoại hối lớn ở Đông Nam Á là Singapore, dễ nhận thấy USD liên quan tới hơn 70% số giao dịch giao ngay được thực hiện hằng ngày ở khu vực này.

Tương lai trở thành “đồng tiền quốc tế” của NDT không phải quá xa vời, nhưng việc tạo lập một cực tiền tệ riêng ở khu vực châu Á và cạnh tranh ngang hàng với USD trên trường quốc tế dường như vẫn rất xa tầm với của “con rồng Trung Hoa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quốc tế hóa đồng nhân tệ: Bàn đạp từ châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO