![]() |
Các doanh nghiệp lớn đã chiến đấu với AIDS tại Nam Phi và đã tạo nên những "vòng tròn" bảo vệ người lao động của mình.
![]() |
Một thập kỷ trước, Nam Phi phải đối mặt với thảm họa của đại dịch AIDS. Tỷ lệ người lớn nhiễm HIV đã tăng từ 1% năm 1992 lên 17% vào năm 2002. Năm 2005, hơn 6,5 triệu người trên tổng số 47 triệu dân Nam Phi bị nhiễm HIV.
Dịch bệnh lan tràn, các biện pháp phòng chống, giáo dục hoàn toàn không có tác dụng. Thậm chí, ngay cả Tổng thống Thabo Mbeki của nước này còn có một lý thuyết lập dị cho rằng HIV không gây ra AIDS.
Bộ trưởng Y tế Manto Tshabalala-Msimang từng nổi tiếng thế giới khi bày ra bài thuốc chống nhiễm HIV bằng củ cải đường và tỏi. Xã hội có định kiến nặng nề, coi HIV/AIDS là một tội lỗi dơ bẩn nên cuộc chiến chống đại dịch này bị thờ ơ.
Các công ty cũng trở thành nạn nhân của dịch AIDS. Đơn giản là vì số công nhân nhiễm AIDS và chết ngày càng cao. Tình thế này buộc những công ty như Anglo American phải thay đổi chiến thuật.
Các nhà quản lý tại Anglo American luôn khuyến cáo nhân viên về đại dịch AIDS có thể giết chết bất cứ ai, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia xét nghiệm tự nguyện HIV.
Cho đến nay, khoảng 80% nhân viên của công ty này đã làm xét nghiệm và kết quả rất tích cực. Tỷ lệ chuyển đổi từ HIV âm sang dương tính được coi là "chỉ số tình dục an toàn" năm nay đã giảm xuống còn 0,63 từ mức 2,1 trong năm 2005.
Giám đốc công ty nhận e-mail báo cáo hằng ngày về các hoạt động liên quan đến khuyến khích tình dục an toàn của công nhân. Bất kỳ nhân viên nào kiểm tra dương tính với HIV đều được cung cấp thuốc kháng virus do công ty chi trả. Vì vậy, 17% nhân viên đang nhiễm HIV có thể sống và lao động bình thường.
Kết quả tích cực của Anglo American trở thành mô hình cho nhiều doanh nghiệp khác noi theo. SABMiller, một nhà sản xuất bia lớn tại Nam Phi, cũng triển khai mạnh các hoạt động phòng chống HIV cho người lao động của mình.
Nhiều năm qua, HIV/AIDS cũng làm SABMiller chao đảo. Bởi vì, dịch bệnh nguy hiểm này lây lan rộng trong nhóm nông dân cấp nguyên liệu cho nhà máy; tấn công cả các tài xế xe tải giao bia; tất nhiên cả khách hàng uống bia SABMiller cũng không còn sức uống bia khi mang trong mình virus HIV...
Vì thế, SABMiller đã chi rất nhiều tiền để cung cấp thuốc kháng virus cho nhân viên của mình.Hãng cũng mua bao cao su để phát miễn phí trong các quán rượu và truyền bá thông điệp tình dục an toàn trên các chuyến tàu...
Kết quả tốt hơn so với hy vọng. Hầu hết các công ty tại Nam Phi đều có chương trình phòng chống HIV như Anglo American và SABmiller.
Nhờ vận động hành lang của các nhà hoạt động và cải tiến trong công nghệ, giá thuốc kháng HIV tại đây giảm mạnh từ khoảng 10.000 USD xuống còn 100USD.
Cuộc chiến chống AIDS đã thay đổi tinh tế mối quan hệ giữa công ty và người lao động. Các nhà quản lý tại SABMiller đã hình thành các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp và người bán.
Không chỉ chăm sóc cho bệnh nhân HIV, công ty này còn quan tâm đến nhiều vấn đề sức khỏe của người lao động như béo phì, tăng huyết áp.
Nam Phi là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất trên thế giới, mặc dù số ca tử vong do nhiễm căn bệnh thế kỷ này đã giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê chính thức, hiện nay, Nam Phi đang có 6 triệu người chung sống với căn bệnh HIV trên tổng số 50 triệu dân.
Tuy nhiên, sự tích cực của các công ty trong nỗ lực phòng chống AIDS cũng tác động tới chính sách liên quan của Chính phủ Nam Phi. Chính phủ nước này đã chấp nhận cung cấp thuốc kháng virus miễn phí cho 6 triệu người mỗi năm.
Cuối năm ngoái, Chính phủ Nam Phi cho biết có tới 80% số người cần điều trị AIDS đã được tiếp cận với thuốc kháng virus ARV. Hiện nay, mỗi năm Nam Phi chi 1,6 tỷ USD cho cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS - cao nhất trong số các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.
Ý KIẾN CỦA BẠN