Obama khóc vì không kiểm soát được bạo lực súng đạn

08/01/2016 06:18

Thất bại trong mọi nỗ lực kiểm soát bạo lực súng đạn, Obama đã rơi lệ.

Obama khóc vì không kiểm soát được bạo lực súng đạn

Cảm thấy bất lực vì không thể giải quyết triệt để vấn nạn bạo lực súng đạn có lẽ là lý do khiến một người điềm tĩnh như ông Obama phải rơi lệ khi phát biểu.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 5/1 công bố một loạt biện pháp mới nhằm đấu tranh với nạn bạo lực súng đạn ở Mỹ. Khi nhắc đến những đứa trẻ thiệt mạng vì bạo lực súng đạn và kêu gọi nước Mỹ thức tỉnh để cùng đối phó với tình trạng này, ông Obama đã rơi nước mắt.

Theo bình luận viên Maya Rhodan từ tạp chí Time, Tổng thống Obama không phải cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner. Khác với cựu diễn giả nổi tiếng là người mau nước mắt, vị tổng tư lệnh của nước Mỹ là mẫu người điển hình cho sự điềm tĩnh và tự chủ. Phong cách chuyên nghiệp của ông Obama thậm chí còn khiến các đối thủ chính trị mất bình tĩnh. Nhiều người còn gán cho ông những biệt danh như "bậc thầy về thuyết giảng".

Tuy nhiên, khi tuyên bố sẽ sử dụng quyền hành pháp để đẩy mạnh kiểm soát nạn bạo lực súng đạn tại phòng phía Đông Nhà Trắng hai ngày trước, Tổng thống Mỹ đã phải đưa tay gạt đi nước mắt trên khuôn mặt mình.

Dường như cảm xúc của ông đã bị xáo trộn khi Tổng thông Mỹ nhắc đến "những sinh viên ở Santa Barbara, những học sinh trung học ở Columbine hay những học sinh tiểu học ở Newtown", những người "có quyền bất khả xâm phạm là được sống" nhưng lại bị cướp đi sinh mạng bởi súng đạn.

Ông lặp đi lặp lại những từ "các học sinh tiểu học" trước khi dừng lại để đặt tay lên bục phát biểu. Đôi mắt ông bắt đầu ngấn nước. "Mỗi lần tôi nghĩ đến những đứa trẻ ấy, nó lại làm tôi phát điên lên", ông nói, nước mắt lăn dài. "Và tình trạng này vẫn tiếp diễn trên các đường phố của Chicago mỗi ngày".

Không hẳn là Tổng thống Mỹ chưa bao giờ khóc trước công chúng. Ông từng rơi nước mắt khi chia sẻ cảm nghĩ về con trai của Phó tổng thống Joe Biden trong tang lễ của anh hồi năm ngoái. Ông đã khóc trong màn biểu diễn của nhóm A Natural Woman ở trung tâm biểu diễn nghệ thuật Kenedy hồi tháng trước. Ông khóc trong lễ nghỉ hưu của cựu tổng chưởng lý Eric Holder.

Ông cũng khóc khi nói chuyện với đội ngũ vận động tranh cử của mình, một ngày sau khi tái đắc cử tổng thống. Và tất nhiên, ông đã khóc trong cái ngày định mệnh 14/12/2012 khi ban bố quốc tang tưởng niệm cái chết của 20 "đứa trẻ đáng yêu" và 6 thanh thiếu niên sau vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook.

Nhưng những giọt nước mắt của Tổng thống Mỹ hôm 5/1 có lẽ do một nguyên nhân khác. Chúng phần nhiều là vì ông cảm thấy đau buồn trước cái chết của những người dân vô tội. Nó giống như một sự thừa nhận rằng ông không thể làm gì để thay đổi tình hình, cây bút Maya Rhodan nhận định.

Việc Tổng thống Obama đề cập đến những đứa trẻ ở Newtown và trên các đường phố Chicago khiến người nghe nhớ lại thời điểm cách đây chưa lâu khi ông Obama tỏ ra có chút hy vọng rằng những cái chết của quá nhiều trẻ nhỏ sẽ hối thúc các nhà lập pháp hành động.

Vẻ đau buồn thoáng qua trên gương mặt vị tổng thống khi ông gạt đi nước mắt không khác gì một lời nhắc nhở rằng, một lần nữa, ông cảm thấy mình cần có trách nhiệm sử dụng quyền hành pháp để vượt qua những rào cản của Quốc hội Mỹ nhằm ban hành các quy định kiểm soát súng đạn. Nhất là giờ đây, khi ông bước vào năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống, thời gian còn lại là không nhiều để ông có thể làm thêm bất kỳ điều gì.

Tháng 1/2013, hai tuần sau vụ xả súng ở Sandy Hook, ông Obama đã thực hiện 23 hành động hành pháp với mong muốn giải quyết vấn nạn bạo lực súng đạn, chủ yếu tập trung vào việc thu thập dữ liệu và phân bổ các nguồn lực.

Tổng thống Mỹ đã cố gắng tận dụng cơn giận dữ bùng phát trên toàn quốc khi đó để buộc Quốc hội thông qua các biện pháp cải cách súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng giết người hàng loạt. Song, những biện pháp này không được Thượng viện thông qua. Ông Obama lúc đó rất giận dữ. Ông đã đưa ra một bài phát biểu giọng điệu gay gắt tại Vườn Hồng, với sự tham gia của cựu thành viên Quốc hội Gabby Giffords và người thân của các nạn nhân vụ xả súng.

"Tôi tin chúng ta sẽ làm được điều này. Dù sớm hay muộn, chúng ta cũng phải làm", ông Obama nói.

Tuy nhiên, đã ba năm trôi qua và thực sự chưa có nhiều thay đổi diễn ra trên đất Mỹ. Ông Obama không đạt được tiến triển nào tại Đồi Capitol. Những nỗ lực của ông nhằm khiến các chính trị gia cảm thấy xấu hổ để từ đó có những hành động cứng rắn hơn sau các vụ xả súng mới đây chỉ nhận được thái độ khinh thị. Số lượng các vụ mua bán súng cũng tăng vọt trong năm ngoái.

Bất chấp những mối nguy hiểm, nhiều bang của Mỹ vẫn mở rộng quyền sử dụng súng đạn. Từ năm 2013 đến nay có hơn 1.000 vụ xả súng hàng loạt, xảy ra ở khắp nơi trên nước Mỹ. Thế nhưng, Tổng thống Obama vẫn phải dùng đến quyền hành pháp để xử lý vấn đề.

Theo đó, Cục quản lý Rượu, Thuốc lá và Vũ khí Mỹ (ATF) sẽ yêu cầu người bán súng tại cửa hàng, triển lãm súng đạn hoặc qua Internet phải có giấy phép kinh doanh. ATF cũng hoàn thiện quy định kiểm tra lý lịch đối với người muốn mua vũ khí nguy hiểm.

Dù nhắm vào giải quyết những lỗ hổng cho phép việc mua bán súng ngắn tại các cửa hàng trưng bày vũ khí mà không bị kiểm tra, đây vẫn là một đề xuất khiêm tốn của ông Obama. Dù khẳng định quyền của những chủ sở hữu súng đạn có trách nhiệm sẽ được bảo vệ, ông vẫn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các thành viên đảng Cộng hòa, những người cho rằng hành động của ông vi phạm Luật sửa đổi thứ hai của Hiến pháp Mỹ.

Và với việc các vụ xả súng hàng loạt chưa có dấu hiệu giảm thiểu, có lẽ Tổng thống Obama sẽ còn phải khóc nhiều tại những dịp khác, Rhodan bình luận.

>Xả súng kinh hoàng ở Mỹ làm ít nhất 27 người chết

>Giới biếm họa thế giới lên tiếng về vụ xả súng ở Pháp

>Mỹ: Nơi duy nhất xảy ra các vụ xả súng… hằng tháng

>Chuyện súng đạn ở Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Obama khóc vì không kiểm soát được bạo lực súng đạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO